Bên cạnh nét văn hóa, lịch sử lâu đời, Bình Dương còn có các nghề thủ công truyền thống, như: nghề làm gốm sứ, sơn mài, chạm khắc gỗ, đan mây tre lá với các thương hiệu nổi tiếng như: gốm Lái Thiêu, gốm Tân Phước Khánh, gốm Xưa, nghề làm heo đất ở Thuận An, lò lu Đại Hưng, sơn mài Tương Bình Hiệp, chạm khắc gỗ ở phường Chánh Nghĩa, phường Phú Thọ, hợp tác xã mây tre lá Ba Nhất…Vài năm nay, các cơ sở sản xuất ở Bình Dương đã nhạy bén thay đổi mẫu mã, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, gắn hoạt động của làng nghề với hoạt động du lịch, nhằm gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống và phát triển kinh tế của địa phương.
Với bàn tay khéo léo, tinh xảo của các nghệ nhân, sản phẩm gốm rất được du khách ưa chuộng. Ảnh: congluan.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, các làng nghề ở Bình Dương đầu tư sản xuất theo hướng bán tự động hoặc tự động hóa toàn bộ theo công nghệ 4.0, đồng thời chuyển hướng gắn hoạt động của làng nghề với hoạt động du lịch trên địa bàn.
Thay đổi để thích ứng
Điển hình cho quá trình đầu tư đổi mới công nghệ ở các làng nghề Bình Dương là các công ty gốm sứ: Minh Long 1, Cường Phát, Phước Vũ Long. Ông Lý Ngọc Bạch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho biết các cơ sở gốm sứ Bình Dương đã tập trung cho thị trường nội địa bằng cách thay đổi lại mẫu mã, men màu phù hợp:“Gốm sứ Bình Dương đã làm khuôn, màu men hàng nội địa. Bây giờ, đẩy mạnh sản xuất cho thị trường nội địa. Tôi hy vọng năm nay, nội địa sẽ bán được mạnh. Nhà hàng, cửa hàng, quán, tiệm người ta dùng nhiều thì sẽ tiêu thụ mạnh”
Nhờ việc đa dạng hóa các phương thức giới thiệu sản phẩm từ trực tiếp đến trực tuyến trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử, các sản phẩm của Công ty TNHH mây tre lá Thành Lộc, ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, có mức tiêu thụ cao. Ông Nguyễn Thành Lập, Phó Giám đốc Công ty TNHH mây tre lá Thành Lộc, cho biết hiện nay, giá cả, mẫu mã, chất lượng… đều được công ty tư vấn cụ thể qua hình thức bán hàng trực tuyến:“Nói chung là lượng bán hàng trên các trang mạng điện tử rất ổn định. Hiện, đang xuất khẩu cho Australia, Nhật và một số nước Châu Âu. Thế giới có chiến tranh nhưng một số nước vẫn mua vì hàng này thân thiện với môi trường nên người dân Châu Âu rất thích. Họ xài một năm họ bỏ và xài cái mới nên vẫn xuất khẩu liên tục”.
Cũng như đan lát, gốm sứ, những làng nghề truyền thống khác ở Bình Dương như sơn mài, chạm khắc gỗ… đã linh hoạt tìm lối đi cho sản phẩm của mình để tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng. Cùng với thay đổi phương thức sản xuất, các làng nghề cũng từng bước áp dụng công nghệ số trong quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh để tiếp tục phát triển.
Ngoài sự nỗ lực của những người yêu nghề, quyết tâm thay đổi để giữ nghề thì chính quyền Bình Dương cũng áp dụng nhiều cách để bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống. Đối với các nghề có nguy cơ gây ô nhiễm như gốm sứ, heo đất…đang nằm đan xen trong các khu dân cư, địa phương lên kế hoạch xây dựng các khu riêng biệt để vừa phát triển, vừa giải "bài toán" ô nhiễm môi trường. Những cơ sở sản xuất khó khăn được hỗ trợ vay vốn sản xuất để tiếp tục duy trì làng nghề. Bình Dương cũng rất chú trọng đào tạo lao động cung ứng cho các làng nghề trên địa bàn.
Gắn hoạt động của làng nghề với hoạt động du lịch
Một trong những giải pháp của Bình Dương để lưu giữ, phát triển bền vững làng nghề truyền thống là gắn kết sự phát triển của làng nghề với du lịch. Đây được xem là bước đi đúng đắn, không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề. Trên thực tế, Bình Dương đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch, thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một”, hình thành làng nghề rộng hơn 54.000m2, để các cơ sở có nơi tập trung sản xuất. Nghệ nhân Đinh Công Thiệu (52 tuổi) cho biết:“Mong muốn sau này mình được dời vô trong làng nghề để làm. Lúc này, bên nhà nước, bên tỉnh sẽ kết nối khách du lịch. Khách du lịch đến, họ chọn sản phẩm của mình nhiều thì hy vọng nghề sơn mài sẽ phát triển hơn".
Sản phẩm tranh sơn mài được du khách yêu thích. Ảnh: congluan.vn |
Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã xác định muốn du lịch của tỉnh phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng thu hút được du khách trong và ngoài nước thì sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh phải là tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề thủ công truyền thống. Theo đó, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã giao cho Trung tâm Xúc tiến và Du lịch có các chương trình quảng bá cho du khách biết đến các làng nghề.
Trong năm ngoái và năm nay, Trung tâm đã tổ chức nhiều chuyến tham quan kết nối, giới thiệu làng nghề. Trung tâm còn trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Bình Dương cho du khách, công chúng trong nước và quốc tế thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, cho biết: “Sở cũng đề nghị Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn nếu đủ điều kiện công nhận OCOP cho các sản phẩm của làng nghề; đồng thời cùng nhau quảng bá tại các hội chợ, trên các trang web liên quan đến du lịch. Hy vọng, các sản phẩm nghề truyền thống của Bình Dương sẽ được giới thiệu rộng rãi đến với người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.”
Với sự chủ động chuyển đổi để thích ứng cùng những giải pháp hỗ trợ phù hợp gắn liền với các hoạt động kinh tế du lịch của địa phương, chắc chắn 32 làng nghề với 9 nghề truyền thống ở Bình Dương sẽ được bảo tồn, phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.