Quần thể di tích cố đô Huế, di sản văn hóa thế giới ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến nay vẫn được bảo tồn, gìn giữ với nhiều công trình có giá trị độc đáo dù trải qua bao biến thiên của lịch sử. Những công trình thuộc quần thể vừa đa dạng, phong phú, vừa đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, nghệ thuật. Đây cũng chính là lợi thế để tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng và phát triển thành phố Huế trở thành đô thị di sản trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích cố đô.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Quần thể di tích đô Huế hiện có 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Trong ảnh: Cổng Ngọ Môn, cổng chính phía nam của Hoàng Thành Huế.- Ảnh: thuathienhue.gov.vn |
Đô thị Huế được quy hoạch và xây dựng gắn liền với trục sông Hương từ đầu thế kỷ XVII trên nền tảng của quá trình đô thị hóa đã diễn ra hàng trăm năm trước đó, gắn liền với quá trình Nam tiến của người Việt. Theo thời gian, quy hoạch của đô thị Huế ngày càng được mở rộng, từ thượng nguồn sông Hương ra biển theo chiều Tây - Đông, từ An Hòa, Hương Sơ đến núi Ngự Bình, hướng ra tận đầm phá Tam Giang, Cầu Hai theo chiều Bắc - Nam. Cho đến nay, đô thị Phú Xuân - Huế trong lịch sử cùng với những di sản vật chất, tinh thần cùng không gian cảnh quan văn hóa gắn liền với các di sản ấy đều gắn liền với trục sông Hương, trong đó nổi bật là Quần thể di tích Cố đô Huế với Kinh thành, cung điện và các thiết chế liên quan đến hoạt động của triều Nguyễn và các đền miếu, lăng tẩm, chùa quán… tọa lạc ở hai bên bờ sông Hương. Đặc biệt là Quần thể di tích đô Huế hiện có 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó, 5 di sản thuộc triều đại nhà Nguyễn, đủ cả 3 loại hình: vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu. Hiện Thừa Thiên - Huế được xem là nơi duy nhất còn bảo lưu nguyên vẹn nhất di sản văn hóa Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán…; đồng thời cũng là vùng đất có nhiều di sản tự nhiên độc đáo, có giá trị tiêu biểu nổi bật không chỉ trong phạm vi đất nước và khu vực, như sông Hương, đầm phá Tam Giang, vịnh Lăng Cô-Chân Mây, rừng quốc gia Bạch Mã.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển của thành phố Huế như hiện nay chính là dựa trên nền tảng của các di sản văn hóa vật chất, tinh thần địa phương đang sở hữu cũng như kế thừa cả các di sản về đô thị vốn dĩ đã được các thế hệ tiền bối sáng tạo và kiến lập nên. Vì vậy, phát triển thành phố Huế theo hướng đô thị di sản cấp quốc gia đặc thù của Việt Nam là điều cần thiết và mô hình này hoàn toàn phù hợp với thành phố Huế. Giáo sư, Tiến sỹ Trương Quốc Bình, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng: "Huế dường như hội tụ đầy đủ các tiêu chí của một đô thị di sản truyền thống, đó là phạm vi, nội dung giá trị, giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Điều quan trọng là sự đồng thuận của cư dân. Cư dân thành phố Huế có ý thức về vấn đề xây dựng Huế trở thành thành phố di sản".
Trong đề án xây dựng và phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Thừa Thiên - Huế mở rộng đô thị Huế, bao gồm thành phố Huế hiện hữu và một phần thuộc các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang, với diện tích khoảng 348 km², rộng gấp 5 lần so với diện tích thành phố Huế hiện nay. Với sự điều chỉnh mở rộng này, đô thị Huế sẽ hàm chứa sự đa dạng về địa hình: sông, núi, gò đồi, đầm phá, biển và cảnh quan thiên nhiên phong phú, với hệ thống đồi núi, đầm phá tự nhiên rộng lớn, cùng hệ thống công viên cây xanh và nhà vườn sinh thái, đã và đang trở thành một điểm đến xanh tự nhiên, đầy ấn tượng. Ngoài ra, đô thị Huế còn có những đặc thù riêng của một đô thị cổ và được phát triển theo hướng phát huy cao nhất những đặc trưng, phát triển theo hướng hài hòa, phát huy các thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên…, lấy dịch vụ - du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ để phát triển, hướng đến xây dựng thành phố Huế thành đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế, cho rằng: "Nếu như chúng ta mở rộng không gian đô thị Huế, chuyển thành phố Huế thành một thành phố di sản thì đồng thời với đó phải có một quy hoạch tổng thể, quy hoạch về phân khu chức năng, phải tạo ra mối liên kết giữa đô thị truyền thống và các khu đô thị mới, tạo 1 hình thái đô thị đặc thù, mang đậm tính chất di sản của Việt Nam và mở rộng không gian dịch vụ đô thị để tạo ra những sinh kế mới, thúc đẩy sự phát triển trong đời sống của cư dân đô thị".
Đô thị Huế được quy hoạch và xây dựng gắn liền với trục sông Hương. - Ảnh: thuathienhue.gov.vn |
Theo Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế đặt mục tiêu đến năm 2025, đưa thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển đô thị Huế thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, đô thị Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Việc được công nhận là đô thị di sản sẽ tạo thuận lợi hơn để thành phố Huế có vị thế ngang tầm với các đô thị trực thuộc Trung ương hiện nay và ngang tầm với vị thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng quay trở lại bảo tồn di sản của thành phố Huế.