Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910 - 1994), là một trong những danh họa nổi tiếng nhất Việt Nam. Sinh thời, họa sĩ được giới mỹ thuật tôn vinh là một trong bộ tứ danh họa của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, gồm: nhất Trí (Trần Văn Trí), nhì Vân (Tô Ngọc Vân), tam Lân (Nguyễn Tường Lân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn).
Tác phẩm Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn. Ảnh: Ngọc Anh |
Họa sĩ Trần Văn Cẩn sinh ngày 13 tháng 8 năm 1910 tại thị xã Kiến An (nay là quận Kiến An, thành phố Hải Phòng). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu trong lĩnh vực hội họa. Năm 1931, họa sĩ Trần Văn Cẩn thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo học khóa VI (1931-1936). Chính thế hệ họa sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời đó, như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn... đã tạo nên thời kỳ hoàng kim của những tác phẩm hội họa hiện đại giai đoạn đầu ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho rằng: Họa sĩ Trần Văn Cẩn là danh họa lớn, trong tứ trụ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn. Ông là một trong những họa sĩ gắn bó nhất với Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp sưu tầm các tác phẩm của mỹ thuật Việt Nam từ thời kỳ cận đại cho đến nay. Phần lớn những tác phẩm lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đều do họa sĩ Trần Văn Cẩn tuyển chọn bộ sưu tập lên đến gần 200 tác phẩm. Họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng là người nho nhã, sống tình cảm.
|
Trong suốt quãng đường hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Trần Văn Cẩn luôn mang đến cho nền hội họa Việt Nam nhiều tác phẩm nổi bật, như: Nữ dân quân vùng biển; Chân dung bác thợ lò; Thiếu nữ áo trắng; Gội đầu; Xuống đồng. Đặc biệt, bức tranh sơn dầu “Em Thúy” do họa sĩ Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1943, tại Hà Nội. Đây là bức chân dung bé gái 8 tuổi Nguyễn Minh Thúy, cháu gái của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Bức tranh “Em Thúy” là kiệt tác nghệ thuật, được coi là một trong những tranh chân dung xuất sắc nhất của hội họa đương đại Việt Nam, đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013. Bức tranh “Em Thúy” gây ấn tượng nổi bật, lôi cuốn người xem là đôi mắt đen mở to, nhìn thẳng vào người đối diện. Em bé ngồi lệch sang bên trái bức tranh, hai tay nắm lại để trên đùi, vẻ hơi rụt rè, ánh mắt sáng trong toát lên nét thơ ngây, hồn nhiên. Những đường cong duyên dáng màu nâu đậm của chiếc ghế mây kéo lại thế cân bằng cho bố cục tranh. Bút pháp ấn tượng của họa sĩ thể hiện khả năng diễn tả chiều sâu tình cảm của nhân vật với sự lãng mạn, kín đáo và tinh tế. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: Với tác phẩm “Em Thúy”, dường như hồn cốt của người phụ nữ Việt Nam đã được khắc họa. Nét đẹp ấy theo thời gian mãi nguyên vẹn cho đến nay. Danh họa Trần Văn Cẩn đã để lại những ký họa hết sức cảm động. Tài năng của ông là động lực cho thế hệ chúng tôi tự tin hơn.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong lễ ra mắt sách danh họa Trần Văn Cẩn. Ảnh: Ngọc Anh |
Trong một lần được được chiêm ngưỡng bức tranh “Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn, nhạc sĩ người Anh Paul Zetter đã rất xúc động và sáng tác bản nhạc “Little Thuy’s Minuet” dành riêng cho bức tranh này. Sinh thời, họa sĩ Trần Văn Cẩn tích cực tham gia phong trào vẽ tranh cổ động tinh thần yêu nước của nhân dân, tiêu biểu như các bức tranh: “Cứu nông dân”, “Trừ giặc đói”, “Phá xiềng”, “Bản đồ Việt Nam không thể chia cắt”.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn có khả năng vẽ trên nhiều chất liệu, từ lụa, sơn mài, sơn dầu cho đến khắc gỗ với nhiều chủ đề khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ gần 200 tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Chúng tôi có một cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của ông, trong đó có những tác phẩm lần đầu tiên được công bố. Cuốn sách này gồm 105 tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn, trong đó có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng như những đóng góp của ông đối với mỹ thuật Việt Nam.
Bên cạnh việc giảng dạy, họa sĩ Trần Văn Cẩn được bầu làm Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ thứ nhất (1958 - 1983), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam nhiệm kỳ II (1983 - 1989), đại biểu Quốc hội khóa II. Với những đóng góp to lớn cho mỹ thuật, hội họa Việt Nam, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã được trao nhiều Huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996). Năm 2010, một đường phố thuộc khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, đã được đặt tên Trần Văn Cẩn.