(VOV5)- Triển lãm “Việt Nam những năm 80” của nhà báo Pháp Michel Blanchard đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và du khách.
|
Một bức ảnh tại triển lãm |
Gần 60 bức ảnh như một cuốn phim phản chiếu nhiều mặt cuộc sống của người dân Việt Nam gần 40 năm trước đây mang lại nhiều cảm xúc khác nhau cho người xem về một thời gian khó, nhưng rất đỗi tự hào của đất nước- con người Việt Nam.
“Tất cả những ký ức của thời xa xưa lúc còn trẻ, mọi cái cứ ùa về. Mình không phải là con người bây giờ nữa mà đang sống lại thời ngày xưa. Tất cả những hình ảnh như tàu điện, quầy hàng ở chợ Đồng Xuân hoặc là hồ Thiền Quang ngày xưa, lúc bé tôi cũng thường xuyên ra đây.., những hình ảnh bây giờ cứ hiện hữu trong tôi, rất là xúc động.”
“Tôi thấy triển lãm này rất là gần gũi đối với người dân Hà Nội. Những người sinh sau những năm 1980 chúng tôi có dịp nhìn lại rõ hơn về những nét văn hóa từ trang phục đến kiến trúc mà còn lưu lại tại Hà Nội cách đây gần 40 năm. Tôi nghĩ những năm gần đây, giới trẻ Việt Nam quan tâm rất nhiều đến văn hóa và những nét đẹp trong quá khứ của người Việt mình. Đó là lý do mà triển lãm này thu hút được nhiều bạn trẻ đến thế.”
Xúc động và tự hào là cảm nhận của 2 vị khách nữ xem triển lãm và cũng là cảm nhận chung của người dân thủ đô Hà Nội khi tham quan triển lãm “Việt Nam những năm 80” của nhà báo Mi-xen Blăng- xác. Gần 60 bức ảnh trong triển lãm, mỗi bức ảnh là một góc nhìn riêng, ghi lại những hình ảnh chân thực về cảnh đẹp thiên nhiên, về đời sống thường ngày ở Việt Nam, nét cổ kính của phố cổ Hà Nội hay cảnh đẹp hoang sơ trên vịnh Hạ Long, Chùa Thầy; hình ảnh nông dân làm đồng hoặc chợ hoa đường Nguyễn Huệ ở thành phố Hồ Chí Minh… Trong đó, những bức ảnh người Hà Nội đi sắm Tết và những nét đặc trưng văn hóa Tết của người Sài Gòn xưa đã mang đến cho công chúng một ấn tượng và cảm xúc đặc biệt.
Michel Blanchard sinh năm 1949 là phóng viên của hãng Thông tấn AFP Pháp từ năm 1976 đến năm 2006, Giám đốc văn phòng AFP tại Hà Nội từ năm 1981 đến năm 1983. Trong hàng nghìn bức ảnh tư liệu về Việt Nam, tại triển lãm này, ông muốn gửi đến người dân Việt Nam những hình ảnh đời thường nhất. Việt Nam bây giờ so với gần 40 năm về trước đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, nhưng ông không thể quên một Hà Nội, một Việt Nam yên bình, cũ kỹ của những năm 1980. Ở đó, dù đời sống còn vất vả, thiếu thốn sau chiến tranh nhưng trên khuôn mặt của người dân Việt Nam vẫn luôn ánh lên nụ cười của hạnh phúc, của tự do. Phát biểu tại triển lãm, Michel Blanchard bày tỏ: “Tôi thích chụp ảnh chân dung nhất, vì đó là những bức ảnh duy nhất, ghi lại nhưng khoảng khắc không thể chụp lại. Còn để chụp phong cảnh ta vẫn có thể đến địa điểm cần chụp và có thể chụp những bức ảnh giống như mọi ngày. Hơn nữa mỗi bức chân dung kể cho ta một câu chuyện và tôi vừa là nhà nhiếp ảnh vừa là một nhà sưu tập các câu chuyện.”
|
Michel hay thuê xe đạp đi khắp nơi ở Hà Nội vì thành phố đẹp, có nhiều hồ và công viên. Bức ảnh ghi lại một "tiệm nhiếp ảnh di động" trong công viên |
Trong thời gian sống và làm việc ở Việt Nam, những dịp rảnh rỗi, Blanchard thường dạo chơi bằng xe đạp để chụp ảnh phố phường Hà Nội. Ông cũng đã từng đi xuyên Việt từ Lạng Sơn đến thành phố Hồ Chí Minh để khám phá về đất nước và con người Việt Nam. Là một phóng viên nước ngoài, đối với ông phản ánh chân thực cuộc sống ở một đất nước là điều quan trọng. Chính vì thế, tất cả những bức ảnh của ông chụp về Việt Nam những năm 80 đều đẹp tự nhiên, mang đậm tính thời sự và ở đó, người xem không nhìn thấy sự khuôn mẫu, sắp đặt.
Sau nhiệm kỳ 3 năm công tác tại Việt Nam, phóng viên Michel Blanchard vẫn thường quay trở lại Việt Nam với vai trò hướng dẫn viên du lịch. Trong những chuyến đi này, ông đều tranh thủ thăm lại người dân và những con phố mà ông từng gắn bó. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách du lịch giới thiệu về cảnh đẹp đất nước và con người Việt Nam; tổ chức 2 triển lãm tại Nhà Đông Dương ở Paris giới thiệu Việt Nam với công chúng Pháp. Sắp tới, những bức ảnh của “Việt Nam- những năm 80” sẽ được trưng bày tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là cách để nhà báo người Pháp này bày tỏ tình yêu với đất nước và con người Việt Nam - nơi đã để lại cho ông những trải nghiệm tuyệt vời.