Rừng trong đô thị, đô thị trong rừng giúp điều hòa môi trường sinh thái và giúp thành phố lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của thành phố 120 năm tuổi.
Năm 1914, Leopold Sabatier (Pháp) về nhận chức Công sứ ở Đắk Lắk đã cho xây dựng Toà đại lý Quận trưởng, nay là di tích lịch sử - văn hoá số 04 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại), thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Công sứ Leopold Sabatier đã cho trồng nhiều loại cây xanh trong khuôn viên như bằng lăng, sao đen... Đặc biệt là cây long não (trong ảnh) đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Cây có đường kính khoảng 2,5m, cao hơn 30m.
Rừng cây cổ thụ giữa trung tâm thành phố hàng ngày được chăm sóc kỹ càng bởi công nhân Công ty đô thị môi trường Đắk Lắk, nhận biết từng dấu hiệu bất thường và xử lý kịp thời để bảo vệ cây cũng như tránh nguy hiểm cho khách tham quan.
Cũng được trồng từ trăm năm trước, hàng cây sao đen trên đường Đam San, đường vào Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, là chứng tích lịch sử 120 năm hình thành, phát triển tỉnh Đắk Lắk và đô thị Buôn Ma Thuột.
Bộ GTVT đang thuê tư vấn làm quy hoạch mở rộng sân bay Buôn Ma Thuột. Yêu cầu tiên quyết của tỉnh Đắk Lắk là phải giữ bằng được hàng cây cổ thụ có giá trị lịch sử và văn hoá này.
Ngay cửa ngõ phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, hai bên đường Nguyễn Lương Bằng (Quốc lộ 27, xã Hoà Thắng) là khu rừng trồng từ những năm 1940-1945.
Khu rừng rộng hơn 71ha, gồm các loại cây như sao đen, tếch, thông, cà te... mục đích ban đầu là trồng thực nghiệm.
Cùng với các cánh rừng trăm năm tuổi, tại thành phố Buôn Ma Thuột còn có những "lá phổi xanh" hàng chục năm tuổi như Lâm viên Buôn Ma Thuột (phường Tân An), rừng thông 19/5 (phường Ea Tam) và hàng loạt công viên cây xanh
Màu xanh của thành phố càng thêm tỏa rộng, phủ dày, đẹp và tinh tế nhờ những công nhân lành nghề và tận tâm.
Rừng trong đô thị, đô thị trong rừng giúp điều hòa môi trường sinh thái và giúp thành phố Buôn Ma Thuột lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc.