Ghép tạng, thành tựu nổi bật của nền y học Việt Nam

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5)- Việt Nam đã tiếp cận và nắm được toàn bộ kỹ thuật cơ bản ghép tạng phổ thông của thế giới, đặc biệt là ghép thận, gan, tim...Nhờ đó, phẫu thuật ghép tạng ở Việt Nam trở thành một trong những thành tựu nổi bật ghi dấu ấn cho của nền y học Việt Nam.

(VOV5)- Ghép tạng (hình thức phẫu thuật trong y tế cho phép thay thế một cơ quan hoặc một bộ phận của cơ thể bằng một tạng khác khỏe mạnh) ở Việt Nam đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng ở Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc, ngang bằng. Việt Nam đã tiếp cận và nắm được toàn bộ kỹ thuật cơ bản ghép tạng phổ thông của thế giới, đặc biệt là ghép thận, gan, tim...Nhờ đó, phẫu thuật ghép tạng ở Việt Nam trở thành một trong những thành tựu nổi bật ghi dấu ấn cho của nền y học Việt Nam.


Tại Việt Nam, sau 20 năm kể từ ngày tiến hành ca ghép tạng đầu tiên đến nay, chuyên ngành ghép tạng đã phát triển vượt bậc và lan tỏa tới 12 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước. Bệnh viện 103 - Học viện Quân y, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế là những đơn vị đi đầu thực hiện thành công lấy ghép đa tạng từ người cho chết não. Vào tháng 6/1992, các y, bác sĩ Bệnh viện 103 đã tiến hành ghép thận thành công đầu tiên ở Việt Nam và sau này là ghép gan (1/2004) và ghép tim (6/2010), Học viện Quân Y đã khởi đầu cho một chuyên ngành mới ở Việt Nam, đó là chuyên ngành ghép tạng.

 Ghép tạng, thành tựu nổi bật của nền y học Việt Nam - ảnh 1
Các bác sĩ đang thực hiện việc ghép tạng tại bệnh viện Quân y 103 - Ảnh: SGGP Online

Sự thành công của việc ghép tạng mở ra triển vọng điều trị cho những người bệnh có các tạng bị suy giai đoạn cuối và góp phần thúc đẩy phát triển nhiều chuyên ngành y học khác. Không dừng lại ở đó, Bệnh viện 103 đang tiếp tục nghiên cứu, tiến tới ghép tụy và các mô tạng khác, được thực hiện những ca ghép tạng ở trình độ cao hơn sau đó. Trước đây, một ca ghép tạng thường mất khoảng nửa ngày, trong khi hiện nay, chỉ dao động từ 2 đến 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Tỷ lệ kết quả sau mổ tốt khá cao. Số bệnh nhân ghép tạng duy trì sự sống rất có ý nghĩa.  Từ 1 ca ghép/ngày, đến nay, bệnh viện đã nhiều lần thực hiện 2 ca ghép thận/ngày.


Theo Đại tá, Phó Giáo su, Tiến sỹ Lê Trung Hải, Phó Giám đốc Ngoại Bệnh viện 103 cho biết ghép thận đã trở thành công việc thường ngày của bệnh viện: "
Trong tương lai gần, sẽ có lúc hai người cho bị chết não hiến thận và các nội tạng khác. Vì vậy, cùng một lúc, sẽ phải triển khai nhiều ca ghép tạng bởi các nội tạng chỉ có thể hoạt động tốt dưới 18 tiếng đồng hồ. Do đó, thực hiện nhiều ca ghép tạng/ngày là cơ hội để các đội ngũ y, bác sĩ rèn luyện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra và bảo đảm an toàn trước-trong và sau ghép."


Gần 19 năm, hơn 70 ca ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện 103, trong đó có 19 ca ghép tiến hành trong khoảng 10 tháng trở lại đây. Điều này cho thấy, kỹ thuật ghép tạng, tay nghề của các y, bác sĩ đã được nâng lên rõ rệt, khiến cho thời gian chuẩn bị và thực hiện được rút ngắn. PGS.TS Lê Trung Hải, Phó Giám đốc Ngoại Bệnh viện 103 cũng cho biết: cho đến nay là 18 năm, đây là thời gian kéo dài lâu nhất và để khẳng định việc ghép tạng tại bệnh viện đã bước đầu thành công. Những quả thận của bệnh nhân được ghép tại bệnh viện vẫn hoạt động tốt, người cho thận vẫn sinh hoạt và phát triển bình thường.


Với phẫu thuật nội soi u nang ống mật chủ trên bệnh nhi, là một trong những phẫu thuật phức tạp mà cho đến nay nhiều trung tâm nổi tiếng trên thế giới vẫn chưa đưa vào danh mục mổ thường qui, nhưng tại bệnh viện Nhi Trung ương đã có gần 500 trường hợp bị u nang ống mật chủ được phẫu thuật nội soi thành công, trong đó trường hợp nhỏ tuổi nhất là gần 2 tháng tuổi. Đã có nhiều giáo sư, bác sĩ của các nước tiên tiến trên thế giới đến Việt Nam học hỏi kỹ thuật này. Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương Nguyễn Thanh Liêm cho biết: "Đây là những phẫu thuật phức tạp, nguy hiểm vì có thể làm rách mạch máu lớn. Ngoài việc áp dụng phẫu thuật mà thế giới đang làm thì chúng ta cải tiến  hoàn thiện một kỹ thuật nữa bằng việc nối ống gan trung với tá tràng, một kỹ thuật có thời gian mổ ngắn hơn, có nhiều ưu điểm hơn nhưng tác dụng tương đương với thế giới đang làm."


Những thành công trong ghép tạng là thành tích nổi bật của hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam. Phẫu thuật ghép tạng đã trở thành thường quy tại một số trung tâm ngoại khoa đầu ngành của Việt Nam với đầy đủ trang thiết bị hiện đại mà giá thành chỉ bằng 1/3 chi phí trên thế giới. Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết cho biết:
"Đội ngũ cán bộ ở những trung tâm lớn như Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Huế là có thể độc lập ghép được gan, thận, tim một cách bình thường. Hiện nay Việt Đức đang triển khai ghép những cơ quan khác như ghép phổi, tụy. Việc thực hiện về mặt kỹ thuật thì ở  Việt Nam không thua kém gì thế giới. Đặc biệt qua thực tế làm thì chúng tôi thực hiện nhanh hơn của thế giới."


Sự trưởng thành của nền y học Việt Nam đang mang lại cho bệnh nhân những hy vọng, cùng cơ hội lớn vượt qua các căn bệnh hiểm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.  Bộ Trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Đầu tư cho khoa học công nghệ là một trong những chiến lược ưu tiên của ngành Y tế. Trước mắt và lâu dài, Bộ Y tế đã và đang đầu tư phát triển nguồn nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lương. Đặc biệt trong Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế có cả phần phát triển các các bộ y tế chuyên sâu. Hay như việc đầu tư cho các trang thiết bị y tế về khám chưa bệnh hiện nay ở Việt Nam  thì cũng ngang tầm các nước trong khu vực và quốc tế. Chúng tôi đầu tư qua các nguồn ngân sách của Nhà nước, đặc biệt là chính từ nguồn xã hội hóa."

Cho đến nay, ở Việt Nam có 12 bệnh viện tiến hành ghép thận, 4 bệnh viện thực hiện ghép gan, 3 bệnh viện thực hiện cấy ghép gan thành công. Cùng với đó, một số bệnh viện này bước đầu triển khai nghiên cứu ghép tụy thực nghiệm. Các bác sỹ trực tiếp thực hiện các ca ghép tạng đều có tay nghề, trình độ cao và được đầu tư trang thiết bị không thua kém gì đồng nghiệp trong khu vực, các ca tiến hành ghép tạng thành công đã đem lại hy vọng sống rất lớn cho người bệnh, nhất là người bệnh trọng./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
hoàng thị cẩm bích
CÁC BÁC CHO EM HỎI BÁC SỸ PHẪU THUẬT CẤY GHÉP ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM LÀ AI Ạ