Một tấm lòng thiện nguyện với phụ nữ nghèo vùng biển

Hồng Bắc
Chia sẻ
(VOV5) -  Được thành lập từ năm 2011, đến nay Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Quà của biển, trụ sở tại Hà Nội, do chị Tăng Thị Duyên Hồng làm Giám đốc đã xây dựng được 7 dự án đào tạo nghề miễn phí, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm phụ nữ miền biển có hoàn cảnh khó khăn.
(VOV5) -  Được thành lập từ năm 2011, đến nay Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Quà của biển, trụ sở tại Hà Nội, do chị Tăng Thị Duyên Hồng làm Giám đốc đã xây dựng được 7 dự án đào tạo nghề miễn phí, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm phụ nữ miền biển có hoàn cảnh khó khăn. Vừa qua, mô hình hoạt động của chị đã được trao giải thưởng sản phẩm sáng tạo tại cuộc thi  “ Ngày Phụ nữ sáng tạo” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.


 Một tấm lòng thiện nguyện với phụ nữ nghèo vùng biển - ảnh 1
Chị Tăng Thị Duyên Hồng


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Sinh ra ở một vùng quê miền biển Nghệ An, tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Tăng Thị Duyên Hồng vào làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD). Sau nhiều năm gắn bó với các hoạt động bảo tồn biển, chị luôn ấp ủ mong ước phải làm một việc gì đó để góp phần gìn giữ môi trường biển cũng như giải quyết việc làm cho những người phụ nữ nghèo nơi đây. Năm 2011, từ kết quả hoạt động của Tổ hợp phụ nữ chuyên sản xuất mành ốc, thuộc khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang mà mình từng tham gia, chị Hồng đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Quà của biển để thực hiện ý nguyện của mình. Nhớ lại những ngày đầu đầy vất vả, chị Hồng tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng biển nghèo nên tôi cũng có những hiểu biết và kỷ niệm về cuộc sống của những người dân ở vùng biển. Từ đó, tôi nhận thấy phụ nữ ở đây khó khăn và vất vả, chính vì thế, tôi đã thành lập doanh nghiệp xã hội “Quà của biển” với hy vọng sẽ đem lại công việc và sự độc lập về tài chính cũng như tình thần cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biển. Đồng thời thông qua việc tạo sinh kế thay thế hoạt động khai thác và đánh bắt thủy hải sản thì có thể giúp bảo tồn nguồn tài nguyên ở trong các khu bảo tồn biển của Việt Nam”.

Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 3 năm nhưng đến nay, “Quà của biển” đã mở rộng đào tạo nghề cho 350 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 7 khu bảo tồn biển trong cả nước. Công ty trách nhiệm Hữu hạn “Quà của biển” đã giúp chị em phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm mỹ nghệ từ phụ phẩm của biển. Hiện nhiều phụ nữ được chị đào tạo nghề đã có thêm việc làm, thu nhập cho gia đình. Cùng với đó, nắm được nhu cầu khách hàng ngày càng thích những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo làm từ vỏ sò, ốc, trai… qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ vùng biển khiến chị Hồng càng thêm quyết tâm mở rộng mô hình để tạo thêm nhiều việc làm cho những phụ nữ nghèo. Hiện nay, ngoài dự án đã triển khai tại 7 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Nam Định, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tiền Giang, chị đang triển khai thêm mô hình tại Thừa Thiên Huế và huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Chị đã vận động chị em tham gia dự án thành lập “quỹ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” để có tiền đào tạo, nâng cao tay nghề, phát triển nghề bền vững hơn đồng thời mở rộng ra các nhóm sản xuất mới. Chị Hồng chia sẻ: “Chúng tôi tăng cường mở rộng các sản phẩm, tăng doanh thu và thông qua đó mở rộng sản xuất, hoạt động đào tạo nghề cũng như công việc mới cho nhiều chị em hơn. Đồng thời cũng khuyến khích chị em tự đào tạo và truyền nghề cho nhau. Quà của biển cũng kỳ vọng nâng cao nhận thức về bảo tồn tài nguyên và kỳ vọng khi người phụ nữ có được những thu nhập thay thế thì họ sẽ hạn chế dẫn đến từ bỏ hoạt động khai thác trực tiếp ở các khu bảo tồn biển, những tài nguyên ở ven bờ là những tài nguyên lớn cần được bảo tồn”.

Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, nơi chị Duyên Hồng gắn bó 7 năm cho công tác nghiên cứu, nhiều phụ nữ nghèo, neo đơn đã được đào tạo nghề, trở thành những tuyên truyền viên tích cực của Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân. Chị Phùng Thị Thìn, một trong 35 phụ nữ ở xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy được công ty “Quà của biển” đào tạo nghề làm quà lưu niệm cho biết từ những vỏ sò, ốc biển, bằng kỹ năng nghề đã được học, các chị đã tự tay làm ra những món quà lưu niệm độc đáo, mang hơi thở của biển được khách du lịch yêu thích. Ngoài sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng của công ty, nhiều chị còn tự đứng ra mở cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm từ biển do mình làm ra, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Chị Thìn cho biết: “Đây là việc làm cho chị em tại nhà và có thu nhập thường xuyên. Chị em không đi làm biển được, chỉ ở nhà thôi. Trước không có việc gì làm, giờ có việc này làm thì rất tốt. Cô Hồng tạo điều kiện rất tốt cho chúng tôi. Chúng tôi cũng kỳ vọng sau khi chị em học và đã thành nghề thì mặt hàng này ngày một phát triển”.

Với những hoạt động thiết thực của mình, năm 2012, Công ty “ Quà của biển” là doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam được trao giải thưởng Sankalp, giải thưởng về kế hoạch kinh doanh với các giải pháp mang tính xã hội toàn cầu, khu vực Đông Nam Á. Giám đốc Tăng Thị Duyên Hồng tâm sự: đối với chị giải thưởng lớn nhất là được góp sức mình giúp đỡ những người phụ nữ nghèo có thêm việc làm và sử dụng bền vững tài nguyên biển quê hương./.


 


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu