Biểu tượng văn hoá Việt, nơi điểm đầu Đông Bắc Tổ quốc

Lan Anh
Chia sẻ

(VOV5) - Đến và trải nghiệm không gian kiến trúc đình làng Trà Cổ. Ngôi đình nằm giữa làng thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh sng sững bao đời nay như một cột mốc khẳng định chủ quyền Văn Hóa của Việt Nam.

(VOV5) Rời mũi Sa Vĩ, nơi đặt nét vẽ đầu tiên của tấm bản đồ đất nước Việt Nam, mời quý thính giả cùng Lan Anh, phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam đến và trải nghiệm không gian kiến trúc đình làng Trà Cổ. Ngôi đình nằm giữa làng thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh sừng sững bao đời nay như một cột mốc khẳng định chủ quyền Văn Hóa của Việt Nam.

                   Nhấn để nghe âm thanh:

 

Lời giới thiệu của anh Trung cán bộ Ủy ban thành phố Móng Cái trên xe ô tô: Thời tiết ở đây cũng giống thời tiết chung của miền bắc thôi, cũng có 4 mùa nhưng thường thời tiết dịu hơn phía trong một chút vì gần biển. Biển mùa này mát dịu hơn, Mùa hè, khách du lịch ra có không khí gió biển cũng dễ chịu

Thời tiết chớm hè, cái nắng cũng dịu hơn khiến cho cảnh vật nơi đây thêm lung linh rực rỡ. Anh Trung, cán bộ của Uỷ ban thành phố Móng Cái, mở đầu cuộc hành trình về thăm đình Trà Cổ với chúng tôi bằng câu chuyện thời tiết như vậy. Chiếc xe 7 chỗ đưa chúng tôi lăn bánh trên con đường nhựa phẳng, sạch sẽ nối từ thành phố Móng Cái đến đình làng Trà Cổ dài hơn 10km chừng 15 phút đồng hồ.

Biểu tượng văn hoá Việt, nơi điểm đầu Đông Bắc Tổ quốc - ảnh 1
Đình Trà Cổ - Ảnh: internet

Ngôi đình Trà Cổ nằm giữa làng. Từ trục đường làng chính đi vào đình, qua vài ngôi nhà nhỏ của ngư dân Trà Cổ. Hình ảnh người dân cặm cụi ngồi gỡ cá trên những tấm lưới, thành quả sau một chuyến đi biển thấy cảm giác thật bình an. Khung cảnh ngôi đình Trà Cổ đang trong thời gian trùng tu nên còn khá ngổn ngang.

Ông Nguyễn Giao Tế, chủ tịch Hội người cao tuổi phường Trà Cổ, cho biết, ngôi đình Trà Cổ là nơi lưu giữ nhiều chứng tính lịch sử nên người dân ở đây muốn ngôi đình phải thật khang trang, vững chãi trong mọi thời đại. Bác Phạm Văn Đồng (nguyên thủ tướng chính phủ VNDCCH từ 1955-1976) lúc còn sống có lần ra đây nói rằng: đình Trà Cổ như anh lính biên phòng bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Cho nên phải giữ lấy đình là coi như là người giữ biên cương của Tổ quốc. Chính vì lẽ đó từ khi hoà bình lập lại ngôi đình đã 4 lần được tu sửa từ nhỏ cho tới nay làm mới lại nhưng vẫn theo hệ thống móng và chu vi như cũ. Các hệ thống hư hỏng thì làm lại nhưng cái gì còn nguyên dù là một mẩu nhỏ cũng phải giữ lại.

Biểu tượng văn hoá Việt, nơi điểm đầu Đông Bắc Tổ quốc - ảnh 2
Khai hội đình Trà Cổ - Ảnh: internet

Theo lời giới thiệu của ông Nguyên Giao Tế, đình Trà Cổ xây dựng tại vùng biên giới giáp với Trung Quốc nhưng đình Trà Cổ hoàn toàn mang phong cách kiến trúc Việt Nam, mang đậm chất văn hóa của người Việt, không hề lai căng pha tạp đồng hóa với kiến trúc Trung Hoa, điều này càng khẳng định rằng cha ông ta ngày xưa đã rất coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc: Đình Trà Cổ là một trong những ngôi đình văn hoá thuần việt sánh cùng với các đình cổ lâu năm của Việt Nam. Cũng là một trong những ngôi đình được xếp hạng cổ nhất của Việt Nam trong thế kỷ 16. Phong tục cúng lễ, thờ thần hoàn toàn Việt Nam. Đồ thờ tự cũng theo phong cách của ngôi đình Việt Nam. Năm 1979, ngôi đình này khi xẩy ra chiến tranh biên giới,nhân dân đã cho sơ tán toàn bộ đồ thờ để bảo vệ. Từ năm 1979-1992, bộ Tế khí này được đưa sang Italia dự triển lãm. Đó là chứng minh là đồ thờ thuần Việt.

Ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc đình làng biển này gây ấn tượng bởi nghệ thuật chạm khắc công phu, tinh xảo. Đình được xây dựng trên diện tích 400m2. Bộ khung mái làm bằng gỗ quý chạm khắc tinh tế. Bốn đầu đao uốn cong gắn hình rồng, những đầu bẩy lực lưỡng chạm rồng đỡ mái hiên làm cho ngôi đình trông bề thế, đồ sộ. Hoa văn trang trí ở đây tinh tế với các chủ đề như Tứ Linh, lưỡng long chầu nguyệt, cá chép hóa rồng, hổ phù, hoa văn, mây xoắn… Bên cạnh những bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng rực rỡ, điểm đặc biệt ở ngôi đình này là bộ cửa võng lớn chạm tiên cưỡi rồng vượt biển.

Biểu tượng văn hoá Việt, nơi điểm đầu Đông Bắc Tổ quốc - ảnh 3
Mái đình làng biển - Ảnh: internet

Mặt bằng đình theo kiểu chữ Đinh, tiền đường gồm 5 gian, 2 trái, hậu cung có 3 gian. Mái đình hơi võng, lợp ngói mũi giống như những ngôi đình của các làng quê đồng bằng sông Hồng.Đình thờ 6 vị Thành hoàng làng đã có công lập nên xã Trà Cổ xưa. Ông Nguyễn Văn Hưu, thủ từ trông đình làng Trà Cổ, giới thiệu: Các cụ nói lại là là từ Hải Phòng, chuyển về đây 12 ông đến đây lập cư ở đất Trà Cổ nhưng sau có 6 ông về lại quê. Các ông để lại mấy câu: ở đây ăn bổng lộc gì/ lộc sung thì chát, lộc si thì già.

Trải qua bao biến cố lịch sử, ngôi đình như một cột mốc văn hoá lịch sử, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Ông Vũ Đình Đổng, người dân ở Trà Cổ cho biết: Ngôi đình này tâm linhđể nhớ ơn tổ tiên đã khai phá ra mảnh đất này và đây còn là cột mốc, chủ quyền VN là ở đây, đây là nhân chứng, vật chứng không thể chối cãi được. Bản đồ VN chấm nét vẽ đầu tiên từ đây. Đây là mốc son được nhà nước, nhân dân công nhận để thế giới thấy đây là lịch sử.

Người dân Trà Cổ đang mong chờ ngày ngôi đình được sang sửa hoàn thiện. Và chính mái đình làng biển Trà Cổ đem lại cảm hứng cho nhạc sỹ Nguyễn Cường sáng tác ca khúc: Mái đình làng biển. Ngoài kia sóng biển vẫn vỗ nhịp nhàng như người bạn đồng hành chứng kiến sự trường tồn của ngôi đình làng biển Trà Cổ./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu