Là thương cảng một thời nổi tiếng, Phố Hiến đã từng là điểm đến của thương gia từ hơn 10 nước đến kinh doanh, buôn bán như: Hà Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc…
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cùng với hàng hóa, các thương nhân nước ngoài đã mang đến đây nhiều kiến trúc và tập quán, văn hóa đa dạng phong phú. Ông Vũ Văn Thuần, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hưng Yên, cho biết các di tích của phố Hiến được xây dựng và phát triển vào thế kỷ 16, 17, gắn với giai đoạn đã vang danh với câu nói nổi tiếng: thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến: "Các di tích qua thời gian, qua ảnh hưởng của thiên nhiên, các di tích đều phải khôi phục, phục dựng lại. Các di tích đấy là gắn với một giai đoạn phát triển lịch sử của phố Hiến. Đến nay, giữa quá khứ và tương lai, giữa hiện tại thì các di tích đó là điểm nhấn của lịch sử và hiện nay. Các di tích vừa là dấu ấn của thời gian, vừa thể hiện được kiến trúc, giá trị tâm linh và lịch sử, ghi lại những dấu ấn trong quá trình hình thành và phát triển của phố Hiến ngày xưa và thành phố Hưng Yên ngày nay".
Điểm nổi bật của quần thể di tích Phố Hiến chính là kiến trúc. Kiến trúc của các công trình có sự kết hợp, giao thoa hài hòa, tinh xảo giữa kiến trúc Trung Hoa, kiến trúc phương Tây với văn hóa Việt như: Đông đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, chùa Phố, võ Miếu, nhà thờ cổ… Trong đó, nổi bật là những công trình kiến trúc thuần Việt như: Chùa Chuông, chùa Nễ Châu, đình chùa Hiến, đền Mẫu, đền mây, đền Kim Đằng, Văn Miếu Xích Đằng... Tại các di tích này còn lưu giữ được các mảng chạm khắc hoa văn chủ yếu là tứ linh, tứ quý, hoa văn, đầu rồng cùng các bức châm thư với nghệ thuật thư pháp thanh thoát, uyên bác.
Văn Miếu Xích Đằng, điểm di tích nổi tiếng ở Hưng Yên. (Ảnh: Lan Anh-Vovworld) |
Đầu tiên phải kể đến di tích Văn Miếu - Xích Đằng. Đây chính là biểu tượng của tỉnh Hưng Yên. Văn Miếu được khởi dựng từ thời hậu Lê và được trùng tu vào năm Minh Mệnh thứ 20 (1839). Đây là nơi thờ đức Thánh Khổng Tử, thầy giáo Chu Văn An và các vị Thánh hiền của đạo Nho. Văn Miếu - Xích Đằng là 1 trong 6 Văn Miếu còn lại của nước ta đến ngày nay.
Được xây dựng từ đầu thế kỷ 17, Văn miếu Xích Đằng là nơi tôn vinh nền học vấn của người dân Phố Hiến và vẫn giữ nguyên nét cổ kính sau gần 400 năm. Tọa lạc tại thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, Văn miếu Xích Đằng là điểm quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiến. Xây dựng từ cuối thời Lê - thế kỷ 17 (khoảng năm 1701) và trải qua đợt trùng tu lớn vào năm 1839 (năm Minh Mạng thứ 20), Văn miếu Xích Đằng nay vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ. Khuôn viên Văn miếu rộng 6.000 m2, bao gồm các công trình kiến trúc tam quan, lầu chuông, lầu khánh, khu chính và khu tháp thờ. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc vẫn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng và còn được lấy làm biểu tượng tỉnh Hưng Yên.
"Văn Miếu là nơi biểu tượng cho truyền thống hiếu học của tỉnh Hưng Yên nên hàng năm thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là dịp đầu xuân. Trong đó, đa phần là học sinh, sinh viên đến để cầu mong cho mình có một năm học thuận lợi, may mắn, đạt kết quả cao. Không phải tỉnh nào cũng có Văn Miếu. Văn Miếu ở Hưng Yên còn lưu giữ được nhiều cổ vật, hiện vật có giá trị phải kể đến như những tấm bia đá ghi danh các khoa bảng của tỉnh Hưng Yên mà không phải tỉnh nào cũng lưu giữ được". Chị Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng thuyết minh, Ban Quản lý di tích, cho hay.
Khánh đá cổ ở Văn Miếu Xích Đằng. (Ảnh: Lan Anh- Vovworld) |
Cùng với Văn Miếu Xích Đằng, chùa Chuông nằm trong quần thể di tích phố Hiến xưa, từng được mệnh danh là “Phố Hiến đệ nhất danh lam”. Chùa Chuông hay còn gọi là Kim Chung Tự nằm ở thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XV) và trải qua cuộc trung tu lớn vào thời năm 1707 tạo nên ngôi chùa hoàn chỉnh như ngày nay. Có thể thấy được nét cổ kính và những hoa văn, kiến trúc thời Hậu Lê rõ rệt trên cánh cổng và mái cổng Tam Quan. Với giọng nói truyền cảm, chị Nguyễn Thị Liên, Thuyết minh viên tại Di tích giới thiệu tới du khách những điểm nổi bật của chùa Chuông: "Cũng giống bao ngôi chùa khác, chùa Chuông là nơi thờ Phật, khuyên răn con người sống làm điều thiện, chớ làm điều ác, sống phải tu nhân tích đức. Tại khoảng sân trước tòa Tam bảo còn lưu giữ cây hương đá. Đây là cây hương đá cổ, quý hiếm nhất tại Phố Hiến, Hưng Yên. Cây hương đá này được dựng vào năm Chính Hòa thứ 23, năm 1702. Cây hương đá có hình hoa sen đang nở, có trạm khắc hình chim và hoa sen. Cây hương đá còn được gọi là "Thạch trụ", tức là trục vũ trụ nối trời và đất".
Cùng với kiến trúc độc đáo, các di tích đều có sự bài trí tượng thờ trong khung cảnh thiên nhiên hài hòa khiến nhiều di tích ở Phố Hiến tạo được ấn tượng sâu lắng trong du khách. Đó là đền Mẫu cổ kính ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ 3 gốc soi bóng lung linh bên hồ Bán nguyệt thơ mộng, là đền Mây thấp thoáng bên bờ sông Hồng được coi là đệp hơn cả "trăm cảnh nghìn cảnh". Ngoài các công trình phục vụ hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thành phố Hưng Yên ngày nay còn lưu giữ được một số di tích liên quan đến đời sống sinh hoạt của người Phố Hiến xưa. Tất cả đã hợp thành Khu di tích Phố Hiến được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.