Tưng bừng các hoạt động Lễ hội đầu Xuân năm mới

Chia sẻ
(VOV5) -  Chương trình nghệ thuật Khai mạc Lễ hội Xuân xứ Lạng diễn ra sôi nổi với những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc.

(VOV5) -  Chương trình nghệ thuật Khai mạc Lễ hội Xuân xứ Lạng diễn ra sôi nổi với những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc.

Ngày 5/2 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại chùa Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, khai mạc Lễ hội Xuân xứ Lạng năm 2017 gắn với Lễ hội chùa Tân Thanh. Lễ khai mạc đã thu hút hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch tới tham dự. Chương trình nghệ thuật Khai mạc Lễ hội Xuân xứ Lạng diễn ra sôi nổi với những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc. Trong khuôn khổ Chương trình khai mạc Lễ hội Xuân xứ Lạng năm 2017 đã diễn ra các hoạt động như: Triển lãm Di sản văn hóa Xứ Lạng; giao lưu nghệ thuật quần chúng; các trò chơi dân gian như: ném còn, cờ tướng…

 

Tưng bừng các hoạt động Lễ hội đầu Xuân năm mới - ảnh 1
Khai hội Xuân Xứ Lạng. Ảnh: cand


Cùng ngày, tại di tích thắng cảnh quốc gia Động Tiên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, đã diễn ra Lễ hội Động Tiên và Chợ quê năm 2017. Đây là Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm với ước nguyện về một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc và quảng bá những nông sản truyền thống của địa phương. Tại Lễ hội Động Tiên và Chợ quê còn diễn các trò chơi dân gian, các cuộc thi trâu khỏe, trâu đẹp, trâu nhanh, thi múa khèn của dân tộc Mông; hát Páo dung của dân tộc Dao, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan, trưng bày và bán các sản vật của địa phương.

Tại chùa Khai Nguyên, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, ngày 5/2, khai mạc Lễ hội Xuân An lạc 2017. Đại đức Thích Đạo Thịnh, Trụ trì chùa Khai Nguyên, cho biết trong ngày khai hội, 10.000 người đã cùng nắm tay tham gia chương trình “Nụ cười an lạc” thể hiện thông điệp hòa bình, đoàn kết. Lần đầu tiên được tổ chức, Lễ hội Xuân An lạc 2017 nhằm lan tỏa lối sống lành mạnh thông qua hoạt động ăn chay vì hòa bình; gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; hướng tới một năm mới hạnh phúc, khỏe mạnh, bình an; thổi bùng ngọn lửa hiểu biết, thương yêu, gắn kết cộng đồng.

Ngày 6/2 (tức ngày Mồng 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu), Hội Xuân Yên Tử 2017 khai mạc tại chùa Trình, thuộc Khu di tích danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh). Lễ hội năm nay gồm các nghi lễ và phần hội phong phú, với nhiều trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng núi Bảo Đài Sơn gồm 6 tộc người thiểu số sinh sống. Danh thắng Yên Tử là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ 13. Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là địa danh ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt.

Cùng trong sáng nay, tại làng Sình xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, khai mạc Hội vật đầu xuân. Ông Nguyễn Văn Huệ, Hội đồng tộc trưởng làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang cho biết: “Hội vật làng Sình đã có lịch sử hơn 400 năm. Làng tổ chức hội vật trong những ngày đầu xuân theo lệ của làng và chỉ treo một giải thưởng dành cho người vô địch. Các đô vật thi nhau lên sới liên tục, người thắng thì tiếp tục đứng trên sới tiếp các đối thủ.Chúng tôi tổ chức Hội vật truyền thống ngày đầu năm cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng thắng lợi, dân chúng trong làng yên ổn, làm ăn tốt dẹp trong năm. Lễ hội vật truyền thống làng Sình ngày xưa khác với thời nay. Truyền thống ai thích vật thì lên sới vật, chứ không có bắt cặp, không có bốc thăm. Người nào đứng trên sới vật cuối cùng là vô dịch”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu