Tương lai bền vững cho nền nông nghiệp hữu cơ

Tú Anh
Chia sẻ
 (VOV5) - Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam cần phải được mở rộng không chỉ để đảm bảo sản phẩm sạch phục vụ người dân mà còn nhằm hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững.

(VOV5) - Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam cần phải được mở rộng không chỉ để đảm bảo sản phẩm sạch phục vụ người dân mà còn nhằm hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Nông nghiệp hữu cơ được hình thành từ thập kỷ 70 và ngày càng phát triển mạnh. Theo đinh nghĩa của Liên Hợp Quốc, nông nghiệp hữu cơ là hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người và vật nuôi. Hiện nay nông nghiệp hữu cơ bắt đầu được quan tâm phát triển ở Việt Nam.

Tương lai bền vững cho nền nông nghiệp hữu cơ  - ảnh 1
Lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ

Nghe âm thanh tại đây:



Ở nước ta, từ năm 1995, đã có một số tổ chức trong nước và quốc tế cùng nông dân bắt đầu sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, phải đến khi những vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm đến mức báo động, nông nghiệp hữu cơ mới được chú trọng nghiên cứu. Giáo sư, tiến sĩ Phạm Thanh Hải, hiện là một nhà khoa học nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ chia sẻ về vai trò của sản phẩm hữu cơ trong đời sống hiện nay: "Tôi nghĩ là sản phẩm hữu cơ là một sản phẩm của tương lai, nó sẽ đảm bảo rất thân thiện với môi trường, không những cho người sản xuất mà đặc biệt cho người tiêu dùng. Vì lí do đơn giản sản phẩm hữu cơ không dùng hóa chất, nhất là những hóa chất độc hại liên quan đến sức khỏe của con người. Nó rất thân thiện với môi trường, và có thể nói rằng sản phẩm hữu cơ đã tồn tại rất lâu đời trong nền sản xuất của chúng ta. Chỉ có điều là trong giai đoạn tới chúng ta biết phát huy, bảo tổn những giá trị đích thực của sản xuất hữu cơ. Hiện nay xu hướng của các nước hiện đại, sản phẩm hữu cơ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong các loại thực phẩm khi cung cấp cho người dân"

Hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, mới chỉ thấy vai trò nổi trội của các doanh nghiệp và của các nhà đầu tư tư nhân. Các cơ quan nhà nước chưa thực sự vào cuộc nhằm có chính sách để bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chân chính. Cụ thể, vì lợi ích riêng mà rất nhiều cửa hàng treo biển bán thực phẩm hữu cơ nhưng thực chất không được sản xuất theo tiêu chuẩn này. Người tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt các sản phẩm này. Theo Ông Hà Phúc Mịch, chủ tịch Hiệp Hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chia sẻ, rất cần xây dựng bộ qui chuẩn chứng nhận các mặt hàng nông nghiệp hữu cơ "Cần phải có bộ qui chuẩn cấp quốc gia mà theo luật pháp Việt Nam, bấy lâu nay chúng ta đang vắng bóng một bộ tiêu chuẩn mà để sản xuất theo bộ qui chuẩn đó, chứng nhận theo tiêu chuẩn đó, người tiêu dùng sử dụng tiêu chuẩn đó để sản xuất sản phẩm hữu cơ. Chúng tôi mong muốn Bộ NN-PT-NT là người đề xuất ra xây dựng các cơ chế chính sách bộ tiêu chuẩn đó, và Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ quyết định công bố điều đó"

Cũng nói về trách nhiệm của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, ông Thân Dy Ngữ, giám đốc công ty đầu tư phát triển trồng chè sạch Tam Đường cho biết, đây là giai đoạn rất cần có sự quan tâm của Nhà nước, Bộ Nông nghiệp để nhân rộng vùng đất tiềm năng trong việc áp dụng nông nghiệp hữu cơ. "Chúng tôi vẫn muốn nhấn mạnh ý kiến, rất cần sự vào cuộc của chính quyền, của nhà nước đặc biệt là của ngành nông nghiệp, cụ thể Bộ nông nghiệp, các địa phương nơi mà chúng tôi đánh giá là có rất nhiều vùng có thể triển khai được ngay nền nông nghiệp hữu cơ vì họ đang dùng rất ít hóa chất"


Trong lúc chờ đợi một bộ qui chuẩn trong nước, thì những sản phẩm hữu cơ vẫn tồn tại trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư những khoản tiền lớn để mời các chuyên gia tư vấn của nước ngoài sản xuất sản phẩm hữu cơ đưa ra thị trường. Ông Nguyễn Đại Thắng, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Bảo Châu với trang trại chăn nuôi hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam kể về quá trình để một sản phẩm hữu cơ được chứng nhận: "Phải chọn các khâu từ giống, đến quá trình tiếp tục chăn nuôi, đến khâu chế biến, sơ chế đóng gói thậm chí chế biến sâu để đưa ra sản phẩm thì chúng tôi đã làm đầy đủ như thế, làm chọn các khâu để mình có thể khẳng định được, truy xét nguồn gốc, và như vậy để tạo ra được niềm tin của người tiêu dùng, ví dụ như tạo mã vạch, khi dùng điện thoại thông minh người ta có thể chụp có thể biết sản phẩm đó ở đây, và tiến tới nữa là nó được sản xuất như thế nào. Người tiêu dùng có niềm tin thì nền nông nghiệp hữu cơ mới phát triển bền vững được"

Tương lai bền vững cho nền nông nghiệp hữu cơ  - ảnh 2
Ông Nguyễn Đại Thắng, đại diện công ty Bảo Châu chia sẻ về kinh nghiệm trong chăn nuôi hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ là một nền nông nghiệp mang tính bền vững bởi không chỉ lợi ích cho người sử dụng mà còn cả lợi ích lâu dài cho môi trường và con người. Việt Nam đã bắt đầu phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Mô hình này cần phải được mở rộng không chỉ để đảm bảo sản phẩm sạch phục vụ người dân mà còn nhằm hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu