Thương mại điện tử hay mua bán online là phương thức kinh doanh hiệu quả, đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế cùng những giá trị vô hình cho đời sống - xã hội. Gần hai năm qua, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội, hoạt động này càng thể hiện tính hữu dụng, cho thấy tiềm năng khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, dựa trên nền tảng số.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chuyển nguy thành cơ à một cụm từ phù hợp để nói về Hoàng Tùng và Pizza Home khi đại dịch Covid – 19 xảy ra. Khoảng giữa tháng 2/2020, những chiếc pizza thanh long của Pizza Home ra đời đã tạo nên cơn sốt trên thị trường, vừa tạo một trải nghiệm mới trong khẩu vị khách hàng, vừa góp sức trong công cuộc giải cứu nông sản Việt lúc bấy giờ. Chưa đầy hai tháng sau đó, hình ảnh những chiếc bánh burger Corona của Pizza Home đã xuất hiện trên những hãng truyền thông lớn trên thế giới. Bạn bè giới kinh doanh ưu ái gọi Tùng là “thánh bắt trend” (xu hướng).
Anh Hoàng Tùng, CEO Pizza Home - Ảnh: TTXVN |
CEO Hoàng Tùng, Giám đốc chuỗi nhà hàng ăn nhanh Pizza Home, tâm sự: "Năm 2020, 2021 là thời gian khốc liệt nhất đối với những người kinh doanh nhà hàng. Chuỗi của tôi phải loay hoay, tái cấu trúc lại rất nhiều, phải dịch chuyển và tìm những hưởng đi mới và có thời điểm chấp nhận doanh số về 0. Trong 2 năm vừa qua, có 2 bài học rất lớn là: bài toán về sự cẩn trọng trong kinh doanh; thứ 2 là trong nguy có cơ. Có nghĩa 1 năm qua, khi khó khăn thì mình phải tìm hướng, xem tất cả những hướng đi mới, đào sâu vào mô hình kinh doanh của mình. Mình không chấp nhận làm theo cách trước đây nữa vì không phù hợp. Làm ra những sản phẩm mới hơn, tìm ra kênh bán hàng mới hơn".
Về số lượng điểm bán, Pizza Home nay đã bị thu hẹp đi nhiều so với trước khi xảy ra đại dịch, tuy nhiên việc dịch chuyển lên các nền tảng bán hàng trực tuyến lại mạnh mẽ hơn. Đây là điều CEO Tùng từng rất muốn làm nhưng chưa đủ động lực. Dịch Covid-19 là một trong những động lực bắt buộc Pizza Home phải thực hiện chuyển đổi. Pizza Home cải tổ lại doanh nghiệp trở nên tinh gọn và mạnh mẽ hơn.
CEO Hoàng Tùng cho biết: "Từ 20 cửa hàng có mặt bằng thì bên mình giảm xuống chỉ còn có 9 cửa hàng offline thôi. Tuy nhiên số cửa hàng trên môi trường online lớn hơn rất nhiều, gần 100 cửa hàng. Môi trường online tạo ra cơ hội rất lớn cho người kinh doanh chuỗi nhà hàng online. Mức thu nhập khá là tốt. Việc tiếp tục đăng sản phẩm lên các nền tảng số giúp mình nhận được sự phản hồi trực tiếp từ khách hàng. Khi đó, mình thấy gần với thị trường hơn rất nhiều. Và giúp cho mình dịch chuyển, dịch chuyển rất nhiều từ kênh offline lên kênh online".
CEO Lê Anh - Cty TNHH và Thương mại dịch vụ Lê Gia, doanh nghiệp trẻ chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng nước mắm truyền thống, chia sẻ trong 2 năm vừa rồi, yếu tố để doanh nghiệp tồn tại và vẫn tăng trưởng bởi vì công ty phải thích nghi, tức là linh hoạt để tồn tại. CEO Lê Anh cho biết: "Sản phẩm truyền thống sẽ có những đặc thù riêng, không nằm ngoài xu thế tiêu dùng hiện đại vì đặc thù là bán hàng đa kênh tức là có kênh siêu thị, cửa hàng truyền thống, đại lý, và đặc biệt là kênh online. Hiện tại doanh số kênh online chiếm tỷ trọng lớn hơn hẳn so với offline. Chúng tôi cố gắng tận dụng nền tảng bán hàng như các sàn, các app.
CEO Lê Anh, Cty TNHH và Thương mại dịch vụ Lê Gia - Ảnh: vneconomy.vn |
Người trẻ làm mắm truyền thống sẽ có tư duy của người trẻ và áp dụng cái mới để tính đồng đều của sản phẩm tốt hơn, ứng dụng công nghệ để quản trị sản phẩm tốt hơn. Đại dịch đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống. Chúng tôi ngoài giữ nguyên tính truyền thống thì vẫn phải có những điều chỉnh để phù hơp với xu hướng. Hành vi của người tiêu dùng đã điều chỉnh hoặc sẽ điều chỉnh như ăn ở nhà nhiều hơn và sẽ giữ thói quen đấy trong một thời gian nên chúng tôi sẽ phải điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với hành vi tiêu dùng đấy. Chúng tôi cũng ý thức ngay từ đầu, đã có sẵn facebook, tiktok rồi nên ai tận dụng được sẽ tối ưu nguồn lực của mình. Ngay từ khi có sản phẩm mới thì chúng tôi đã sử dụng những công cụ đấy để đo lường, để test bởi vì rất rẻ so với việc chúng ta bỏ tiền ra nghiên cứu thị trường".
Với suy nghĩ “nếu dừng lại sẽ bị đào thải”, nhiều doanh nghiệp trẻ đã, đang và sẽ tiếp tục sáng tạo, cải tiến, thích ứng để tồn tại, vượt qua những khó khăn do dịch Covid - 19.