Từ một đô thị cấp huyện nhỏ bé, bây giờ diện tích không gian đô thị tăng gấp 4 lần, trở thành đô thị hiện đại bậc nhất miền Trung gắn với thương hiệu “thành phố đáng sống”.
Khu chung cư làng cá Đại Địa Bảo, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà là nơi chủ yếu bố trí tái định cư cho hộ dân “làng nhà chồ” bên bờ Đông sông Hàn. Giải tỏa nhà chồ ven sông Hàn, đưa dân lên bờ được xem là bước khởi đầu thành công trong cuộc cách mạng về chỉnh trang đô thị của thành phố Đà Nẵng vào những năm đầu chia tách. Đã 20 năm rời khỏi khu nhà chồ nhếch nhác, lên bờ tái định cư, những cư dân làng nhà chồ ngày đó giờ đã có một cuộc sống đổi đời.
Trong căn hộ khang trang, bà Nguyễn Thị Thân hồi tưởng về những ngày khi còn ở xóm nhà chồ không đường, không trường học, không điện, không nhà vệ sinh… Nhà nào cũng một bầy con nheo nhóc, con cái trên mười tuổi phải theo cha mẹ chài lưới trên sông không được học hành. Giờ đây, nhà chồ chỉ còn trong ký ức. Bà Nguyễn Thị Thân cho rằng, cuộc sống hôm nay là sự đổi thay hơn cả trong mơ. “Hồi trước khổ cực lắm. Nhà nước quan tâm, họ xây rồi cho vô ở luôn, cũng ổn định, con cái đi học cũng an toàn, chứ không phải như hồi trước đi trên bãi đá, sập lên, sập xuống. Giờ không lo sợ bão gió nữa, rất sướng!”, bà Thân phấn khởi.
Sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đô thị văn minh, hiện đại bậc nhất miền Trung. Với chủ trương đổi đất lấy hạ tầng, chỉnh trang đô thị, từ chỗ “quay lưng” với biển, Đà Nẵng đã hướng ra biển. Hơn 120.000 hộ dân giải tỏa nhường đất để mở rộng diện tích đô thị đã tăng lên gấp 4 lần.
Được ví là thành phố của những công trình, từ chỗ chỉ mỗi cây cầu Nguyễn Văn Trỗi có từ trước, đến nay thành phố Đà Nẵng có 9 cây cầu bắc qua sông Hàn. Mỗi cây cầu là một kiểu dáng khác nhau, tạo nên nét khác biệt của Đà Nẵng, trong đó cây cầu quay Sông Hàn, cầu Rồng phun lửa trở thành biểu tượng của Đà Nẵng. Chỉ cách nhau con sông Hàn, vùng đất quận 3 ngày nào vốn nghèo khó, lạc hậu, hoang sơ và cách trở, nay là quận Sơn Trà với những tòa nhà cao tầng, các khu du lịch, nghĩ dưỡng đẳng cấp 5 sao dọc biển Đà Nẵng, một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Nhìn lại thành tựu 25 năm sau ngày tách tỉnh, Đà Nẵng đạt được những con số ấn tượng: GRDP tăng 8 lần, đóng góp thu ngân sách tăng 23 lần, khách du lịch đến tăng gần 55 lần... 25 năm qua, với vị thế độc lập của thành phố trực thuộc Trung ương và vai trò trung tâm phát triển vùng, thành phố Đà Nẵng vươn mình mạnh mẽ, làm một cuộc “đổi đời” đúng nghĩa.
Phó Giáo sư- Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 khẳng định, thành tích ấn tượng này không nhiều địa phương đạt được; kết quả này là nhờ Đà Nẵng đã nhận diện đúng xu hướng thời đại (thị trường- mở cửa- hội nhập quốc tế) và lợi thế tự nhiên tạo thành sức mạnh cộng hưởng mới.
“Điểm cốt lõi của quá trình phát triển của Đà Nẵng là xu thế hiện đại hóa và thay đổi đẳng cấp phát triển. Các cuộc họp bàn về phát triển của Đà Nẵng bao giờ cũng chỉ nhấn mạnh có 2 từ, khác biệt và đẳng cấp. Cho đến bây giờ, Đà Nẵng vẫn giữ được bản sắc ấy. Thành tích 25 năm phát triển của Đà Nẵng là tạo ra sự khác biệt về tầm và thế, tức là tiến vượt về đẳng cấp; thể hiện qua những mục tiêu và nỗ lực làm bằng được. Bài học này cực kỳ lớn, Đà Nẵng phải luôn luôn giữ vững tinh thần tiến vượt về đẳng cấp”, PGS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Nhìn lại chặng đường phát triển 25 năm qua, sự phát triển của Đà Nẵng là ấn tượng. Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá nhanh chóng và không đồng bộ tại một số khu vực đã dẫn đến cấu trúc đô thị bị biến dạng, mất cân đối.
Phương pháp quy hoạch “chia lô”, đã dẫn đến những không gian giống nhau ở khắp mọi nơi, không tạo được dấu ấn riêng. Tái cầu trúc đô thị theo hướng hiện đại trên cơ sở những mô hình phát triển đô thị tiên tiến phù hợp. Tổ chức đô thị tạo sự hòa nhập, tăng cường tính kết nối giữa các nhân tố tự nhiên và nhân tạo, giữa không gian kiến trúc và không gian xanh, giữa yếu tố lịch sử với yếu tố đương đại...
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, những bất cập, tồn tại, các vấn đề đặt ra trong công tác qui hoạch và phát triển đô thị của Đà Nẵng đã và đang được giải quyết thông qua Đồ án qui hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045: “Thành phố tiếp tục hoàn thiện các nhiệm vụ, giải pháp, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, đưa thành phố hướng tới là đô thị thông minh, năng đông, sáng tạo, đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Xây dựng thành phố trở thành đô thị lớn và thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực Châu Á, như yêu cầu của Bộ Chính trị Khóa XII đã đề ra”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định.