Đoàn kết để cùng xây dựng đất nước

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việc tinh thần đại đoàn kết được phát huy sẽ giúp Việt Nam vượt qua khó khăn để gặp hái thành công, chinh phục những mục tiêu phát triển trong thời gian tới.

Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của đất nước, trong bất kỳ thành tựu nào cũng hiện hữu tinh thần đoàn kết của công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo…Họ hưởng ứng những chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước, cùng hướng tới mục tiêu chung: đưa đất nước ngày càng phát triển.

 Đoàn kết để cùng xây dựng đất nước - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn:  dangcongsan.vn

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, luôn được toả sáng, phát huy trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ.

Cùng phấn đấu vì sự phát triển của đất nước

Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn. Đây là cơ hội cần nắm lấy để thu hẹp khoảng cách phát triển với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh những người công nhân tập trung nâng cao kỹ năng nghề, làm quen với dây chuyền sản xuất hiện đại; có khả năng sáng tạo khoa học -  công nghệ trong một số ngành, như: dầu khí, hàng không, điện tử - tin học, bưu chính - viễn thông…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân đã có những chuyển biến quan trọng về tư duy sản xuất, kinh doanh; chủ động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại. Đội ngũ trí thức tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong nhiều ngành và lĩnh vực, một bộ phận trí thức đạt trình độ ngang tầm với trình độ của trí thức các nước phát triển. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam trở thành lực lượng năng động hơn, có hoài bão, tiếp cận nhanh với tri thức của thời đại. Đội ngũ doanh nhân ngày một đông đảo, tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu, tiên phong trong đổi mới, tạo thêm nhiều việc làm.

Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng cộng đồng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp. Đồng bào các tôn giáo tích cực đồng hành cùng dân tộc; các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo đã và đang được phát huy hiệu quả. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc, củng cố niềm tin, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trở thành một trong những nguồn lực phát triển đất nước.

Không chỉ làm tốt vai trò của mình, các tầng lớp nhân dân còn tích cực hưởng ứng các phong trào do các cơ quan chức năng phát động, như: xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hoạt động an sinh xã hội….Tất cả đều vì mong muốn đất nước ngày càng phát triển hơn.

Tinh thần đoàn kết chính là sức mạnh lớn nhất của người Việt Nam

Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm thực hiện tốt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là “phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu đó cũng chính là đích đến quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại Hội nghị TW 8, khóa XIII mới đây (tháng 10/2023), Trung ương cũng kết luận rằng, trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Việt Nam sẽ hoàn thiện luật pháp, chính sách sát hợp với tình hình mới, góp phần phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của tất cả các tầng lớp nhân dân, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân tộc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam cũng tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng sáng tạo, thực sự đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, phục vụ cho việc phát triển đất nước; tổ chức thật tốt, thiết thực, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước...

Tinh thần đoàn kết chính là sức mạnh lớn nhất của người Việt Nam. Thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của dân tộc đang rất lớn, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Việc tinh thần đại đoàn kết được phát huy sẽ giúp Việt Nam vượt qua khó khăn để gặp hái thành công, chinh phục những mục tiêu phát triển trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu