Phiên chợ Hàng Hải Phòng những ngày cuối năm

Tô Tuấn VOV5
Chia sẻ
(VOV5) - Ở chợ không chỉ mua bán trao đổi, mà còn là sợi dây liên kết giữa hiện tại và quá khứ có  lẽ bởi vậy chợ Hàng ngày có nhiều người tìm đến như tìm đến một địa điểm văn hóa cộng đồng.

Giữa đô thị sầm uất với những cửa hàng, siêu thị hiện đại vẫn hiện hữu một chợ phiên đặc trưng của đồng quê Bắc bộ. Chợ  bán đủ loại, từ cây giống: cây cảnh, hoa cảnh, rau giống, con giống : chó, mèo, thỏ, chuột cảnh, chim cảnh... cho đến các đồ gia dụng, đồ điện tử đắt tiền. Đó là chợ Hàng ở Hải Phòng. Những ngày cuối năm, chợ phiên rất đông. Với nhiều người, đi chợ Hàng trước hết là thú đi chơi, sau mới là đi mua bán.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Chợ Hàng trước đây là chợ của làng Dư Hàng xưa. Làng Dư Hàng là một làng cổ, có từ thế kỷ 17-18. Khu vực làng Dư Hàng trước đây là vùng đất nông nghiệp và là đấu mối giao thông nên chợ Hàng trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi, mua bán cây, con giống và đồ dùng nhà nông. Quá trình đô thị hóa lan ra các vùng ven, do vậy ngày nay chợ Hàng đã nằm trọn trong nội đô, thuộc phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân thành phố Hải Phòng.

Phiên chợ Hàng Hải Phòng những ngày cuối năm - ảnh 1Chợ Hàng nay chỉ họp một phiên vào sáng chủ nhật hàng tuần 

Điều đặc biệt dù đã trải qua bao thời gian, nhưng những tập quán trao đổi những hàng hóa nông nghiệp của chợ Hàng xưa vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.  Trước đây chợ Hàng họp theo phiên vào các ngày 5 ngày 15 âm lịch hàng tháng. Ngày nay chợ Hàng chỉ họp một phiên vào sáng chủ nhật hàng tuần và vào dịp cuối năm  khách đến chợ phiên đông hơn.    

Theo truyền thống ở chợ vẫn bán các loại cây con giống và các công cụ, dụng cụ làm nông nghiệp. Những người sống ở thành phố và các tỉnh lân cận đến chợ Hàng có thể mua được đàn gà con, cây rau giống, cái rổ rá đan bằng tre, chiếc kiềng sắt ba chân…những vật dụng nông nghiệp tưởng chừng chỉ còn trong dĩ vãng nhưng vẫn hiện diện ở chợ. Có lẽ những dụng cụ này khiến chợ Hàng như một bảo tàng hấp dẫn, lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa làng quê.

Ông Kha khách đi chợ từ tỉnh Hải Dương vui vẻ cho biết ở đây thứ gì cũng có: "Tôi thích chợ phiên ở đây vì thấy ở đây nó có cái hồn dân tộc. Tất cả vẫn mang nét mộc mạc của làng quê, các đồ thủ công đều có ở đây. Tôi tìm được cái gàu tát nước bằng tre".

Không chỉ được người địa phương yêu mến, chợ Hàng còn hấp dẫn người đi chơi chợ, khách du lịch mỗi khi đến với Hải Phòng. Ngoài những tiểu thương chuyên nghiệp, chợ Hàng còn có những người bán hàng rất đặc biệt: họ mang vật nuôi, những sản vật của gia đình đến bán hoặc chỉ để trao đổi kinh nghiệm với những người cùng chung sở thích nuôi trồng.

Ông Đoàn Hữu Gia quận Lê Chân Hải Phòng cho biết: " Đây là chợ dân gian của Hải Phòng mà bà con Hải Phòng rất vui vì bà con nông thôn có chỗ để tiêu thụ sản phẩm, từ động vật, vườn hoa cây cảnh nói là các thứ nó là chợ bình dân nên nhiều người đi chợ. Chủ nhật nào tôi cũng đi chợ".

Là kiểu chợ bình dân nhưng ở chợ Hàng có đủ các khu bán hàng, mỗi khu bán một loại hàng riêng biệt. Dãy bán cá cảnh chạy dài suốt con đường vào chợ. Nếu những con đường bán hoa cây cảnh quanh chợ khiến người đi chợ ngắm không chán mắt thì đến khu vực bán con giống trong chợ, người đi chợ như lạc vào không khí rộn ràng bởi tiếng kêu của các loại chim thú…

Khu bán các con giống, gia cầm, thú cảnh chính là nơi hấp dẫn nhất ở chợ Hàng. Không khí mua bán ở đây luôn diễn ra nhộn nhịp. Nào lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo, chim trời cá nước, nào thỏ, chuột hamster, rùa núi, dế mèn… Đủ giống loài, xuất xứ, đủ kích cỡ, màu sắc. Những chú gà con lông vàng ươm, nhỏ bằng nắm tay kêu  liếp nhiếp chen chúc trong các lồng tre quây, những con ngỗng vươn cổ cao kêu quang quác, những con mèo đủ loại, những chú chó con lũn cũn, ngẩy đuôi bên cạnh người bán, những con vẹt vài tháng tuổi, lông xanh biếc…Hết góc này đến góc khác, góc nào cũng vui, cũng chộn rộn tiếng cười của những người chơi thú cảnh. Anh Nguyễn Quang Tiến khách từ Hà Nội đi chơi chợ cho biết: "Ở chợ Hàng có những loại hàng mà các chợ khác không có. Tôi thỉnh thoảng đến đây mua gà về nuôi như loại gà Đông tảo, gà  ta nuôi để lấy trứng …"

Trong chợ còn có khu bán hàng tạp hóa với đủ thứ mà người đi chợ tha hồ lựa chọn các món đồ, có nơi bán các loại đồ cũ, đồ rẻ tiền từ chiếc bóng đèn dầu hỏa, cuộn chỉ, cái kim cho đến hàng điện tử, điện thoại, đầu đĩa, máy vi tính, máy khoan, máy bơm nước…Hàng hóa phong phú về chủng loại,  nhiều loại giá tiền, thế nhưng trong  mua bán đôi khí giá cả không quan trong, thuận thì bán, ưng thì mua. Tất cả các hoạt động mua bán diễn ra cứ tự nhiên, chân chất, đậm chất làng quê.

Thật đáng quý trong thời đại thị trường phát triển với hệ thống cửa hàng, siêu thị hiện đại thì giữa thành phố nhộn nhịp sôi động vẫn tồn tại phiên chợ như chợ Hàng. Ở đó chợ không chi mua bán trao đổi, mà còn là sợi dây liên kết giữa hiện tại và quá khứ có  lẽ bởi vậy chợ Hàng ngày có nhiều người tìm đến như tìm đến một địa điểm văn hóa cộng đồng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu