Vãn cảnh Chùa Keo dịp đầu Xuân

Sỹ Lam
Chia sẻ
(VOV5) - Từ thành phố Nam Định, qua cầu Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10 km là đến chùa Thần Quang hay còn gọi là chùa Keo, thuộc địa phận huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. 

(VOV5) - Từ thành phố Nam Định, qua cầu Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10 km là đến chùa Thần Quang hay còn gọi là chùa Keo, thuộc địa phận huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng không một bóng núi non, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa cánh đồng lúa bát ngát. 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 Được xây dựng từ năm 1067 vào thời nhà Lý. Chùa Keo là một công trình kiến trúc quy mô, đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ. Chùa không chỉ là một bức tranh sinh động cho lịch sử văn hóa Việt Nam mà còn là nơi gặp gỡ giữa kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc Việt Nam. Khi đến chùa, ta thấy một không gian khép kín nhưng không hề bị chật hẹp, tù túng mà bao trùm một vẻ đẹp vươn tỏa. Bí quyết là ở chỗ kiến trúc chùa Keo đã mạnh dạn sử dụng mặt nước rộng ở cả 3 mặt trước và hai bên để thế chùa vừa mở rộng, vừa vươn cao trong ảo giác để hình bóng dáng chùa lẩn dần vào chiều sâu mặt nước, khiến cái ranh giới cụ thể được xóa mờ với cảm giác trong tâm tưởng muốn vươn tới chốn thiền, như một nhà thơ về thăm chùa đã viết:

"Rõ là cảnh đấy, người đây

Chùa Keo ơi nước non nào nên duyên"

Qua tam quan, đi tiếp vào chùa, gặp ở hai bên 24 gian hành lang là khách hành hương sắm lễ vào Chùa lễ Phật và lễ Thánh. Bà Phạm Thị Thoa, du khách từ tỉnh Hòa Bình nói: Chúng tôi đi lễ thập phưong nhiều nhưng về đây thấy chùa rất đẹp và yên tĩnh, xem những di tích ở trong chùa..Cái tâm linh của người già là cứ đi lễ đó, vào đọc nhưng di tích trong đó mới hiểu được rõ ràng..

Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao hơn 11 m, có 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Toàn bộ chùa Keo là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo. Cụ Tạ Quang Bỉnh, 93 tuổi- một người gắn bó hơn 50 năm với nghề viết sớ tại khuôn viên chùa cho biết: Từ thượng cổ hiếm có lắm, di tích này toàn gỗ lim, kiến thiết từ các cụ đời xưa, cổ kính, chùa chiền các nơi có to lớn hơn cũng không cổ kính bằng. Các cháu học sinh các lớp, các trường trong nước hiểu thêm về lịch sử dân tộc.

Vãn cảnh Chùa Keo dịp đầu Xuân - ảnh 1
Trò chơi thi nấu cơm tại hội chùa Keo Thái Bình - Ảnh: Báo Thanh Niên

Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo kể từ đầu thế kỷ 17, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật với nhiều kiệt tác đặc sắc. Đây cũng là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, người làng Keo rất tự hào với ngôi chùa vừa cổ kính, vừa nguy nga của làng mình. Bà Nguyễn Thị Tấm, người làng Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nói: Chùa Keo hàng năm đầu xuân có mở hội với nhiều trò chơi dân gian như thổi cơm thi, kéo lửa, chạy giải, bơi thuyền, bắt vịt…Giá trị của chùa Keo là lịch sử và kiến trúc. Như cánh cửa tam quan kia, hàng trăm con rồng được chạm trổ, nổi tiếng cả nước…

Tháng giêng âm lịch, nhân dân làng Keo xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng. Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 Âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm 100 ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa. Có câu ca dao về hội chùa Keo:

Dù cho cha đánh mẹ treo,

Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.

Vãn cảnh Chùa Keo dịp đầu Xuân - ảnh 2

Tại hội chùa Keo diễn ra trò chơi kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè và nấu cơm chay để mang cúng Thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa. Trong ngày hội, người ta còn tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trong chùa thì có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực, thật sinh động. Ông Đỗ Biên Thùy, phó Trưởng Ban quản lý Di tích chùa Keo cho biết: Chùa Keo là một công trình văn hóa điển hình của đồng bằng sông Hồng, văn hóa phi vật thể của chùa Keo rất phong phú, lễ hội được tổ chức theo truyền thống.  Kiến trúc của cùa là thượng gia hạ trì, bao bọc bởi hồ nước…

Trong số các ngôi chùa được công nhận là di tích văn hóa nghệ thuật cần được bảo vệ như một gia tài qúy báu thì Chùa Keo được xếp vào hàng ưu tiên. Chùa Keo chứa đựng những giá trị về nghệ thuật, văn hóa, về tâm đức lòng người. Chùa cũng là ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam và đã được Bộ Văn hóa công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu