Là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch. Ngoài lợi thế thiên nhiên, bờ biển đẹp, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có nhiều địa danh, di tích lịch sử, lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân miền biển. Đây chính là những yếu tố vô cùng thuận lợi, riêng có để địa phương này gắn các sản phẩm văn hóa đặc sắc trong phát triển du lịch.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cũng giống như bao vùng đất khác, Vũng Tàu có đời sống văn hóa (bao gồm cả nghệ thuật, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo,…) vô cùng đa dạng và phong phú. Trong sự đa dạng và phong phú của tiểu vùng văn hóa miền Đông Nam Bộ đó, Vũng Tàu có những yếu tố văn hóa riêng khác mà các địa phương lân cận không có được, hoặc có nhưng không tiêu biểu, đặc trưng nhất là yếu tố văn hóa biển và các yếu tố về địa- văn hóa.
Có thể nói, thiên nhiên, lịch sử, văn hoá đã tạo cho Bà Rịa –Vũng Tàu có tiềm năng phát triển du lịch dồi dào, hiện du lịch văn hóa –tâm linh là một sản phẩm du lịch chính của địa phương.
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu. Ảnh: bariavungtautourism. com.vn
|
Một trong những nét đặc sắc của Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi đây tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa và đây chính là thế mạnh để tỉnh tập trung khai thác, phát triển dịch vụ du lịch văn hóa tâm linh. Mỗi du khách khi về với Bà Rịa – Vũng Tàu không thể bỏ qua các lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển, như Lễ hội Nghinh Ông, Lệ Cô, Vía Ông, Trùng Cửu…
Diễn ra vào rằm tháng 8 hàng năm, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức long trọng và uy nghiêm. Làm lễ cúng ông Nam Hải cúng cầu ngư ngoài biển. Đây là một nghi lễ chính của lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu với mong muốn cầu mưa thuận, gió hòa, trời yên biển lặng, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ông Nguyễn Văn Long, trưởng ban tổ chức lễ hội Nghinh Ông 2018 cho biết: Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Bà Rịa – Vũng Tàu xuất phát có từ hàng trăm năm nay. Tương truyền là có một ông cá nặng 18 tấn trôi dạt vào bờ và ngư dân có một mùa sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang và sức khỏe của bà con ngư dân quanh năm ổn định. Từ năm 1817 đã có lễ hội này rồi và đến năm 2000 lễ hội chính thức được Bộ văn hóa thể thao du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa
Hòn Bà, địa điểm du lịch tâm linh của du khách.Ảnh: thanhnien.vn
|
Lễ hội Nghinh Ông Bà Rịa-Vũng Tàu đã được chọn là 1 trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước. Chính vì thế, từ năm 2000, hàng năm lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút hang ngàn du khách tham gia.
Để thu hút khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay địa phương đang hướng đến phát triển du lịch chất lượng cao để thu hút dòng khách cao cấp. Tỉnh đang quan tâm phát triển các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí cao cấp để thu hút, giữ được khách lưu trú dài ngày. Tỉnh cũng đang thực hiện trùng tu, cải tạo các di tích, cơ sở văn hóa để phục vụ du lịch, kết hợp phát triển các mô hình làng nghề, mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao với phục vụ cho du khách tham quan. Ông Trịnh Hằng, Giám đốc sở VHTT du lịch BRVT: Hiện nay, Sở Văn hóa thể thao du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng được toàn bộ chương trình phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo kế hoạch, chúng tôi định hình trong đó từng địa phương có sản phẩm du lịch cốt lõi. Sở sẽ là đơn vị chủ trì, phối kết hợp với các huyện thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, sự tham gia của doanh nghiệp, người dân…để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hơn nữa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng các tour, tuyến, chương trình du lịch để kết nối các sản phẩm du lịch này.
Di sản văn hóa, thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hóa luôn được coi là nguồn tài nguyên quan trọng để kết nối và phát triển du lịch. Từ cách nhìn nhận đó, nhiều địa phương đã quan tâm, chú trọng thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, đưa các di tích, di sản văn hóa, lịch sử vào các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá. Trào lưu và xu hướng du lịch của du khách luôn gắn với sở thích khám phá, tìm hiểu các điểm du lịch ẩn chứa những tư liệu về lịch sử, những bản sắc văn hóa của từng vùng, miền. Sự tìm kiếm, trải nghiệm từ các chuyến du lịch sẽ hiệu quả hơn khi được gắn kết với các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa bản địa, các làng nghề truyền thống, lối sống, ẩm thực, tín ngưỡng, khảo cổ và kiến trúc..
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang phát triển du lịch theo hướng đó. Du lịch tâm linh không chỉ là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế xã hội. Với chừng ấy di sản, có thể nói, loại hình du lịch văn hóa ở Bà Rịa-Vũng Tàu đang có cơ sở vững chắc để phát triển.