Thầy thuốc sưởi ấm lòng người dân đảo xa

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Bệnh xá Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã cấp cứu thành công nhiều ca ngư dân gặp nạn trong quá trình đánh bắt hải sản tại vùng biển Trường Sa. Phóng viên VOV5 ghi lại những công việc thầm lặng của các thầy thuốc mang quân hàm xanh nơi đảo xa.
(VOV5) - Bệnh xá Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã cấp cứu thành công nhiều ca ngư dân gặp nạn trong quá trình đánh bắt hải sản tại vùng biển Trường Sa. Phóng viên VOV5 ghi lại những công việc thầm lặng của các thầy thuốc mang quân hàm xanh nơi đảo xa.

Thầy thuốc sưởi ấm lòng người dân đảo xa - ảnh 1
Một góc bệnh xá Song Tử Tây.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Tới Song Tử Tây vào một trưa hè nắng gắt. Cái nắng trong đất liền không thấm vào đâu so với cái nắng bỏng rát giữa biển khơi. Thế mà rẽ vào bệnh xá, một màu xanh mát bao phủ bởi những tán cây lâu năm như dừa, tra, bàng vuông, phong ba, cái nóng như hạ nhiệt hẳn. Tiếp phóng viên nhà Đài trong dãy nhà dành cho nhân viên y tế, thượng úy, bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Văn Tùng, 33 tuổi, nở nụ cười hiền. Anh đã gắn bó gần 1 một năm trên hòn đảo xinh đẹp này, những ngày đầu có đôi chút bỡ ngỡ bởi ra  đảo được 3 ngày thì vợ sinh con gái đầu lòng. Nhưng gác lại việc riêng, anh tâm sự mình đang còn trẻ thì cần phải cống hiến sức trẻ và lòng nhiệt huyết để phục vụ cho Tổ quốc.

Thầy thuốc sưởi ấm lòng người dân đảo xa - ảnh 2
Bác sĩ Nguyễn Văn Tùng



Anh chỉ tay sang dãy nhà đối diện nói, đó là khu vực phòng khám bệnh, lưu trú. Với bệnh xá ở tuyến đảo, điều kiện trang thiết bị y tế như ở Song Tử Tây là tương đối đầy đủ. Có máy siêu âm, máy điện tim, máy thở, máy theo dõi bệnh nhân…

Thầy thuốc sưởi ấm lòng người dân đảo xa - ảnh 3
Phòng mổ của bệnh xá



Hàng năm, ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo, bệnh xá Song Tử Tây còn tiếp nhận cấp cứu nhiều ca bệnh  đa phần là ngư dân bị chấn thương khi đánh bắt xa bờ, có những khi là từ các đảo nhỏ chuyển tới. Có khá nhiều trường hợp chấn thương nặng và đa chấn thương nhưng các bác sĩ bệnh xá đảo quyết không chịu thua, luôn nỗ lực hết mình cứu chữa cho người bệnh. Bác sĩ Tùng đã xác định rõ tư tưởng, ra đây là làm nhiệm vụ, có khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua: “Rất may mắn trong cuộc đời được đi làm nhiệm vụ ở nơi đẹp trên hòn đảo như thế này. Khi ra đây mình mới thấy vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc rất tươi đẹp, những khó khăn như thế đồng đội anh em chấp nhận bám giữ như thế này mình rất khâm phục và mình cảm thấy có sự quyết tâm ở trong đó. Tình yêu thương giữa đồng đội trong hoàn cảnh khó khăn thì cao hơn rất nhiều. Đấy là khoảng thời gian trải nhiệm cho tôi cảm giác rất hạnh phúc.”

Bác sĩ Lê Hanh, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, đã công tác trên đảo Song Tử Tây năm 2012 vẫn còn nhớ một số trường hợp anh đã cùng đồng nghiệp mang lại sự sống cho người bệnh: “Vào mùng 1 tháng 3 năm 2012, có một ngư dân được đưa vào đảo, bụng căng cứng như gỗ, có dấu hiệ u nhiễm trùng nhiễm độc, chuẩn đoán là viêm phúc mạc toàn thể. Bệnh nhân này từ lúc phát hiện bệnh đến lúc bệnh nhân vào đến bệnh xá là ngày thứ ba. Khi tiến hành hội chẩn với bệnh viện và phẫu thuật, bị viêm phúc mạc toàn thể do viêm ruột thừa vỡ. Bệnh nhân đó nằm ở chỗ chúng tôi hai tuần. Sau bệnh nhân đó xong thì đêm 13 tháng 3, có một trường hợp đa chấn thương rất nặng. Toàn bộ cơ phía mặt ngoài đùi trái một phần trước một phần sau bị dập nát toàn bộ. Tình trạng thiếu máu rất nặng. Chúng tôi lập tức tiến hành hội chẩn và xin truyền  máu. Lấy được hai đơn vị máu là máu của anh em trên đảo. Chúng tôi truyền máu. Đến hôm 15 tháng 3 thì có máy bay cứu hộ cứu nạn bay ra đưa bệnh nhân về”.

Gặp anh Hồ Dương, một cư dân trên đảo làm nghề đi biển, trong phòng khám của bệnh xá, anh kể lại câu chuyện đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ bàn tay vàng của các y bác sĩ. Anh Dương, có tiền sử bệnh viêm phế quản mãn tính, vào khoảng gần nửa đêm thì lên cơn hen: “Vợ chạy sang nhà hàng xóm. Hàng xóm dìu ra đến ngoài cửa thì em bị ngất xỉu. Hơn một tiếng sau tỉnh dậy thì thấy ở bệnh xá. Em bị ngừng tim và ngừng phổi, mất ô xy não. Nếu chậm 2 đến 5 phút nữa thì không cứu nổi.”

Thầy thuốc sưởi ấm lòng người dân đảo xa - ảnh 4
Bác sĩ Lê Hanh khám lại cho anh Hồ Dương.



Anh Hồ Dương nói anh rất yên tâm về tay nghề của các bác sĩ của Bệnh viên Trung ương quân đội 108 bám trụ ở đảo. Đây không phải lần đầu anh khám chữa bệnh ở đây mà gia đình anh còn có một kỷ niệm ghi dấu trên đảo có lẽ anh chẳng thể nào quên được. Cách đây bốn năm, đứa con trai Hồ Song Tất Minh của anh đã chào đời cũng chính tại bệnh xá này, và đó là công dân đầu tiên ra đời trên quần đảo Trường Sa: “Tin tưởng bác sĩ, mới để vợ ở đây sinh. Tư tưởng thông, không có gì ngại hết. Nói chung, vui không thể tả được. Lúc cháu mới sinh ra được 2 phút, không biết ở đâu báo chí biết, 40, 50 cuộc điện thoại tới. Thấy được cả nước quan tâm thì nhân đôi niềm vui.”

Thượng tá Vũ Văn Cường, nguyên chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết bệnh xá đảo Song Tử Tây đã thực sự thành nơi đến và chỗ dựa tin cậy của nhân dân, nhất là ngư dân đánh bắt cá xa bờ: “Trong số nhiều ca cấp cứu cho ngư dân có những ca mà trong  viện lớn còn là vấn đề nan giải. Bằng kinh nghiệm và quyết tâm, kíp quân y khắc phục thiếu thốn về trang bị về thuốc men, và đã cứu sống được nhiều bệnh nhân mang đến niềm vui cho nhân dân và tạo sự an tâm khi ngư dân đang khai thác ở quần đảo Trường Sa.”

Dốc hết tâm lực để cứu chữa người bệnh, các bác sĩ nơi đảo xa đã và đang khẳng định được năng lực chuyên môn của tuyến y tế trên điểm đảo Trường Sa đồng thời tạo được niềm tin yêu, chỗ dựa vững chắc về sức khỏe cho bộ đội đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió và bà con ngư dân vươn khơi bám biển./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu