Những người góp công làm thay đổi diện mạo thôn bản

Mai Liên
Chia sẻ
(VOV5) - Họ chính là những người đang đóng góp công sức nhỏ bé trong công cuộc phát triển kinh tế, ổn định an ninh xã hội ở vùng dân tộc miền núi và vùng sâu, vùng xa.
 

Trong công cuộc phát triển cộng đồng vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đặc biệt  là những người trẻ đang đi đầu trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng mô hình phát triển kinh tế và ổn định đời sống xã hội tại địa phương.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Anh Giàng Seo Mào, trưởng bản 5, huyện Đam-rông nơi có hơn 160 gia đình người Mông sinh sống vinh dự được chọn là một trong 11 gương mặt tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng ra thủ đô Hà Nội tháng 12 vừa qua, dự lễ tuyên dương những người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân xuất sắc của 54 dân tộc.

Những người góp công làm thay đổi diện mạo thôn bản - ảnh 1Anh Giàng Seo Mào, trưởng bản người Mông ở Lâm Đồng, người có uy tín được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen 

Xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở tỉnh Lâm Đồng cùng một số gia đình người Mông từ năm 1990, là tấm gương giỏi trong phát triển kinh tế gia đình, anh Giàng Seo Mào luôn chia sẻ bí quyết, tư vấn hướng dẫn bà con trồng cây công nghiệp, chăn nuôi như thế nào để hợp với thổ nhưỡng, đặc thù khí hậu nơi đây. Được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn rồi trưởng bản, anh Giàng Seo Mào càng có điều kiện tiếp xúc với bà con hơn để tuyên truyền những chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, cùng bà con đóng góp cho sự phát triển thôn bản. Anh Giàng Seo Mào chia sẻ: “Cũng nhờ có sự giúp đỡ của các ban ngành xã huyện, nhiều năm gần đây, tình trạng tảo hôn và sinh con không có kế hoạch ở thôn bản tôi giảm đáng kể. Tỷ lệ các cháu đi học đều tăng. Từ năm 2008 2009, bản tôi nhận khoán bảo vệ rừng, tình trạng lấn rừng, phá rừng giảm hẳn. Trước đây, khó khăn nhất là thuyết phục bà con trồng rừng bởi họ chưa hiểu được những lợi ích sau này. Nhưng sau đó bà con thấy được hiệu quả và tham gia tích cực hơn theo 3 dự án 30A, 147 và Philips.”.

Hiểu rõ đặc điểm địa lý vùng núi cao, địa hình hiểm trở khiến cộng đồng dân tộc thiểu số Mảng gặp nhiều khó khăn trong canh tác, nuôi trồng, Anh Chìn A Sinh, trưởng bản Nậm Suồng - huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đi lên từ phong trào Đoàn cho biết công việc hàng ngày của anh là đến từng gia đình thuyết phục bà con chăm chỉ làm ăn và thực hiện đường lối, chính sách của Nhà nước. Anh Sinh cho biết: “Trong bản tôi có hơn 400 nhân khẩu dân tộc Mảng. Bà con sống chủ yếu dựa vào cây sắn cây ngô, củ mài. Do địa hình đồi  núi cao hẹp hòi, việc canh tác vất vả. Tôi thườngkhuyên bảo bà con phải chăm chỉ làm ruộng, đặc biệt không phá rừng làm nương. Tôichỉ đạo phải làm mới có cái mà ăn, mới cho con cái được học hành.”

Nhờ nỗ lực của cán bộ thôn bản, sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh, từ năm 2009,tỷ lệ nghèo đói ở bản người Mảng giảm rõ rệt. Những tập tục lạc hậu như nạn tảo hôn, sinh quá nhiều con, kết hôn cận huyết thốngdần được xóa bỏ. Đặc biệt từ khi được tỉnh cung cấp nhiều nông cụ sản xuất, năng suất cây trồng tăng giúpđời sống bà con khấm khá hơn.

Những người góp công làm thay đổi diện mạo thôn bản - ảnh 2Anh Chình A Sình, trưởng bản thôn bản Mảng

Không chỉ đôn đốc người dân thực hiện chính sách, pháp luật Nhà nước, gương mẫu trong cuộc sống, già làng - trưởng bản, người có uy tín như anh Giàng Seo Mào và Chìn A Sình còn tham gia tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư. 

“Trong mọi cuộc họp, chúng tôi đều nói với bà con mong muốn rằng thôn bản mình làm gì thì làm nhưng trong 5 đến 10 năm tới phải có một khu du lịch để mọi người để mọi người tham quan, biết về văn hóa của dân tộc Mông ở vùng Tây Nguyên. Chúng ta cùng cố gắng để thôn mình ít nhất cũng phải bằng những thôn khác. Bên cạnh làm kinh tế với hai cây trồng chủ lực và cafe và lúa nước. Chúng tôi đang vận động phục dựng một số nghề truyền thống như nghề dệt, thêu may của đồng bào dân tộc Mông.Anh Giàng Seo Mào trưởng bản người Mông ở Lâm Đồng chia sẻ.

Còn trưởng bản Chìn A Sình, 32 tuổi mong muốn tổ chức được những lễ hội văn hóa để làm sống lại những truyền thống tốt đẹp từ xa xưa của người Mảng…Tuy nhiên điều anh trăn trở nhất hiện nay vẫn là làm cách nào để giúp bà con tăng thêm thu nhập: `Tôi mong muốn Đảng Nhà nước tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế, cho bà con được tham giadự án trồng cây mắc-ca, cây quế cùng doanh nghiệp thuê đất. Chúng tôi quy hoạch là mỗi sào ruộng bà con phải làm 2 vụ mới đủ ăn nhưng từ tháng 2,3 trở đi nơi đây không có nước. Đường dân sinh, đường nước cũng cần được nâng cấp để không lo mùa mưa, lũ lớn gây sạt lở vào tháng 5,6. Cùng với đó, chúng tôi cũng đề nghị Nhà nước có chủ trương di dời cho bà con sớm ổn định cuộc sống.”

Nói về công tác dân vận, anh Giàng Seo Mào và Chìn A Sình cùng cho rằng, để bà con nghe mình, tin tưởng mình thì điều quan trọng phải dành nhiều thời gian lắng nghe tâm tư hoàn cảnh của bà con, qua đó phân tích cho họ hiểu, không để phát sinh những biểu hiện tiêu cực. Và những cán bộ thôn bản phải làm việc vì lợi ích cho cộng đồng: “Làm sao được bà con ghi nhận, người cán bộ thôn bản phải làm nhiều việc khổ cực, phải bỏ công sức, thời gian đi vận động từng bà con, công việc gia đình không làm được nên cũng ảnh hưởng đến thu nhập. Song, tôi nghĩ là mình đã được bà con tín nhiệm, yêu quý thì cố gắng làm sao để hoàn thành trọng trách của Đảng và Nhà nước giao phó.’’

Hiện đời sống các bản làng của người Mông, của đồng bào dân tộc thiểu số Mảng… còn nghèo, nhiều thiếu thốn cũng như nhận thức của người dân chưa cao nhưng có những trưởng bản tâm huyết, có năng lực, uy tín như anh Giàng Seo Mào và Chìn A Sình hi vọng diện mạo thôn bản sẽ đổi thay từng ngày. Họ chính là những người đang đóng góp công sức nhỏ bé trong công cuộc phát triển kinh tế, ổn định an ninh xã hội ở vùng dân tộc miền núi và vùng sâu, vùng xa.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu