Điện Biên, miền đất của di tích lịch sử

Thu Hoa
Chia sẻ

(VOV5)- Công trình vĩ đại nhất tại Mường Phăng chính là đường hầm nối hai lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái.

 

(VOV5)- Điện Biên, tỉnh biên giới phía Tây bắc Việt Nam, cách Hà Nội chừng gần 500 km đường bộ, là nơi có quần thể di tích gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Các di tích tiêu biểu như: Đồi Him Lam, Đồi A1, D1, Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng… đến nay vẫn được gìn giữ như một trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

 Điện Biên, miền đất của di tích lịch sử - ảnh 1

Những thửa ruộng bậc thang

Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ trải dài trên lòng chảo Ðiện Biên, nay là thành phố Điện Biên Phủ, bốn bề là núi bao bọc với chiều dài 18km, rộng 6km. Các di tích nổi bật nhất là Đồi Him Lam, nơi diễn ra trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13/3/1954; đồi Độc Lập, nơi diễn ra trận đánh ác liệt chiếm cứ điểm ngày 15/3/1954. Các đồi C, D, E cũng là nơi quân đội Việt Nam và quân đội viễn chinh Pháp giành giật nhau từng tấc đất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Trong quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ còn có Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1- biểu tượng cho tinh thần quyết chiến và quyết thắng của quân và dân Việt Nam, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ - nơi lưu giữ, trưng bày hơn 500 hiện vật, tranh, ảnh tư liệu… liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ và toàn bộ cuộc chiến đấu đầy hi sinh, gian khổ của quân và dân Việt Nam để có chiến thắng 7-5-1945, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. 

 

Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Điện biên, cho biết: “Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết một câu rất hay: Điện biên phủ là một trong những di tích tầm cỡ quốc gia quan trọng vào bậc nhất, có ý nghĩa quốc tế to lớn. Gìn giữ, tôn tạo Điện biên phủ để di tích lịch sử này tồn tại mãi với non sông đất nước là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống anh hùng và nghị lực sáng tạo của các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Ý nghĩa của các di tích lịch sử ở Điện biên phủ đã được vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam  khẳng định rất rõ ràng như vậy.


Điện Biên, miền đất của di tích lịch sử - ảnh 2

Trên di tích đồi A1

Điểm nhấn quan trọng trong quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ phải kể đến Đồi A1, di tích quan trọng nhất trong dãy đồi phía đông bảo vệ Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nơi từng diễn ra những đánh ác liệt nhất, kéo dài nhất, có tính chất quyết định cho toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây có Hầm chỉ huy của tướng De Castries, nơi mà toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cùng vị tướng người Pháp phải ra hàng, chịu thua trận trước đội quân chủ lực của Đại tướng trẻ tuổi Võ Nguyên Giáp. Vị trí hầm, hình dáng, kích thước, cấu tạo của hầm chỉ huy De Castries… hiện nay đã được tôn tạo, trùng tu bằng những vật liệu bền vững với thời gian nhưng vẫn được giữ nguyên hiện trạng ban đầu.

 

Ở khu vực này, Sân bay Mường Thanh và cứ điểm 206 nằm ở vị trí trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa, nay đã được cải tạo, nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế Điện Biên Phủ. Dù vậy, những dấu tích của một thời bom đạn như đường hầm, khối bộc phá ngàn cân, ngôi mộ tập thể, chiếc xe tăng… sẽ vẫn còn đây, sẽ mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước. Bà Lê Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị trực tiếp quản lý các di tích lịch sử Điện Biên Phủ, nhấn mạnh: “Chiến thắng lịch sử Điện biên phủ có một tiếng vang rất lớn đã được khẳng định. Về mặt giáo dục, các di tích này chứa đựng những giá trị rất lớn cho các thế hệ sau này về tinh thần đấu tranh cũng như sự hy sinh của nhân dân cả nước để có chiến thắng Điện Biên Phủ”.


Điện Biên, miền đất của di tích lịch sử - ảnh 3 

Trong quần thể di tích lịch sử Điện biên phủ còn có cụm di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện biên phủ ở xã Mường Phăng, cách thành phố Ðiện Biên Phủ gần 40km. Khu vực này có một hệ thống liên hoàn những lán làm việc của các cơ quan Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong đó có lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Công trình vĩ đại nhất tại Mường Phăng chính là đường hầm nối hai lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Đường hầm dài 69m, đào xuyên qua đồi để tránh bom và đạn, pháo. Những bậc tam cấp dẫn lên miệng hầm (cũng là lán của Đại tướng) nay đã phủ rêu phong của thời gian nhưng vẫn còn đó bóng dáng của người chỉ huy tài ba, lỗi lạc một thời. Ngoài ra, còn phải nhắc đến cụm tượng đài công viên chiến thắng Mường Phăng; di tích đường kéo pháo và trận địa pháo của bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ... những di tích mới được phục dựng nhằm tái hiện một Điện Biên hào hùng năm xưa.

 

Ông Nguyễn Văn Năm cho biết thêm: “Để phát huy giá trị các di tích này thì tỉnh Điện biên phải làm rất nhiều việc, trong đó tăng cường đầu tư tôn tạo, cố gắng để mỗi di tích là một điểm đến của các du khách trong và ngoài nước, trong đó cố gắng gìn giữ tính nguyên trạng để giáo dục truyền thống cho các  thế hệ con cháu chúng ta sau này. Chúng tôi cũng cố gắng đầu tư tôn tạo di tích để trở thành những điểm đến, trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng của Điện Biên.

 

Ngoài các nghĩa trang liệt sĩ như A1, Độc Lập, Him Lam, Tông Khao … hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ được tìm thấy ở lòng chảo Điện Biên Phủ mỗi năm, tiếp tục được quy tập trong khu di tích, minh chứng cho sự hi sinh của quân và dân VN trong chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 7-5-1954, khiến mỗi người Việt Nam và du khách quốc tế không khỏi xúc động khi có dịp đặt chân lên mảnh đất huyền thoại này./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu