Thăm di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo

Ngọc Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Sau một đêm lênh đênh trên sóng bằng tàu thủy, khi bình minh vừa ló dạng, Côn Đảo hiện ra trong bảng lảng mây bay hòa quyện giữa màu xanh của bầu trời, biển và núi. Không chỉ hấp dẫn về cảnh quan thiên nhiên, những giá trị lịch sử oai hùng, huyền thoại, thiêng liêng của Côn Đảo bắt nguồn từ 150 năm trở về trước vẫn còn lưu lại dấu tích đến ngày nay.
(VOV5) - Sau một đêm lênh đênh trên sóng bằng tàu thủy, khi bình minh vừa ló dạng, Côn Đảo hiện ra trong bảng lảng mây bay hòa quyện giữa màu xanh của bầu trời, biển và núi. Không chỉ hấp dẫn về cảnh quan thiên nhiên, những giá trị lịch sử oai hùng, huyền thoại, thiêng liêng của Côn Đảo bắt nguồn từ 150 năm trở về trước vẫn còn lưu lại dấu tích đến ngày nay. Mời quý vị và các bạn cùng tới thăm di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo được xem là nơi biểu hiện cho sự đấu tranh khổ cực, hy sinh xương máu, là nơi thể hiện khát vọng hòa bình của các thế hệ cha, anh trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước.


Thăm di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo - ảnh 1
Các thanh niên kiều bào lắng nghe hướng dẫn viên thuyết minh về nhà tù Côn Đảo

Quần đảo Côn Đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở phía Đông Nam nước ta, với tổng diện tích 76 km2. 2/3 điểm đến của du khách mỗi khi tới thăm Côn Đảo là di tích lịch sử. Năm 1862 là năm bắt nguồn cho những di tích lịch sử ấy ra đời. Sau khi đưa ra bản chiếm lĩnh Côn Đảo năm 1861, Pháp tiến hành xây dựng một hệ thống nhà tù lớn nhất Đông Dương nhằm giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước. Hệ thống nhà tù Côn Đảo qua hai thời kỳ Pháp - Mỹ được xây dựng với nhiều lao, trại khác nhau, với tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “Biệt lập chuồng cọp”. Bên cạnh đó còn có 18 sở tù để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai. Số lượng tù nhân bị giam giữ có lúc lên đến 10.000 người. Các phòng giam đều nhỏ hẹp, nóng bức, ngột ngạt và ẩm thấp. Một phòng giam 6-7 người. Phan Viễn Nga, một thanh niên Ba Lan gốc Việt không tưởng tượng được sự khổ ải của những người Việt yêu nước bị tù đày khổ sai trước đây: “Em thấy chuyến đi Côn Đảo rất có ý nghĩa đối với em. Vì nơi đó có rất nhiều anh hùng hi sinh ở đó, hi sinh vì Tổ quốc như là chị Võ Thị Sáu và nhiều người anh hùng nữa. . Em đi vào thăm các nhà tù, rất xúc động, cảm thấy sự đau khổ của những người tù, những người đã hi sinh vì tổ quốc, sẵn sàng chết vì đất nước mình”.

Thăm di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo - ảnh 2
Các bạn trẻ tại bãi trồng rau ngụy tạo trước cổng vào "chuồng cọp" kiểu Pháp

Trại Phú Hải là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo, nơi đây mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử. Hầm xay lúa được xây dựng cuối thế kỷ 19 là một hình thức khổ sai để tận dụng sức lao động của tù nhân. Người tù phải lao động quần quật 12 tiếng một ngày trong căn hầm chật chội, bao phủ đầy bụi cám, trấu, cối xay quay ầm ầm. 6 người tù mới xay nổi một cối xay lúa. Trong khi xay, chân của hai người tù bị cột chung một sợi xích với quả tạ nặng 5 kg. Nếu gọi nhà tù Côn Đảo là “địa ngục trần gian” thì hầm xay lúa là “địa ngục của địa ngục trần gian”.

Ngồi trầm ngâm bên tán lá bàng nhìn ra cái nắng nhạt xế chiều, ông Hoàng Oanh, cựu tù chính trị Côn Đảo kể lại về thời kỳ ông bị giam cầm tại đây với mức án 10 năm: “Khi ấy, 720 người trên một chuyến tàu đưa ra đảo. Lên bờ, 2 người tù bị xích lại chung bằng một xích, giống như khoác vai nhau, nên đi rất khó khăn. Đi chậm, bị người trên bờ đánh. Khi vào trại giam rồi, ở dưới hầm,mình ngồi dưới đó, nó cầm cái cây ở trên chọc xuống và hù dọa”.

Bất chấp hình thức tra tấn dã man, ngọn lửa đấu tranh của tù nhân yêu nước  ngày càng sôi sục. Đã có nhiều cuộc vượt ngục ngoạn mục, để lại nỗi bàng hoàng xen lẫn sự thán phục ngầm trong các cai tù thời đó.

Thăm di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo - ảnh 3
Hình ảnh tại phòng giam số 6, trại Phú Hải

Chỉ tay chếch ra hướng biển, ông Hoàng Oanh cho biết đó chính là cầu tàu 914, nơi cách đây 43 năm, ông cùng với hàng chục vạn người tù đặt bước chân lưu đày đầu tiên lên hòn đảo tù. Ngay sau cầu tàu lịch sử 914 là dinh chúa Đảo- nơi ở và làm việc của 53 chúa Đảo trải qua 113 năm (1862-1975). Từ sau ngày giải phóng đến nay, dinh chúa Đảo được dùng làm nơi trưng bày, tìm hiểu lịch sử hình thành Côn Đảo thông qua các hiện vật, cổ vật, hình ảnh và các tư liệu được lưu lại từ thời Pháp đến nay.

Đã có hơn 20.000 người Việt Nam yêu nước ngã xuống tại mảnh đất Côn Đảo. Tuy nhiên, sau giải phóng đến nay, những gì còn lại ở Côn Đảo chỉ là 2.000 ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương dưới chân núi Chúa, trong đó không đầy 700 ngôi mộ có ghi họ tên. Và đã có những câu thơ kể về Côn Đảo như thế này: “Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận/ Hết lớp này lớp khác dập lên trên/ Mặt phẳng lỳ không mô đất nhô lên/  Không bia mộ không tên và không tuổi”.

Nữ tù Nguyễn Thị Ni năm xưa đã nguyện gắn bó đời mình trong căn nhà số 8 đường Võ Thị Sáu, thị trấn Côn Đảo với tâm nguyện được thường xuyên ra nghĩa trang Hàng Dương thăm viếng, thắp nén tâm nhang lên những ngôi mộ của hàng ngàn đồng đội của bà: “Tôi ra đây tôi thấy cảm nghĩ là giải phóng rồi tôi có nợ với Côn Đảo. Trước đây mình ở tù, nó đánh đập mình. Giờ giải phóng rồi đất nước mình xây dựng chỗ nào cũng vậy. Tôi ra đây thấy mấy chị bạn bè nằm ở nghĩa trang Hàng Dương, mà giờ về ở trong này không có điều kiện. Ra đây tôi tới lui tôi thắp nhang các chị. Gặp bạn bè tù chung, coi như là trong tù khổ sở, chết sống có nhau. Bây giờ sống mà không gặp lại thấy cũng buồn. Cho nên để gặp lại cho vui”.

Đoàn thanh niên kiều bào có dịp đến thăm Côn Đảo đã tỏa đi thắp hương và nến lên các mộ ở khu A và khu B2, trong đó đứng lặng hồi lâu và nhòa lệ trước ngôi mộ của chị Võ Thị Sáu hay mộ tổng bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh… Phạm Thùy My ở CHLB Đức, vừa học xong lớp 12, bộc bạch: “Lần đầu tiên em đi bằng tàu thủy. Cái đích của mình là đi thăm nhà tù Côn Đảo, mộ chị Võ Thị Sáu. Em thấy chuyến đi này kỷ niệm chắc không bao giờ quên được”.

Thăm di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo - ảnh 4
Tưởng niệm trước mộ chị Võ Thị Sáu


Giờ đây, du khách biết đến Côn Đảo, ngoài giá trị của di tích lịch sử, với những chứng tích minh chứng cho một thời kỳ bi tráng của lịch sử, còn được biết đến là một hòn đảo thiên đường xanh. Nước biển trong xanh, bãi cát trắng mịn hoang sơ, những hàng bàng xanh mướt chạy dọc con đường ven biển. Côn Đảo đang chuyển mình, trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước./.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu