Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dòng chảy lịch sử dân tộc

Chia sẻ
(VOV5) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vị tướng tài của nhân loại thế kỷ XX. Cuộc đời ông gắn liền với cuộc trường chinh giải phóng dân tộc.

(VOV5) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vị tướng tài của nhân loại thế kỷ XX. Cuộc đời ông gắn liền với cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, công lao to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập đã khiến tên tuổi của ông mãi in đậm trong lịch sử của dân tộc Việt Nam và ghi dấu ấn trong lịch sử nhân loại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dòng chảy lịch sử dân tộc - ảnh 1

Trong đời cầm quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt đội quân cách mạng, khởi đầu là 34 chiến sỹ trong đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với súng kíp, chân đất lớn lên thành đội quân thiện chiến, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1954 và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là những ví dụ điển hình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công rất lớn, góp phần xứng đáng vào việc hình thành một học thuyết quân sự độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh để chiến thắng những đội quân hiện đại, đó là đường lối chiến tranh nhân dân.


Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, cho biết: “Đây là vị đại tướng có cuộc đời gắn với quân đội dài nhất và cũng là vị tướng được toàn quân tôn vinh là người anh cả của quân đội. Nghĩ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nghĩ đến một người cầm quân, một nhà quân sự xuất chúng có bề dày thành tích đánh thắng các thế lực thực dân đế quốc xâm lược lớn của thế giới trong thế kỉ 20. Chính vì thế, có sử gia nước ngoài đánh giá Võ Nguyên Giáp là một trong những con người góp phần định hình nên thế giới hiện đại của Việt Nam và của cả thế giới”.


Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trận này quan trọng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, Đại tướng, Tổng tư lệnh, Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm binh của ông. Đó là chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Chiến thắng vang dội của quân dân Việt Nam sau đó đã minh chứng cho tài năng  trí tuệ, nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam.


Thiếu tướng Dũng Chi, cựu binh chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại: “Lúc đó tôi là Tiểu đoàn trưởng, tôi thấy cái giỏi nhất của Tướng Giáp là thay đổi chiến thuật. Lúc đó mình có biết gì đâu. Đến khi nhận được lệnh rút ra thật nhanh là quay đầu ra nhưng khi ấy vừa rút vừa bực mình. Về sau khi trinh sát đồi A1 lần thứ hai thì mới biết quyết định đánh chắc - tiến chắc và đào giao thông hào là đúng đắn, khiến địch không thể tiếp tế, không vận chuyển được thương binh. 2h30 chiều ngày 6/5/1954 khi chuẩn bị tổng tấn công kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi đi trong giao thông hào sâu 1,7 mét rất đàng hoàng, còn ngắm nghía mục tiêu sắp đánh rõ ràng. Lúc ấy quân sĩ chỉ biết nhìn nhau mà trầm trồ”.


Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi nhận trí tuệ của một tập thể tài năng, chói sáng ở thời điểm quyết định, với những quyết sách chiến lược chỉ đạo, điều hành, tổ chức tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc để chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng. Bằng tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo cấp cao chủ trương mở tuyến đường chi viện chiến lược trên dải Trường Sơn và tuyến đường vận tải trên biển. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã dành nhiều thời gian, công sức chỉ đạo mở đường, đưa đại quân, đại pháo, đại xa tiến về miền Nam.


Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kể lại: “Khi chiến tranh miền Nam ngày càng phát triển phải mở đường ô tô nhưng vận chuyển bằng đường ôtô trong điều kiện địch tăng cường không quân đánh phá có những chuyến đi bị thất bại nặng nề. Lúc đó mới phát sinh trở lại gùi, thồ. Bác Giáp khi đó là người quyết khắc phục khó khăn, mở đường Trường Sơn qua nước Lào để vận chuyển cơ giới nên nhờ đó đường Hồ Chí Minh trở thành đường ô tô rộng rãi, có những đoạn đi trong rừng gọi  là đường ống. Địch và máy bay không phát hiện được”.


Mệnh lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn nước rút của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược là nguồn cổ vũ, động viên quân và dân Việt Nam làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Bộ tư lệnh Trường Sơn, nhớ lại: Đại tướng đề ra khẩu hiệu đánh địch mà đi, mở đường mà tiến. Phải sử dụng lực lượng quân sự đánh địch đồng thời sử dụng lực lượng công binh, thanh niên xung phong mở đường: đường vòng, đường tránh, đường dọc, đường ngang tạo nên hệ thống đường mà kẻ địch gọi là trận đồ bát quái xuyên rừng rậm. Nhờ phương châm chỉ đạo đó mà Bộ đội thực hiện các chiến dịch hiệp đồng binh chủng để bảo vệ cho tuyến vận tải chiến lược và hệ thống đường xá được mở rộng”.


Ngoài tài thao lược quân sự, thì tính nhân văn trong phong cách cầm quân của đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến ông trở thành huyền thoại. Trước Tổ quốc, trước nhân dân, ông luôn tự hứa phải giành bằng được thắng lợi nhưng ông tâm niệm phải hạn chế thấp nhất sự hy sinh của chiến sỹ. Ông cũng thường đến tận các chiến trường để động viên cấp dưới. Đại tá, Tiến sĩ Vũ Tang Bồng, nguyên chủ nhiệm bộ môn lịch sử kháng chiến chống Pháp, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết: “Sự có mặt của người chỉ huy, đặc biệt là người chỉ huy cao nhất và đặc biệt nhất là sự xuất hiện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm, ý chí của cán bộ chiến sĩ. Riêng sự có mặt của ông ở một trận địa tên lửa đã góp phần nâng cao tinh thần, động viên cổ vũ kịp thời. Không phải chỉ có mặt bắt tay hờ hững rồi về mà ông đến chỉ đạo rất cụ thể”.


Nhiều người gọi ông là vị tướng tài giỏi của dân tộc nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ nhận mình là giọt nước trong biển cả. Ông từng nói rằng mọi chiến công có được là nhờ sự chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt ông từng bộc bạch rằng vị tướng vĩ đại nhất của Việt Nam là tướng nhân dân.


Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với những mốc vàng trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Chiến công và nhân cách của ông đã hoà vào dòng chảy lịch sử của dân tộc và sẽ mãi trường tồn ./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu