Phong tục đón Tết ngày đầu xuân ở mọi miền đất nước

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Tết Nguyên đán là tiết lễ đầu tiên của năm theo lịch mặt trăng, có ý nghĩa quan trọng đối với người Việt. Ngày mồng 1 Tết như một điểm mốc mà ở đó hội tụ những ký ức thời gian, bộc lộ xúc cảm sum họp gia đình, dòng tộc trong tình cảm thân thương ấm áp. Sự hội tụ đoàn viên ngày Tết đầu năm đó được thể hiện rõ nét nhất trong phong tục ăn Tết và  tục thờ cúng Tổ tiên. Tuy nhiên, dù cùng trên một đất nước, chung thời điểm đón xuân, nhưng người dân mỗi vùng miền đất nước có  cách  đón Tết  khác nhau.
(VOV5) - Tết Nguyên đán là tiết lễ đầu tiên của năm theo lịch mặt trăng, có ý nghĩa quan trọng đối với người Việt. Ngày mồng 1 Tết như một điểm mốc mà ở đó hội tụ những ký ức thời gian, bộc lộ xúc cảm sum họp gia đình, dòng tộc trong tình cảm thân thương ấm áp.


Nghe nội dung bài viết tại đây:




Sự hội tụ đoàn viên ngày Tết đầu năm đó được thể hiện rõ nét nhất trong phong tục ăn Tết và  tục thờ cúng Tổ tiên. Tuy nhiên, dù cùng trên một đất nước, chung thời điểm đón xuân, nhưng người dân mỗi vùng miền đất nước có  cách  đón Tết  khác nhau.

 
Phong tục đón Tết ngày đầu xuân ở mọi miền đất nước      - ảnh 1

Người Việt Nam có cội nguồn là cư dân nông nghiệp, nên từ xa xưa Tết không chỉ là lễ hội lớn nhất trong năm, mà còn là dịp tưởng nhớ, tri âm tổ tiên, nguồn cội, tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu. Vào ngày đầu năm mới, con cháu quây quần bên mâm cơm gia đình kể cho nhau nghe chuyện của năm cũ, chúc nhau bước sang năm mới an khang thịnh vượng, làm ăn thuận lợi, gặp nhiều may mắn. Với ý nghĩa như vậy, việc sửa soạn,  bày biện mâm cỗ Tết dâng cúng tổ tiên, việc ăn uống ngày Tết rất được coi trọng. Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Huỳnh Ngọc Trảng cho biết: “ Theo truyền thống người Viêt cổ xưa, Tết là nghi lễ nông nghiệp, là kết thúc vụ mùa. Người Việt coi hạt gạo là “ hạt ngọc của trời”. Trong đó thứ quý nhất là gạo nếp, bởi vậy mọi lễ vật cùng tạ ơn trời đất tổ tiên ở các vùng miền đều làm từ gạo nếp”.

Thứ không thể thiếu trong mâm cỗ Tết ở mọi miền là bánh chưng và bánh tét đều làm từ gạo nếp, sản phẩm của nền nông nghiệp lúa nước. Tuy nhiên, là đất nước trải dài theo bờ biển trải từ Bắc xuống phía Nam có vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu khác nhau, nên phong tục đón tết, nghệ thuật ẩm thực, việc bày cỗ ngày Tết ở mỗi vùng miền có nét khác nhau.   

 

Mâm cỗ Tết ở miền Bắc thường được chuẩn bị cầu kỳ và không thể thiếu món bánh chưng ăn kèm dưa hành. Cái rét lạnh đặc trưng mùa đông của miền Bắc khiến người miền Bắc sửa soạn món ăn có khác với các vùng miền phía Nam.Món giò xào, thịt nấu đông trở thành những món ăn gắn liền với cỗ ngày Tết. Với mâm cỗ Tết miền Bắc, các món ăn đều được bày biện khéo léo và nhất là màu sắc phải tươi sáng, đẹp mắt. Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Tuyết, ở Hà Nội, cho biết: “Trong ngày Tết, người ta quan niệm một cái gì đó may mắn, một cái điềm lành mang đến, nên  bao giờ trong cổ Tết cũng phải có đĩa xôi gấc màu đỏ. Với người miền Bắc đĩa xôi gấc màu đỏ tượng trưng cho điều may mắn đem đến cho gia đình ngày đầu năm mới.

So với miền Bắc mâm cỗ Tết của miền Nam và miền Trung có đôi chút khác, thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Những món ăn trên mâm cỗ Tết miền Trung thì thường có đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, thịt heo luộc, bát ninh măng khô, đĩa cá chiên, hay đĩa ram… Ở nhiều nơi, người ta còn làm cả các món: cuốn diếp gỏi ngó sen, bánh răng bừa hay các món đặc biệt xà lách gân bò, chả tôm, nem bọ lụi… để dâng lên tổ tiên ngày Tết.

 

Khác với miền Bắc đồ dâng cúng ngày Tết ở miền Trung và miền Nam thường có nhiều vị ngọt hơn như: món chè, các món mứt. Đặc biệt ở Huế và khu vực miền Trung trong ngày Tết không thể thiếu món mứt gừng. Ông Nguyễn Hữu Nam, người dân xứ Huế, cho biết: “ Mứt gừng là đặc sản của Huế, bởi ở Huế có loại gừng thơm ngon đặc biệt thơn các vùng khác. Ăn mứt gừng mà uống với nước trà ngày Tết rất thú vị, vì trong đó vừa có độ cay lại vừa có vị ngọt . Nhâm nhi với nước trà thì hương vị mứt gừng rất thích hợp với thời tiết ở Huế”.

Ở mâm cỗ Tết miền Nam là những khoanh bánh tét đi kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm. Bát canh măng nấu sẽ được dùng măng tươi thay cho măng khô. Thay cho bát canh mọc ngoài miền Bắc, thì miền Nam lại có bát canh “khổ qua” nhồi thịt (với ý nghĩa đón năm mới mọi sự khổ sẽ qua đi). Nếu ngoài miền Bắc thường kiêng ăn trứng ngày Tết  thì trong cỗ Tết ở vùng đất phía nam thường không thiếu món thịt kho trứng (Thịt heo- trứng - nước dừa), ăn với củ kiệu, dưa.

 

Mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết ở miền Bắc thường có chuối, bưởi, đào, hồng, quýt hoặc chuối, ớt, bưởi, quất, lê... Theo quan niệm xưa “Ngũ quả” ứng với chữ Sinh có nghĩa là sinh sôi nảy nở.     Ở các tỉnh Nam bộ, mâm ngũ quả thường bao gồm các loại quả nhất định như: mãng cầu xiêm, dừa, đu đủ, xoài và sung, với ngụ ý “cầu sung (túc) vừa đủ xài”. Nếu miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà với màu đào đỏ thắm như lời chúc phúc đầu xuân, thì ở miền Trung và miền Nam lại hay chơi cây mai vàng, cúc vạn thọ.

 

Ngày nay, cuộc sống bộn bề khiến nhiều gia đình không còn quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị mâm cỗ Tết. Nhưng những mâm cỗ ấy vẫn luôn là biểu tượng của lòng thành kính thiêng liêng dâng lên tổ tiên và hình ảnh đại gia đình quây quần bên nhau quanh mâm cỗ ngày Tết luôn là hình ảnh đẹp và sẽ còn mãi theo thời gian.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu