(VOV5) - Bước vào ngưỡng cửa trường đại học là mơ ước của mỗi cô, cậu học trò. Với cậu học trò Tạ Khôi Nguyên, khát khao còn lớn hơn là học để sau này trở thành kiến trúc sư. Đam mê học tập đã giúp cậu xuất sắc giành được 26.5 điểm trong kỳ thi đại học vừa qua, trở thành thủ khoa khối V của trường Đại học xây dựng Hà Nội. Những nỗ lực của bạn thân và sự trợ giúp của gia đình, thầy cô chính là nền tảng tạo nên thành công này. Bấm vào đây để nghe âm thanh bài viết:
Cái ngày nhận được tin cậu con trai đỗ thủ khoa khối V trường Đại học xây dựng Hà Nội, ông Tạ Văn Khánh, người cha của Khôi Nguyên vui mừng khôn xiết và kỷ niệm cứ theo ông tràn về. Lẫn trong tiếng mưa rơi, ông kể về ngày xin cho con đi học vẽ. Khi ấy, cậu bé mới học lớp 9. Cô Thịnh, giáo viên dạy vẽ của trường Đại học xây dựng đã từ chối nhận cậu chỉ với lý do chưa vào lớp 10, học vẽ sẽ bỏ qua các môn học văn hóa. Ước mơ trở thành hiện thực khi lớp 10 cậu được cô Thịnh nhận làm học trò. Suốt những năm học cấp 3 ở trường Việt Đức( Hà Nội), với quyết tâm phải thi đỗ vào Trường Đại học xây dựng, Khôi Nguyên không ngừng học, không ngừng phấn đấu. Say mê toán, lý, hóa và với sự trợ giúp của các cô giáo Thu Hà, thạc sĩ môn toán và cô Trần Thanh Bình, dạy môn vật lý, Khôi Nguyên đã biết sắp xếp thời gian học tập các môn hợp lý, kết hợp với giải trí, thư giãn. Đó là bí quyết để cậu học trò đạt được thành tích cao trong học tập và thi cử. Nguyên tâm sự: “Việc học không quá nặng. 8 đến 11h30 ngày mai học tiếp. Việc học ở nhà phân chia toán, lý, mỗi môn 2 tiếng. Còn nếu học lý cả thì mai lại học bù toán. Tuy nhiên, học thì cũng phải giải trí. Bởi năm cấp 3 đời học sinh rất là vui. Gia đình nhiều khi cứ bảo chơi nhiều. Bố mẹ giục học bởi thấy cứ chơi nhưng thực ra em vẫn sắp xếp, đầu tư phân chia việc học. Tập trung cao độ. Mà đề thi thì sẽ là kiến thức cơ bản không đánh đố chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, đào sâu, nâng cao lên”
Với tố chất sẵn có, cộng với sự say mê, quyết tâm, Tạ Khôi Nguyên đã đi đúng con đường mà mình chọn lựa: đó là học để sau này trở thành kiến trúc sư, họa sĩ, ước mơ mà cậu ấp ủ từ tấm bé. Có năng khiếu vẽ từ nhỏ, với óc sáng tạo, ngay từ khi còn là học sinh mẫu giáo, cậu bé đã thường xuyên giành được giải nặn tưởng, xếp lô gô. Những năm tháng học vẽ ở Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng đã giúp cậu học trò ngày một đam mê, gắn bó với cây bút vẽ. Con đường trở thành một kiến trúc sư, một họa sĩ tương lai cứ định hình dần dần như thế. Ông Tạ Văn Khánh tâm sự: “Tôi có quan điểm là hướng thôi, còn cháu phải tự tìm con đường đi riêng cho mình. Hoàn toàn không áp đặt. Để cho cháu tự sắp xếp việc học. Tôi nghĩ là nuôi cháu, nuôi tâm hồn của cháu theo cái cách tự do, bay bổng không gò bó. Cái đó là quan trọng với một kiến trúc sư, một họa sĩ. Phải đảm bảo là con mình chọn được nghề mà cháu thích”
Hướng cho con theo nghề kiến trúc, ông Khánh cũng trở thành một người bạn của con suốt những năm tháng học cấp 3 và thi vào đại học mà như ông ví von là “ học cùng con trên từng cây số”. Tạ Khôi Nguyên đã đạt được thành công bằng nỗ lực của bản thân và sự trợ giúp từ bố mẹ, sự hỗ trợ của nhà trường. Mỗi người chọn cho mình một phương pháp riêng nhưng với cậu trò Khôi Nguyên, theo như ông Khánh nói thì, quan trọng là tìm thầy, tìm tài liệu kết hợp với phương pháp học hợp lý: “ Tìm thầy, tìm tài liệu rất quan trọng. Thầy dạy phù hợp với trình độ của con mình. Nguyên phải trải qua 3 cấp học. Cấp độ đầu tiên là học ở Trung tâm buổi tối tại trường Trần Phú. Cấp bậc 2 là học thầy Khôi, hiệu phó Amstecdam và cô Hồng Anh. Cao hơn là các thầy Dũng, thầy Nguyên, cô Nam, cô Thịnh…là những giáo viên nổi tiếng về môn toán, lý, vẽ…ở bậc Đại học. Trước khi thi thì thi thử rất nhiều để có thói quen, tạo thói quen xử lý”
Cậu học trò khiếm tốn khi nói về thành công của mình “phần lớn là nhờ sự hỗ trợ của gia đình, các thầy, cô”. Nhưng thành công sẽ khó đạt được hiện thực nếu không có nỗ lực của bản thân, không có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tập trung cao độ và say mê. Để học tốt mỗi môn, Nguyên chia sẻ:“Muốn vẽ đẹp phải chuẩn bị tốt, giấy, màu, tâm tưởng phải thoải mái. Rất quan trọng yếu tố say mê. Phương pháp thì mỗi người có phương pháp riêng. Như em có sổ tay riêng ghi lại công thức, kiến thức của môn toán, lý, đi ngủ học lại cho nhớ. Còn toán nên học nhiều thầy, mỗi thầy sẽ rút được những tinh hoa, kinh nghiệm”
Vẫn thỉnh thoảng theo bố ra công trường, hàng ngày vẫn dành thời gian học, trau dồi ngoại ngữ, cậu học trò Tạ Khôi Nguyên đang chuẩn bị cho mình hành trang vào đời với bước đi đầu tiên là những năm tháng đại học. Trong hành trang ấy, điểm số đạt được ngày hôm nay tiếp thêm sức mạnh cho cậu cùng với niềm mong mỏi của cha mẹ, của người thân học giỏi để trở thành kiến trúc sư giỏi nghề. Chia tay cha con Tạ Khôi Nguyên, đọng lại trong tôi là nụ cười tự tin của cậu trò nhỏ, là niềm vui trong ánh mắt của người cha. Tất cả làm lòng tôi vui lây, ấm áp hơn, xua tan cảm giác lãnh lẽo, u ám của những cơn mưa đầu thu.
Dưới đây là một số bức tranh tĩnh vật của cậu học trò Tạ Khôi Nguyên: