Văn miếu Xích Đằng ngày trở lại

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Văn miếu Xích Đằng là một trong 6 Văn miếu của đất nước còn tồn tại cho đến ngày nay.

Văn miếu Xích Đằng được xây dựng năm 1832, thuộc địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Di tích lịch sử văn hóa quốc gia này là nơi tổ chức các kỳ thi tuyển và lễ bái tế các bậc hiền nho thời phong kiến, tôn vinh nền học vấn và triết lý "hiền tài là nguyên khí quốc gia". Văn miếu Xích Đằng là một trong 6 Văn miếu của đất nước còn tồn tại cho đến ngày nay và là một trong hai Văn miếu lâu đời nhất, đứng sau Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Khuôn viên Văn miếu Xích Đằng một ngày sau mưa, những tia nắng sớm chưa đủ làm bừng sáng lên màu thâm nâu của di tích. Bầu trời sũng nước, như sắp rơi xuống những hàng gạch còn ướt mưa trong sân Văn miếu. Trong không gian ấy, người em gái, làm việc ở Hà Nội, cùng chị gái mình, người đã ở Cộng hòa Liên bang Đức gần 20 năm nay, đang trò chuyện cùng cô hướng dẫn viên Nguyễn Thị Liên . Tiếng ba người lẫn vào nhau, lật lên bao yêu thương về mỗi cái cây, ngọn cỏ, từng mái ngói, bức tường của khu di tích này:

Hai bên chuông và khánh đá này mới sửa lại chứ ngày xưa nó thủng lung tung, còn chui đầu qua để chơi trốn tìm cơ. Còn tháp ông, tháp bà thì một cái ở góc này, một cái ở góc kia.

Cái lúc chơi trốn tìm chắc là thần tiên lắm nhỉ?

Thần tiên luôn ý. Chui trong đống rơm, tối cũng chơi. Tối cũng ra đây. Trẻ con mà, chẳng biết sợ là cái gì. Chứ bây giờ có khi còn sợ hơn ngày bé nhỉ ( cười)

Văn miếu Xích Đằng ngày trở lại - ảnh 1 Đường vào cổng của di tích Văn Miếu Xích Đằng. -Lan Anh/VOV5

Người phụ nữ sống ở nước ngoài là chị Đào Thanh Thủy, còn cô em gái là Đào Thanh Nam. Hôm nay, hai người về thăm quê, thăm lại tất cả những gì thuộc về Văn miếu Xích Đằng, nơi gắn bó với tuổi thơ của họ. Chị Thủy cho biết: Bố mẹ mình sinh ra lũ chúng mình ở Hà Nội. Ông bà tổ tiên nhà nội là ở làng Xích Đằng này. Lúc bé mình hay về đây chơi. Mình trèo lên tất cả mọi chỗ ở đây, cái cổng này. Rồi chỗ cái chuông khánh cũng rúc ráy vào chơi, rồi gõ. Chỗ cái chuông đồng cũng thế. Xong nhổ cái cây này ở đây về cho mẹ. Ngày xưa cái nhà này là chỗ hợp tác xã dệt thảm. Lúc đó nó còn hoang sơ lắm, chưa được như bây giờ. Bây giờ thì nó rất đẹp, cái đẹp vẫn giữ được sự cổ kính trước đây.

Văn miếu Xích Đằng ngày trở lại - ảnh 2 Con đường dẫn vào Văn Miếu Xích Đằng. -Lan Anh/VOV5

Khuôn viên Văn miếu rộng 6.000 m2, bao gồm các công trình kiến trúc: tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dải vũ, khu chính và khu tháp thờ. Họ đứng hồi lâu trước Tam quan Văn miếu. Cô hướng dẫn viên cho biết công trình kiến trúc đặc sắc này vẫn được giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng đến nay và được lấy làm biểu tượng tỉnh Hưng Yên: Tam Quan có kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái. Hai tầng tượng trưng cho lưỡng nghi, 4 phía xung quanh tượng trưng cho tứ tượng, tám mái tượng trưng cho bát quái mà bát quái sinh vạn vật, vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây là ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp mong muốn có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Văn miếu Xích Đằng ngày trở lại - ảnh 3 Khuôn viên Văn miếu gồm các công trình kiến trúc tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dải vũ, khu chính và khu tháp thờ. - Lan Anh/VOV5

Ký ức tuổi thơ dội về, chị Đào Thanh Nam kể: Mùa hè thì ở đó người ta phơi rơm nên đống rơm ở đây cao đến nửa cái cổng tam quan này. Đứng từ trên cổng kia nhảy xuống đống rơm này và lăn lăn lăn lăn mấy vòng xuống đất cảm giác rất sướng. Sau đó đến mùa hè là mùa nhãn thì hái nhãn.

Theo đường thập đạo, qua khoảng sân rộng mà hai bên có lầu chuông và lầu khánh cùng 2 dãy tả vu, hữu vu trưng bày các hình ảnh và hiện vật liên quan đến giáo dục của tỉnh Hưng Yên, ba người đến khu nội tự. Khu nội tự Văn miếu tỏa sáng bởi hệ thống đại tự, câu đối, cửa võng và hệ thống kèo cột được sơn thếp phủ hoàn kim.

Văn miếu Xích Đằng ngày trở lại - ảnh 4 Hai bên sân là lầu chuông. - Lan Anh/VOV5

Nơi đây thờ Khổng Tử, người được suy tôn là "Vạn thế sư biểu, và các chư hiền của Nho gia và thầy giáo Chu Văn An, hiệu trưởng đầu tiên của Quốc Tử Giám. Niềm tự hào về Văn miếu Xích Đằng của hai người phụ nữ dầy thêm khi cô hướng dẫn viên nói về những tấm bia đá ở đây:Có 8 tấm được dựng vào năm Đồng Khánh thứ ba 1888 và tấm cuối cùng dựng vào năm Bảo Đại thứ 8 năm 1943. 9 tấm bia đá ở Văn Miếu Xích Đằng của tỉnh Hưng Yên ghi danh tên, tuổi, quê quán, chức vụ 168 vị tiến sỹ trong tổng số 228 vị tiến sỹ của tỉnh Hưng Yên. Trong thời kỳ phong kiến, cả nước chọn được  2898 vị tiến sỹ, riêng Hưng Yên đã có 228 vị, chiếm 1/10 của cả nước và là tỉnh đứng thứ 4 cả nước về những người đỗ đạt.

Văn miếu Xích Đằng ngày trở lại - ảnh 5Và lầu khánh. - Lan Anh/VOV5

Xa quê đã 20 năm nhưng hôm nay trở lại, ký ức về những ngày chơi trốn tìm ở Văn miếu Xích Đằng của chị Đào Thanh Thủy và người em gái lại ăm ắp đầy. Chị Thủy mừng vì vật đổi sao rời nhưng mọi thứ ở đây gần như được giữ nguyên. Vẫn những bóng cây đã thành cổ thụ, ghi dấu thời gian ở nơi này. Rời Văn miếu Xích Đằng qua cánh đồng ngạt ngào hương lúa chín, mang theo những xôn xao của một ngày sau mưa ở Văn miếu Xích Đằng- bóng xưa và ký ức thời gian sẽ còn mãi với chị ở nước Đức xa xôi.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu