Khu phố cổ Hà Nội là một phức hợp di sản, gồm trên 100 di tích các loại, hàng ngàn ngôi nhà cũ, nhà cổ có giá trị kiến trúc. Năm 2004, khu phố cổ Hà Nội được công nhận là di tích quốc gia, từ thời điểm này, công tác nghiên cứu, đầu tư, tìm giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị được triển khai đồng bộ, bài bản hơn.
Di tích quốc gia Đền Bạch Mã ở khu phố cổ Hà Nội - Ảnh: Ngọc Anh
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 82 ha nằm ở phía Bắc quận Hoàn Kiếm. Khu phố cổ được ví như một “viên ngọc quý” trong kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của Thủ đô.
Tính đến nay, khu phố cổ chứa đựng kho tàng giá trị vật thể với 121 di tích (bao gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng, 8 di tích khác) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am…Thời gian gần đây, quận Hoàn Kiếm đã trùng tu được hơn 20 công trình, di tích như: đền Bạch Mã, đền Quan Đế, Trung tâm thông tin di sản phố cổ Hà Nội, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, đình Kim Ngân, đình Yên Thái, chùa Lý triều quốc sư, hội quán Phúc Kiến, hội quán Quảng Đông…
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban quản lý khu phố cổ Hà Nội, cho biết: “Đến nay, khu phố cổ Hà Nội đã có 25 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, gồm: đình Kim Ngân, đình Tú Thị, đình Đồng Lạc, đền Quan Đế… Ðối với công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội xây dựng đề án "Nghiên cứu, tổ chức lễ hội truyền thống trong Khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm". Qua đó, bảo tồn, khôi phục 14 lễ hội. Các lễ hội được khôi phục thu hút đông đảo người dân tham gia, gắn với các ngày lễ lớn như: Lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội đình Yên Thái, đình Kim Ngân, lễ hội Trung thu Phố cổ... Ngoài ra, còn tổ chức chợ hoa Tết ở phố hàng Lược, hoạt động văn hóa đường phố, biểu diễn ca trù ở các điểm di tích”.
Khu phố cổ Hà Nội là nơi lưu giữ hồn cốt của văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ xưa. Khu phố cổ Hà Nội là một di sản đô thị có kiến trúc độc đáo với các phố nghề truyền thống, cùng các di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc phong phú, đa dạng, hội tụ tinh hoa ẩm thực Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ du lịch hấp dẫn của Thủ đô.
Di tích quốc gia Đền Quan Đế ở khu phố cổ Hà Nội - Ảnh: Ngọc Anh
|
Để bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội, việc làm đầu tiên là quy hoạch khu phố cổ Hà Nội thành khu phố du lịch đặc thù, độc đáo, bổ sung thêm không gian công cộng, không gian ngầm. Ðối với mỗi đường phố, chọn những vị trí điểm nhấn, trang trọng đặt bảng hiệu giới thiệu ngắn gọn lịch sử của phố, nhằm cung cấp các thông tin cơ bản cho người dân và du khách. Làm sinh động hơn tuyến phố đi bộ Hàng Ðào, Hàng Ngang, Ðồng Xuân bằng việc kết hợp các hoạt động buôn bán vào ban đêm với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật vào các thời gian khác nhau trong ngày. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, cho rằng: “Đề nghị kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể hiện có tại khu phố cổ, ví dụ như thần tích, sắc phong, văn bia, đền, đình, chùa… dịch thuật và công bố rộng rãi cho nhân dân biết, nhất là đối với khách du lịch. Đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa khu phố, thành lập bảo tàng thủ công mỹ nghệ ở khu phố cổ”.
Ban quản lý khu di tích khu phố cổ Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng kho dữ liệu 3D cho tất cả những di sản quan trọng. Ðây là việc làm cấp thiết, bởi với tốc độ bảo tồn như hiện nay, nếu không số hóa sớm thì không còn tài liệu gốc để có thể tu bổ, tôn tạo. Trên cơ sở rà rà soát, đánh giá tổng thể khu di tích phố cổ Hà Nội, có thể nâng cấp giá trị khu di tích này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ðặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết: “Khu phố cổ là loại tài nguyên du lịch có giá trị cao, hấp dẫn. Xét về tiêu chí di tích quốc gia đặc biệt tôi nghĩ khu phố cổ Hà Nội hoàn toàn xứng đáng. Tiếp đó, có thể kết nối phố cổ với Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, bởi phố cổ là một bộ phận cấu thành của kinh thành Thăng Long xưa, để đề nghị Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Hoàng thành Thăng Long lần hai, gắn với khu phố cổ Hà Nội. Thành phố Hà Nội cũng như quận Hoàn Kiếm xem xét thành lập một Ban đại diện cộng đồng tại khu phố cổ. Ban đại diện này sẽ đại diện cho tiếng nói của người dân, là cánh tay phải hỗ trợ đắc lực cho Ban quản lý phố cổ Hà Nội”.
Khu phố cổ Hà Nội với giá trị to lớn của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã góp phần tạo nên dấu ấn “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”. Thời gian tới, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tiếp tục khôi phục các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân và đa dạng hóa các loại hình văn hóa nghệ thuật để khu phố cổ Hà Nội trở thành Trung tâm văn hóa của cả nước, tiến tới làm hồ sơ trình Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh khu phố cổ Hà Nội.