VOV ĐBSCL-15 năm ấy biết bao nhiêu tình

Chia sẻ
Một thế hệ VOV ĐBSCL trẻ, khoẻ hôm nay đang trưởng thành mọi mặt; xứng tầm là cơ quan đại diện của VOV.

Một thế hệ VOV ĐBSCL trẻ, khoẻ hôm nay đang trưởng thành mọi mặt; xứng tầm là cơ quan đại diện của VOV.


Thấm thoắt theo nhịp chảy của thời gian, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại khu vực ĐBSCL (VOV ĐBSCL) đã bước vào tuổi 15. Qua 15 năm xây dựng và phát triển, từ một cơ quan với thủa ban đầu còn nhiều khó khăn như trụ sở phải đi thuê, nhân lực mỏng; nay VOV ĐBSCL đã hòa vào trở thành một trong những cơ quan thường trú trong nước phát triển mạnh mẽ trong dòng chảy đi lên của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV); xứng tầm là đại diện VOV tại vùng châu thổ Cửu Long.

 

 VOV ĐBSCL-15 năm ấy biết bao nhiêu tình  - ảnh 1
Nhóm PV truyền hình làm phim"Hương bồn bồn"


Vậy là theo nhịp điệu thời gian, 15 năm trôi qua với biết bao kỷ niệm về sự ra đời và phát triển của một cơ quan thường trú trong nước của VOV tại vùng đất được coi là vựa lúa, vựa cá của cả nước. Đó là năm 1998, khi đó do chưa có trụ sở, cơ quan thường trú lúc đó với nhiệm vụ chính trị của mình, thành lập theo quyết định của Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam để hoạt động phải thuê một số phòng của căn nhà số 1 ở đường Hai Bà Trưng, TP Cần Thơ để hoạt động. Khó khăn, thiếu thốn song mọi người đều cố gắng vươn lên, chuyển những thông tin mang tính lịch sử mang dấu ấn VOV ĐBSCL như hôm nay.


Cuối năm 1999, với sự đầu tư quyết tâm của Lãnh đạo Đài, cơ quan thường trú đã có một trụ sở mới khang trang, 3 tầng lầu, có phòng thu hiện đại và nhiều trang thiết bị phát thanh chuyên dụng đặt tại số 102 –đường Lý Tự Trọng- quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ. Từ đây đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của cơ quan với sự hình thành 2 Phòng là  Phòng Phóng viên và Phòng Hành chính Tổng hợp; con số nhân lực tăng lên hơn 10 người.


Những thông tin về ĐBSCL tiếp tục được chuyển tải trên làn sóng phát thanh quốc gia với các những nhà báo xông xáo và sôi nổi như Giám đốc Trương Cộng Hòa, các phóng viên Ngọc Trân, Trúc Điệp, Lâm Hùng, Minh Hạnh, Lệ Hằng … Và kế tiếp sau này là nhiều nhà báo, phóng viên trẻ khác như Hữu Trãi, Tấn Phong, Thanh Tùng, Lam Hiếu, Hồng Phương, Ngọc Hân, Văn Ánh… với những thông tin mang đậm dấu ấn của vùng đất Chín rồng đang vươn lên trong đổi mới.

 VOV ĐBSCL-15 năm ấy biết bao nhiêu tình  - ảnh 2
OV ĐBSCL  tặng quà cho học sinh nghèo tại xã Thới Hưng, huyện Cở Đỏ,
TP Cần Thơ.



Nhớ như in những năm 2000, cả đội ngũ cán bộ, phóng viên lao về tâm điểm các tỉnh đầu nguồn vùng lũ để thông tin, phản ánh về cơn lũ lịch sử nhấn chìm hàng trăm ngàn nhà cửa của người dân các địa phương; gây thiệt hại không nhỏ cho tính mạng con người. Khi đó, với trách nghề nghiệp của các nhà báo Đài phát thanh quốc gia, nhiều anh chị em phóng viên đã quảy giỏ, bị lên đường; nằm hàng chục ngày với ban chỉ đạo tiền phương các địa phương vùng lũ để thông tin về thiệt hại do lũ gây ra.


Cũng từ thực tiễn sinh động đó, anh chị em đã phát hiện ra tính 2 mặt của lũ, vừa gây thiệt hại đồng thời cũng mang lại nguồn lợi lớn. Trên cơ sở phân tích khoa học, VOV ĐBSCL đã góp phần cùng với các cơ quan báo chí và lãnh đạo chính quyền các địa phương cho ra đời khái niệm “sống chung với lũ” ở ĐBSCL. Cũng từ đây các cầu phát thanh, tọa đàm trực tiếp được liên tiếp thiết lập với sóng thời sự của Đài tại Hà Nội để phản ánh về những cơn lũ lịch sử tiếp theo. Không chỉ có vậy mà các sự kiện tiêu biểu khác ở vùng như khánh thành cầu Mỹ Thuận hoặc vụ cháy rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ, anh chị em thường trú đã cùng với các lực lượng quần thảo với”giặc lửa” hàng tháng trời để giành lấy mầm xanh cho những cánh rừng phía Tây Nam Tổ quốc. 

 VOV ĐBSCL-15 năm ấy biết bao nhiêu tình  - ảnh 3
Tổ kỹ thuật cân chỉnh lại chảo phát sóng.


Với sức vóc của mình, VOV ĐBSCL cũng bắt đấu có một đội ngũ kỹ sư trẻ tràn đầy tính sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ phát thanh, tạo lực đẩy cho toàn cơ quan phát triển. Năm 2003, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của cơ quan với sự kiện Phòng Phát thanh tiếng Khmer chuyển từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ và sau này thành lập thêm Phòng Kỹ thuật, VOV ĐBSCL đã hoàn thiện bộ máy về tổ chức với 4 phòng chức năng và nguồn nhân lực hơn 40 người như hôm nay.


Với sự phát triển đó, các sự kiện như sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ; đối phó với cơn bão mạnh Durian (bão số 9) lần đầu tiên đổ bộ vào Nam bộ năm 2006 và các sự kiện mang tính tiêu biểu khác trong vùng như Festival lúa gạo, thủy sản, diễn đàn kinh tế ĐBSCL…VOV ĐBSCL đã chuyển tải đầy đủ hơi thở của người dân vùng đất Chín rồng trên các phương tiện truyền thông của VOV.


Không chỉ cho sóng Hà Nội mà trên sóng phát thanh tần số 873 ( sóng khu vực) với quyết tâm của Giám đốc Phạm Duy Hưng và toàn thể cơ quan, từ năm 2010, các chương trình ca cổ, ca nhạc, tư vấn kiến thức tổng hợp ra đời hợp lực với các chương trình phát thanh tiếng Khmer, chương trình "Văn nghệ chủ nhật”, chương trình” Chiến sĩ Miền Tây” trước đó đã giúp cho người dân đất châu thổ có  thêm một món ăn “đặc sản” từ mang thương hiệu VOV.

VOV ĐBSCL hôm nay đi lên trong nhịp điệu cuộn chảy của môi trường trường thông tin mang tính cạnh tranh quyết liệt; trong sự tích hợp đa phương tiện của VOV. Cơ quan do vậy không chỉ cung cấp sản phẩm cho báo nói mà còn cả báo hình, báo điện tử, báo in của VOV.


Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên, nhân viên đã trưởng thành mọi mặt, có mặt ở hầu khắp các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đồng bằng Cửu Long. Các sản phẩm báo chí mang đậm dấu ấn của sự lao động cần mẫn, nhiệt tâm, đầy trách nhiệm của những người làm báo của Đài phát thanh quốc gia.


Chưa bao giờ sự đa chiều, cả trăn trở và khát vọng của vùng đất Chín rồng lại được phản ánh sinh động và phong phú như hiện nay. Bởi vậy,VOV ĐBSCL luôn được Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các địa phương và người dân châu thổ coi là cánh tay nối dài để đưa thông tin đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

 VOV ĐBSCL-15 năm ấy biết bao nhiêu tình  - ảnh 4


VOV ĐBSCL trưởng thành như hôm nay, là có sự quan tâm; giúp đỡ, xây đắp của các thế hệ lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam; sự nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo và tập thể đơn vị. Các nhà báo từ Hà Nội vào thường trú như Trương Cộng Hòa, Nguyễn Đình Lương, Phạm Duy Hưng, Tạ Đức Toàn, Trần Nhật Minh, Trần Sông Thao, Nguyễn Vũ Duy, Phạm Nam Tiến, Ngô Thiệu Phong; hay nhà báo Võ Minh Quang người con của đất Nam bộ khi đã làm việc ở VOV ĐBSCL đều đem đến những phong cách riêng. Mỗi người trong họ, bằng tâm huyết của mình đã để lại dấu ấn quan trọng với cơ quan và cả mỗi mảnh đất, con người vùng đất phương Nam mà họ đã đến và gặp.

Trong dòng chảy liên tục của thời gian, sự bùng nổ và toàn cầu hóa của các phương tiện truyền thông đại chúng, VOV ĐBSCL với sự quan tâm đầu tư  mọi mặt của Lãnh đạo Đài; của các cấp, các ngành và người dân châu thổ hôm nay đang hòa nhịp với sự phát triển của VOV; vươn lên khẳng định vị thế của mình trong khu vực. Những thông tin không chỉ nóng hổi tính thời sự mà còn thấm đẫm tình đất, tình người nơi vùng đất có chín cửa sông đổ ra biển lớn. Huân chương Lao động Hạng nhì mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho cơ quan và Huân chương Lao động Hạng nhất cho Phòng Khmer nhân dịp VOV ĐBSCL tổ chức 15 năm thành lập vào ngày 06/12 tới đây là một sự ghi nhận những nỗ lực này.

Một thế hệ VOV ĐBSCL trẻ, khoẻ hôm nay đang trưởng thành mọi mặt; xứng tầm là cơ quan đại diện của VOV ở vùng châu thổ Cửu Long đầy năng động và sáng tạo; tập thể cơ quan đang từng ngày vươn lên để đưa thương hiệu VOV đến khắp vùng đồng bằng Cửu Long rộng lớn, trù phú và ấp áp tình người./.


Bùi Trọng Điển/VOV-ĐBSCL

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu