Trí thức trẻ đồng hành cùng bà con thoát nghèo

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5)- Trong những ngày đầu tháng 3, gần 100 Phó Chủ tịch xã trẻ, người ít tuổi nhất 23, người nhiều tuổi nhất cũng chỉ 25 tuổi đã chính thức về nhận nhiệm vụ tại những xã khó khăn nhất của các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum theo Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã của 62 huyện nghèo trong cả nước.

(VOV5)- Trong những ngày đầu tháng 3, gần 100 Phó Chủ tịch xã trẻ, người ít tuổi nhất 23, người nhiều tuổi nhất cũng chỉ 25 tuổi đã chính thức về nhận nhiệm vụ tại những xã khó khăn nhất của các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum theo Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã của 62 huyện nghèo trong cả nước. Dẫu biết còn rất nhiều khó khăn đang đợi ở phía trước nhưng trong ngày đầu tiên lên đường, các tân Phó Chủ tịch xã đều khẳng định sẽ nhanh chóng thích nghi với cuộc sống tại địa phương và trong ba đến năm  năm nhiệm kỳ, họ sẽ cố gắng đưa những phương thức sản xuất mới về giúp cho bà con xóa đói giảm nghèo.

 Trí thức trẻ đồng hành cùng bà con thoát nghèo - ảnh 1
Tỉnh Cao Bằng tiễn trí thứ c trẻ về xã - Ảnh: Internet

Hàng nghìn đoàn viên thanh niên tại tỉnh Cao Bằng và Kon Tum đã tiễn gần 100 trí thức trẻ đến từ Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La và Cao Bằng chính thức về nhậm chức tại các xã thuộc các huyện nghèo trên cả nước. Những tân Phó Chủ tịch xã này đều tốt nghiệp Đại học và trở thành thanh niên tình nguyện cho Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã của 62 huyện nghèo trong cả nước. Sau 3 tháng thực tập làm Phó Chủ tịch xã của 600 tri thức kết thúc, hành trình mang theo khi đảm nhận chức vụ này của họ là tri thức lĩnh hội được khi ngồi trên ghế giảng đường, những kinh nghiệm ít ỏi qua những tháng ngày được trải nghiệm và lòng nhiệt huyết mang trí tuệ của mình góp phần xây dựng quê hương.

 

Tại tỉnh Kon Tum, 18 bạn trẻ được lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác, và được Hội đồng nhân dân các xã bầu cử chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Các tân Phó chủ tịch xã khẳng định trẻ sẽ gần gũi cơ sở, sát dân, hiểu dân, tích cực học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Anh A Rù, tân Phó chủ tịch xã Măng Cành, huyện Kon Plông cho biết “Mục tiêu đầu tiên của em muốn về giúp cho xã, là làm sao để giảm được hộ nghèo. Để làm được việc đấy không phải là dễ, một chặng đường đang chờ em ở phía trước. Vì sự phát triển của làng quê nông thôn, em sẽ cố gắng với việc làm đầu tiên là theo dõi và tận mắt chứng kiến người dân làm như thế nào, rồi mình sẽ cố gắng giúp đỡ bằng cách lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của bà con với mình, với chính quyền, sau đó cùng kết hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương hợp sức nhau lại để hỗ trợ bà con.”

 

Bảo Lâm là huyện xa xôi nhất của tỉnh Cao Bằng được tiếp nhận 10 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã. Các bạn trẻ lỉnh kỉnh chất hành trang lên xe máy bắt đầu hành trình trên dưới 200 km đường rừng. Họ phải đi 7 - 10 tiếng mới đến nơi công tác và phải đi bằng xe máy để khi về làm việc còn có phương tiện đi lại. Cùng hành trình với họ là lỉnh kỉnh quần áo, xoong nồi, nhu yếu phẩm vì họ đã xác định sẽ gắn bó lâu dài với địa phương nơi công tác. Tình nguyện đi về xã khó khăn nhất, trước khi lên xe, Hà Văn Quảng, sinh năm 1984 là người Cao Bằng, cho biết nơi nới công tác là xã có địa hình núi cao, không điện, không nước, chưa có cả đường xe máy vào trung tâm xã. Dẫu là vậy, nhưng Quảng vẫn tràn đầy lạc quan khi về cơ sở nhận nhiệm vụ. “Em chưa biết tiếng Mông thì sẽ không thể giao tiếp với người dân được, nên việc học tiếng Mông với em là rất cần thiết để em bước đầu tiếp cận với người dân và thực hiện công việc của mình. Em thấy mình phải có nhiều trách nhiệm với bà con nơi đấy.” Trước khi nhậm chức, Quảng đã có đề án giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế bằng cây hồi và cây trúc xào dựa trên mô hình của một số hộ dân từng thực hiện có hiệu quả cách đây năm năm.

 
Trí thức trẻ đồng hành cùng bà con thoát nghèo - ảnh 2
Lên đường - Ảnh: Internet
 

Phó chủ tịch xã trẻ nhất trong đoàn hành trình về nhận nhiệm vụ tại tỉnh Cao Bằng là Chu Phương Huân. Xã Hạ Thôn, nơi Huân đến nhận nhiệm vụ cách trung tâm huyện gần 20km. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng 3 dân tộc Mông, Tày Nùng với 70% số hộ thuộc diện nghèo. Huân là cán bộ ít tuổi nhất và là cán bộ duy nhất của xã Hạ Thôn có bằng Đại học. Căn phòng được xã bố trí là nơi làm việc và cũng là nơi ở của Phó chủ tịch mới. Mục tiêu của tân Phó chủ tịch xã Chu Xuân Phương là xóa nghèo hai xóm của xã hiện có tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. “Trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm là cái khó, khó hơn là xác định hướng đi để người dân thoát nghèo. Người ta tin mình không phải chỉ qua một vài lời nói mà còn phải bằng những hành động của mình, qua thời gian mình làm việc, nên tôi sẽ cố gắng hết sức để làm những công việc cụ thể, để làm sao cho xã ngày càng phát triển đi lên.”

 

Huân đang có kế hoạch phát triển mô hình chăn nuôi lợn đen thành một loại hàng hóa tại địa phương. Nhận thấy gia đình nào trong xã cũng nuôi lợn, nhưng hiện nay chỉ mang tính tự cung, tự cấp, phó Chủ tịch xã Chu Phương Huân đang bắt đầu liên hệ để tìm đầu ra cho mặt hàng này. Do đã có thời gian tập sự trước đó, nên giờ việc làm quen với các công việc của Huân cũng đơn giản hơn. Ông Dương Văn Tu, Bí thư Đảng ủy xã Hạ Thôn chia sẻ: “Chúng tôi tạo điều kiện hơn, và đồng thời cũng chia sẻ tình cảm hơn với cán bộ xã để những gì bạn chưa hiểu chưa biết, những gì bạn vướng mắc khó khăn thì cần được thông báo đến nhau cùng giải quyết.”

 

552 xã nghèo nhất trên cả nước đang chờ những thay đổi từ chính những đề xuất, sáng kiến của những Phó chủ tịch xã tuổi đôi mươi. Hành tranh cho những trí thức trẻ về làm họ ở các xã thuộc huyện nghèo là một đề án phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương do chính họ soạn ra sau ba tuần khảo sát tại địa bàn. Tại nơi đây, họ sẽ có từ ba đến năm năm để hiện thực đề án này với mong muốn cải thiện đời sống cho bà con tại đây. Sức trẻ và những kiến thức học được trên nhà trường sẽ giúp các tri thức trẻ vận dụng để làm đổi thay những vùng quê nghèo trong tương lai không xa./.

 

 


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu