Ban mai ở Thành Cổ Quảng Trị

Hoài Nam
Chia sẻ
(VOV5) - 40 năm trước, thị xã Quảng Trị đẹp như một bức tranh thủy mặc, thế nhưng đã phải gồng mình hứng chịu hàng nghìn  tấn bom đạn của quân đội Mỹ trút xuống tàn phá. Hàng vạn chiến sỹ giải phóng quân ngã xuống để giữ từng tấc đất Thành Cổ, góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 và Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đất thiêng Thành Cổ ngày nay trở thành chứng tích của thời gian, minh chứng hùng hồn cho sự trường tồn và ý chí vươn lên của vùng đất một thời máu lửa.

Ban mai ở Thành Cổ Quảng Trị - ảnh 1


(VOV5) - 40 năm trước, thị xã Quảng Trị đẹp như một bức tranh thủy mặc, thế nhưng đã phải gồng mình hứng chịu hàng nghìn  tấn bom đạn của quân đội Mỹ trút xuống tàn phá. Hàng vạn chiến sỹ giải phóng quân ngã xuống để giữ từng tấc đất Thành Cổ, góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 và Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đất thiêng Thành Cổ ngày nay trở thành chứng tích của thời gian, minh chứng hùng hồn cho sự trường tồn và ý chí vươn lên của vùng đất một thời máu lửa.

Nghe âm thanh:


“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào”…

Đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi nhớ đến những câu thơ cảm động. Đó là những dòng thơ biết ơn đồng đội của tác giả Phạm Đình Lân trong bài thơ “Tấc đất Cổ Thành”.

Buổi sáng Tháng Tư, khi những ngọn cỏ non trong Thành Cổ còn ướt đẫm sương mai, từng đoàn người đã lặng lẽ thắp nén tâm hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Trong đoàn người có nhiều cựu chiến binh Sư đoàn 308 năm xưa. Họ lặng im cúi đầu, nhiều người đưa tay gạt nước mắt khi thấy lại kỷ vật của một thời hào hùng như cuốn nhật ký, chiếc ba lô, bình tông nước...của đồng đội. Ký ức về mùa hè đỏ lửa trong cuộc sinh tử 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị ùa về như một khúc ca bi tráng. Đó là cuộc chiến khốc liệt giữa một bên là vũ khí tối tân của đế quốc Mỹ và một bên là lòng quả cảm, bất khuất của cả dân tộc Việt Nam anh hùng. Theo ước tính, lượng bom đạn đế quốc Mỹ dội xuống thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm năm 1972 tương đương với 7 quả bom nguyên tử. Thế nhưng, quân và dân nơi đây vẫn bám trụ kiên cường, gan dạ chiến đấu, giữ vững trận địa. Cựu chiến binh Võ Văn Thiệu, Nguyên chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 188, Sư đoàn 308, không bao giờ quên những tháng ngày sống giữa làn mưa bom bão đạn. Ông tâm sự: “Sau 40 năm giải phóng Quảng Trị, trở lại chiến trường xưa, những năm tháng gian khổ hy sinh  ác liệt không thể phai mờ trong tôi”.

Ban mai ở Thành Cổ Quảng Trị - ảnh 2

Thành cổ ban mai thật yên bình. Ai đến đây cũng không cầm được nước mắt khi nghe lại những câu chuyện quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hướng dẫn viên Cáp Thị Thiên Trang với giọng trầm buồn, truyền cảm đưa vào lòng người khúc tráng ca Thành Cổ được viết từ máu xương của các anh hùng liệt sĩ. Chuyện về người thiếu phụ Nguyễn Thị Xơ, quê ở tỉnh Thái Bình 40 năm thờ chồng là liệt sĩ Lê Văn Huỳnh trong nỗi cô đơn. Đọc lại bức thư đầy thương mến của vợ liệt sĩ Lê Binh Chủng gửi cho chồng với những dòng chữ: “Anh thương yêu!.. Đã lâu rồi không thấy anh biên thư, con đã bỏ bú, đã ăn được cơm cá nên khỏe hơn trước nhiều anh ạ. Máy bay oanh tạc thường xuyên nên lúc nào cũng phải ngủ hầm”;   

Chị Nguyễn Thị Hạnh, quê ở thành phố Hải Phòng, lần đầu tiên đến Thành Cổ có cảm nhận rất đặc biệt. Rằng những người lính trẻ năm xưa đang trong giấc ngủ miên trường. Các anh không chết, hồn các anh vẫn đang đùa vui, làm bạn với chim muông, cây cỏ. Chị Hạnh nghẹn ngào:“Một lần ước ao được vào trong này mà vào đây, nhìn tất cả những ngọn cây, cành cỏ đều thấy những chiến sĩ đang ở đó cho nên mình rất là xúc động, xúc động nói không nên lời. Rất là cảm ơn những chiến sĩ, những liệt sĩ  hi sinh cho đất nước mình có được như ngày hôm nay”.

Thành cổ Quảng Trị khác với Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn hay bất cứ nghĩa trang nào trên đất nước Việt Nam, mọi người về Thành cổ chỉ dâng hương tại Đài tưởng niệm và thăm viếng Nhà bảo tàng, nơi chỉ trưng bày những kỷ vật thời chiến và không hề có một nấm mồ nào. Bởi các anh ra đi khi tuổi đời chỉ 18, đôi mươi. Máu, xương của các anh đã thấm vào từng tấc đất, từng cành cây ngọn cỏ. Đài tưởng niệm với cây đèn cao 8 mét mốt tượng trưng cho 81 ngày đêm rực lửa như nhắc nhớ hàng nghìn chiến sĩ giải phóng quân đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất thiêng này./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu