(VOV5) - Nhắc tới Bắc Ninh, người ta còn nghĩ ngay tới hai từ “Kinh Bắc”, tên gọi vùng đất có nền văn hiến lâu đời (gồm tỉnh Bắc Ninh, một phần đất của tỉnh Bắc Giang và huyện Đông Anh và Phường Long Biên, Hà Nội ngày nay). Đây là vùng đất đậm đặc những di tích gắn với nhiều huyền thoại lịch sử, nơi khai mở nền văn minh Đại Việt.
|
Múa lân rồng ở Lễ hội Đền Đô |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai màu mỡ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lại thuận tiện trong giao lưu kinh tế, văn hoá với các vùng miền cả nước, ngay từ những thế kỷ trước Công nguyên, vùng đất Kinh Bắc là một trong những cái nôi của văn minh lúa nước, nơi hình thành nền văn minh Đại Việt. Ở đây có dày đặc các di tích Chùa, Tháp, Đền, Đài, Lăng tẩm được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến, là những danh thắng lịch sử giá trị, nơi tham quan của khách thập phương. Đất Kinh Bắc cũng là nơi có nhiều lễ hội dân gian nhất cả nước và cũng là quê hương của những làn điệu dân ca Quan Họ đã được Tổ chức khoa học và giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
|
Đình làng Đình Bảng - Tuyệt tác kiến trúc xứ Kinh Bắc |
Về thăm miền quê Kinh Bắc, dường như mỗi bước chân của du khách đều chạm vào dấu ấn của văn hoá và lịch sử. Điểm dừng chân đầu tiên là làng Đình Bảng nổi tiếng, nay là Phường Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng Đình Bảng có di tích Lăng Lý Bát Đế, Đền Cổ Pháp, nơi yên nghỉ của các vua Lý. Ngoài ra còn có Đền Đô ( còn gọi là Đền Lý Bát Đế), nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, những bậc minh quân đã khai mở một triều đại vàng son ( từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ 13) của nước Đại Việt. Ông Nguyễn Thạc Kim cán bộ quản lý di tích Đền Đô, cho biết: "Khi Nhà Lý lên ngôi đã xây dựng nền quân chủ thống nhất, một lãnh thổ thống nhất và một chính quyền thống nhất và từ đó Nhà Lý đã xây dựng các cơ sở kinh tế xã hội và văn hoá, làm nền tảng cho nền văn hoá, văn minh Đại Việt sau này và xây dựng quân đôi vững mạnh. Dân ở thời bình làm nông nghiệp,còn khi có chiến tranh là những người lính. Với chính sách như thế, nhà Lý đã xây dựng nền kinh tế vững mạnh, đồng thời bảo vệ được lãnh thổ của Nhà nước Đại Việt”.
|
Chùa Bút Tháp |
Bên kia bờ sông Đuống, tại làng Á Lữ trên đất Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẫn còn đó uy nghiêm Lăng mộ Kinh Dương Vương, trong đó có di tích Đền thờ Lạc Long Quân và bà Âu Cơ ( trong truyền thuyết được coi là tổ tiên của dân tộc VN). Thành cổ Luy Lâu ở xã Thanh Khương với các di tích dinh thự, phố chợ, Đền đài, Chùa tháp nguy nga là những chứng tích khẳng định: nơi đây từng trung tâm chính trị, kinh tế thương mại, trung tâm Phật giáo và Nho giáo của nước Đại Việt. Thuận Thành còn là miền quê của các làng nghề thủ công truyền thống, các làng nghệ thuật dân gian như: làng tranh Đông Hồ, làng ca trù Thanh Tương, múa rối nước Bùi Xá. Đặc biệt vùng đất này có nhiều công trình kiến trúc gắn với lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo ở Việt nam như: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp. Chùa Bút Tháp hay còn gọi là Ninh Phúc Tự là công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu với nhiều tượng Phật và cổ vật quý thể hiện sức sáng tạo trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của người Việt nam xưa. Anh Nguyễn Hữu Nam, cán bộ văn hoá huyện Thuận Thành, cho biết: "Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Bắc Ninh. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ được nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc chạm khắc độc đáo có từ thế kỷ thứ 17, tiêu biểu là bức tượng gỗ Phật Bà nghìn tay nghìn mắt và toà tháp kiến trúc chạm khắc đá là Tháp Bảo Nghiêm hay còn gọi là Tháp Bút. Tên Tháp Bút đã được đặt tên cho cả ngôi chùa. Dù trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh cũng như quá trình bào mòn của thời gian, nhưng chùa Bút Tháp vẫn giữ nguyên được nét cổ kính”.
Từ xa xưa, Kinh Bắc là địa bàn chủ yếu để triển khai các chính sách bảo vệ đất nước, phát triển văn hoá của các triều đại phong kiến Việt Nam. Kinh Bắc xưa còn nổi tiếng là vùng đất văn hiến với công trình tiêu biểu là Văn Miếu Bắc Ninh, nơi tôn thờ trên 600 tiến sỹ quê hương Kinh Bắc, chiếm 1/3 các vị đại khoa trong lịch sử thi cử của các triều đại phong kiến. Nền văn hiến ở vùng đất Kinh Bắc ngày nay vẫn được thể hiện trong truyền thống văn hoá, nếp sống người dân mỗi làng quê. Khách hành hương tới mảnh đất này đi tới đâu cũng thấy dấu ấn, dấu tích huyền thoại minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc. Để khi rời xa, những địa danh, tên đất, tên làng luôn in đậm trong ký ức./.