Tục rước ông bà ngày Tết ở Nam bộ

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Đối với cư dân ở vùng đất phương Nam, Tết trước hết là cho Tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón Tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Tục cúng rước ông bà ngày Tết thể hiện đạo lý “ uống nước nhớ nguồn” một nét đẹp văn hoá độc đáo và giàu tính nhân văn của người dân vùng đất phương Nam. 

(VOV5) - Đối với cư dân ở vùng đất phương Nam, Tết trước hết là cho Tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón Tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Tục cúng rước ông bà ngày Tết thể hiện đạo lý “ uống nước nhớ nguồn” một nét đẹp văn hoá độc đáo và giàu tính nhân văn của người dân vùng đất phương Nam. 

Tục rước ông bà ngày Tết ở Nam bộ - ảnh 1

Rước ông bà, một trong những mỹ tục của đất Phương Nam


Nghe nội dung bài viết tại đây:



Khi những cánh hoa mai, những bông cúc hé nụ bừng sắc vàng báo xuân về, Tết đến cũng là dịp người Nam bộ gác lại những lo toan bộn bề sau một năm lao động để chuẩn bị đón chào mùa xuân mới. Những cư dân nông nghiệp ở vùng đất Nam bộ từ xa xưa có nét riêng trong tập tục nghi lễ rước ông bà Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Tập tục dân giã, bình dị ấy lại có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tâm linh của người dân Nam bộ. Nó như sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại ở mỗi nếp nhà nơi vùng đất phương Nam.

Cái Tết ở vùng đất Nam bộ thường bắt đầu từ tháng Chạp (tháng 12 âm lịch). Theo ngày đã định, các gia đình, dòng họ, cả người già, người trẻ, có khi tất cả người dân trong làng đều ra nghĩa trang làm rãy cỏ, chính trang lại các ngôi mộ của ông bà, những người đã khuất. Trong những lần đi tảo mộ mọi người không quên nghi thức “Chạp mả làng”( Chạp mả từ thiện) tức là cứ thấy ngôi mộ nào chưa được làm cỏ thì mọi người cùng vào rãy cỏ, thắp nhang cho những ngôi mộ vô chủ, những ngôi mộ chưa được chăm sóc. Đây cũng là nét đặc trưng truyền thống của những cư dân mở đất khai hoang vùng đất mới ở Nam bộ xưa kia. Đi tảo mộ cũng là nghi lễ đầu tiên trong phong tục rước ông bà về ăn Tết. Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Huỳnh Ngọc Trảng cho biết: "Theo Nho giáo, đây là dịp tạ ơn ông bà , thể hiện chữ “Hiếu”, báo đáp “cái gốc” và nhớ tới “ cái nguồn”, thể hiện chuẩn mực đạo đức “ Uống nước, nhớ nguồn”  và xác lập mối quan hệ thuỷ chung. Trước hết đối với bản thân nhớ đến công đức của các bậc đi trước, có Tổ tiên, có ông bà mới có mình hôm nay. Nhớ tới cội nguồn truyền thống gia phong của gia đình và cũng giáo dục cho con cháu truyền thống tốt đẹp mà Tổ tiên đã tạo dựng để lưu truyền cho con cháu sau này giữ gìn".

Tục mời ông bà về ăn Tết mang ý nghĩa tâm linh lâu đời của người Việt Nam nói chung và người Nma bộ nói chung. Đó dịp để các thành viên trong gia đình báo cáo trước ông bà Tổ tiên về những việc làm, thành quả lao động trong cả một năm, thành kính báo cáo với các bậc tiền nhân cả chuyện vui, chuyện buồn, việc đi xa, việc làm ăn buôn bán, việc cưới gả con cái...Với quan niệm đó,Tết ở Nam bộ trước hết Tết là cho Tổ tiên, ông bà, những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Trương Ngọc Tường, ở tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Tết ở trong này gọi là ăn Tết, bởi người sống nghỉ Tết, ăn Tết, chơi Tết, chúc Tết, nhưng cúng trong 3 ngày Tết là cúng cho Tổ tiên, ông bà. Mình no đủ, vui vẻ trong mấy ngày Tết thì Tổ tiên, những người đã khuất cũng phải no đủ trong ngày Tết".

Với ý nghĩa như vậy việc chuẩn bị bàn thờ, mâm cơm cúng lễ ông bà Tổ tiên trong ngày Tết được người dân Nam bộ rất coi trọng.Từ sáng sớm ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung sắm sửa, chuẩn bị cho lễ Tết. Đàn bà, con gái lo chuẩn bị các món ăn cho mâm cơm ngày Tết. Đàn ông, con trai thì chuẩn bị đồ thờ cúng, trang hoàng nhà cửa sạch sẽ để đón ông bà Tổ tiên về ăn Tết. Trong tục cúng ông bà, người phương Nam coi trọng việc chữ nghĩa. Mâm ngũ quả trên bàn thờ cũng phải đủ  trái Mãng cầu, Dừa, Đu đủ, Xoài...với hàm ý theo ngôn ngữ Nam bộ: Cầu - vừa- đủ- xài. Chiều 30 Tết khi mọi việc đã tươm tất cũng là lúc người già, đàn ông trong nhà quần áo tề chỉnh bắt đầu nghi lễ mời ông bà tổ tiên cùng về vui Tết với con cháu. Một mâm ngũ quả, một đĩa xôi, một đĩa gạo muối, 2 chén rượu, trà nước, vàng mã cũng được đặt ngay từ lối vào nhà để cúng những người khẩn hoang xưa kia từng đến với vùng đất này. Lễ cũng ông bà bao giờ cũng đủ 2 phần: Phần trưng phải để dâng cúng đủ 3 ngày Tết và phần mâm cơm cúng thay đổi theo từng này. Mâm trưng trên bàn thờ chính là lời nhắc nhớ đến nguồn cội, có đủ ca bánh Tổ, bánh In làm từ gạo, rồi các loại mứt gừng, mứt bí mang hương vị vùng đất mới. Bên cạnh mâm ngũ quả và 5 bông cúc tượng trưng cho ngũ phúc. Còn mâm cơm cúng bao giờ cũng có con gà luộc ngậm cọng hành như lời báo cáo với ông bà Tổ tiên  về một năm nhiều may mắn, mọi việc đều thuận lợi trong công việc đồng áng, nhà cửa và hàm ý ươc vọng cho năm mới nhiều sinh sôi nảy nở, may mắn hơn năm cũ. Mâm cơm cúng ông bà cũng phải đủ  thịt kho, dưa giá, cá chiên, rau xào, canh khổ qua, những món ăn truyền thống Tết phương Nam. Hầu hết những món ăn truyền thống đều được chế biến từ nguồn thực phẩm, rau củ trong vườn nhà và các món ăn trong mâm cơm cúng được thay đổi trong 3 ngày Tết. Ông Huỳnh Văn Hưng, người dân Tiền Giang, cho biết: "Mình cứ coi ngày đó ông bà mình sống ở đâu đó, thì mình rước ông bà về, rồi mình nhang đèn, cơm nước, thịt cá thật đầy đủ. Trên thì thắp nhang đèn bày mứt, thay nước, rồi mình cúng. Có gia đình cúng 3 lần trong này cả sáng trưa, chiều, tối. Rồi 3 ngày Tết mình ăn ra sao thì mời ông bà nhưng vào ngày Tết thì sang trọng chút xíu".

Với nghi thức cúng rước ông bà, Tổ tiên trong ngày Tết, ông bà, Tổ tiên như những vị gia thần hiện diện trong nhà, dõi theo mọi việc làm, nhắc nhở của con cháu giữ lấy truyền thống tốt đẹp dòng họ tổ tiên như: giữ nếp sống thanh bạch, truyền thống hiếu học, chăm chỉ làm ăn, sống lương thiện, ở yên lo nghèo, không làm chuyện thất đức...Đó cũng là nét văn hoá truyền thống mà cư dân Nam bộ giữ gìn bao đời nay.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu