(VOV5) - Gốm Chu Đậu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, là dòng gốm nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII- XIV. Phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI nhưng đến thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu gần như bị thất truyền. Đã có thời điểm công nghệ chế tác gốm, men của Chu Đậu trở thành điều bí ẩn với giới khoa học cũng như những người làm gốm. Tuy nhiên qua các nghiên cứu, khảo cổ tại thôn Chu Đậu cùng với những mẫu vật gốm cổ tìm được tại con tàu đắm Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, đã khẳng định chắc chắn về sự hưng thịnh của Chu Đậu, tinh hoa một dòng gốm Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong khuôn viên hố khai quật rộng gần 100m vuông tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về gốm nâng niu từng chi tiết, mảnh hiện vật được phát hiện nằm sâu dưới lòng đất cả trăm năm. Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành Thăng Long, chia sẻ: Hơn 30 năm kể từ khi vết tích đầu tiên của dòng gốm Chu Đậu được phát hiện, trải qua 6 lần khai quật, lần thứ 7 này mang nhiều giá trị nhất: Nhất về qui mô, nhất về sự đầu tư và nhất cả về kết quả thu được:Chúng tôi đã tìm thấy đồ gốm giống gốm được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Điều này cho thấy mối quan hệ của gốm Chủ Đậu và Hoàng thành Thăng long rất rõ ràng. Mục tiêu của chúng tôi trong nghiên cứu, so sánh, đánh giá giá trị của Hoàng thành Thăng Long cũng như đánh giá vai trò của gốm Chu Đậu trong lịch sử đã thành công. Chưa bao giờ có một cuộc khai quật nào về những trung tâm sản xuất gốm hiện nay tìm được đầy đủ diện mạo từ lò đến sản xuất gốm, đây là lần đầu tiên. Men ngọc, loại men đặc trưng của Chu Đậu, khai quật được rất nhiều. Dường như những người thợ Chu Đậu làm chủ tay nghề rất tốt và sản xuất rất giỏi. Rất nhiều sản phẩm ở đây có thể sánh ngang với gốm Long Tuyền của Trung Quốc.
|
Chiếc bình vẽ thiên nga tuyệt tác khai quật từ tàu Cù Lao Chàm - Ảnh: Thái Lộc |
Từ năm 2003, thế giới chú ý hơn đến những giá trị văn hóa đặc sắc của dòng gốm này, khi các nhà khoa học khai quật khoảng 40 nghìn sản phẩm gốm từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam. Các nhà khoa học đã khẳng định sự hưng thịnh của gốm Chu Đậu vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia, trở thành sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên do chưa đủ loại hình sản phẩm nên thời điểm đó chưa nhà khoa học nào nghĩ đến mối liên hệ giữa sản phẩm làng nghề với những đồ dùng sử dụng được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long (Kinh đô của các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỷ 11 đến 18). Lần khai quật này phát lộ một lò sản xuất gốm với cả trăm mẫu vật giống mẫu vật tìm được tại Hoàng thành Thăng Long. Phó giáo sư, Tiến sỹ Hồ Văn Quán, cho biết: Trước đây, những cổ vật men ngọc tìm được ở Hoàng thành Thăng Long từng bị nhầm lẫn với gốm Long Tuyền, Trung Quốc, nhưng qua các cổ vật khai quật được, các nhà khoa học đã chứng minh đó là sản phẩm của gốm Chu Đậu. Điều này một mặt chứng tỏ có sự giao thoa văn hóa giữa hai quốc gia láng giềng, đồng thời khẳng định nghệ nhân gốm Việt đã có khả năng làm chủ, thổi hồn dân tộc vào sản phẩm: “Tôi có xem những phế phẩm khu sản xuất sành thế kỉ 15 ở Quả cảm, Bắc Ninh, thì rất nhiều sản phẩm lỗi, hỏng do việc khống chế nhiệt chưa tốt. Những ở Chu Đậu thì sản phẩm lỗi ít hơn, nhiệt độ được khống chế rất tốt, các loại bát đĩa ở Chu Đậu rất đều và đẹp”.
|
Nhà lưu niệm Xí nghiệp Gốm - Sứ Chu Đậu, Nam Sách. Ảnh: TB |
Gốm men ngọc là nét đặc trưng của gốm Chu Đậu bởi kỹ thuật cũng như phương pháp chế tác loại men này yêu cầu những người thợ phải có tay nghề cao cũng như nhiệt nung ổn định. Ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, chia sẻ: Qua các lần khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy phế phẩm men ngọc lẫn hoa lam chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của dòng gốm Chu Đậu “ Những phát hiện ở Chu Đậu rất quý. Nó đã chứng minh được những sản phẩm gốm quý giá đang được triển lãm ở các bảo tàng lớn trên thế giới là được sản xuất tại Việt Nam với địa chỉ củ thể là từ Chu Đậu”.
|
Phiên bản chiếc bình quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tại Bảo tàng Hải Dương – Ảnh: Thái Lộ |
Theo dự kiến toàn bộ khu vực vừa phát lộ sẽ được qui hoạch thành bảo tàng ngoài trời để phục vụ nhu cầu tìm hiểu về gốm Chu Đậu cho giới khoa học và du khách trong nước và nước ngoài. Ông Vũ Đình Tiến, Giám đốc bảo tàng Hải Dương, cho biết:Sau khi khai quật và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi bảo tồn theo đúng qui chế bằng cách lấp cát, lấp đất. Khi có điều kiện chúng tôi sẽ xây dựng phương án, xây dựng bảo tàng tại chỗ ở khu vực vừa khai quật.
7 cuộc khai quật gốm Chu Đậu đã cũng cấp thêm những thông tin quan trọng về sự ra đời, phát triển của gốm Chu Đậu và khẳng định giá trị tinh hoa của một dòng gốm Việt Nam. Kết quả này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu về di chỉ gốm Chu Đậu mà còn với công tác nghiên cứu so sánh, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học về đồ gốm sứ thời Lê sơ (năm 1428 - 1527) của khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Qua kết quả cuộc khảo cổ, các nhà khoa học sẽ có kế hoạch đầu tư, nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn giá trị lịch sử văn hóa về làng gốm cổ Chu Đậu; từ đó có chiến lược quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị làng gốm, đồng thời cần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng và chuẩn xác về gốm Chu Đậu.