Tục gói bánh chưng thờ thành hoàng làng

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Đã thành lệ, khi tết đến xuân về, người dân ở 5 cụm dân cư Tó, Thọ, Đình, Bồ Đề, một phần Cự Lộc thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, hồ hởi  gói bánh chưng dâng lên thành hoàng làng. 5 cụm dân cư này trước thuộc 2 làng Chính Kinh và Cự Lộc. 2 làng thờ chung một thành hoàng làng, vì thế ngôi đình có tên là Cự Chính. Trải qua hàng trăm năm, phong tục này vẫn được người dân nơi đây gìn giữ. 
(VOV5) - Đã thành lệ, khi tết đến xuân về, người dân ở 5 cụm dân cư Tó, Thọ, Đình, Bồ Đề, một phần Cự Lộc thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, hồ hởi  gói bánh chưng dâng lên thành hoàng làng. 5 cụm dân cư này trước thuộc 2 làng Chính Kinh và Cự Lộc. 2 làng thờ chung một thành hoàng làng, vì thế ngôi đình có tên là Cự Chính. Trải qua hàng trăm năm, phong tục này vẫn được người dân nơi đây gìn giữ. 

Tục gói bánh chưng thờ thành hoàng làng - ảnh 1


Bấm để nghe âm thanh:



Vào những ngày giáp tết đình làng Cự Chính nhộn nhịp, rộn rã tiếng nói, cười. Người rửa lá, người vo gạo, người dọn dẹp, ai cũng tất bật chuẩn bị  mọi thứ để gói bánh chưng. Ông Nguyễn Văn Thìn, năm nay 73 tuổi, thủ từ đình Cự Chính, cho biết đình thờ đức thành hoàng  Lã Đại Liệu, 1 danh tướng của Ngô quyền. Thành hoàng là vị chỉ huy tối linh của làng xã không chỉ về mặt tinh thần mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất. Thành hoàng chứng kiến toàn bộ đời sống, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khoẻ mạnh. Để tưởng nhớ công ơn của đức thành hoàng, vào ngày 25 hoặc 26 tháng chạp, người dân của 5 cụm dân tập trung tại đình Cự Chính gói bánh chưng dâng lên thành hoàng để bày tỏ lòng thành kính. Ông Thìn chia sẻ: “Chúng tôi là hậu duệ, không nhớ tục này có cách đây mấy trăm năm nhưng cũng không thể dưới 100 năm được. Thời ông bố tôi cũng đã ra  phục vụ đình làng này mà tính đến nay nếu còn sống ông bố tôi cũng đã hơn 100 tuổi rồi”.

Hiện không có sách nào ghi lại về tục gói bánh chưng cúng thành hoàng làng Cự Chính nhưng theo ông Thìn phong tục này được người dân đời trước truyền lại đời sau, đúng phong tục của người Việt. Ông Nguyễn Đình Thanh, phó ban quản lý di tích đình làng Cự Chính cho biết: “Dù đói hay nghèo thì tết phải có bánh chưng để thờ ông bà tổ tiên. Đây là tục lệ của dân đặt ra từ cổ có từ lâu nên phải giữ sao cho có bản sắc riêng của làng. Dân hàng năm phải phân theo từng cụm dân cư, mỗi năm một cụm luân phiên nhau làm. Các cụm đều rất tự giác. Đến phiên tự chấp hành làm. Không khí ngày này nhộn nhịp lắm”.

Bánh chưng dâng lên đức thành hoàng làng là bánh chưng mật chứ không phải bánh chưng đậu cổ truyền. Bánh được gói theo khuôn cố định, 2 cạnh dài 30cm, cao 10 cm nên việc chuẩn bị nguyên vật liệu cũng lắm công phu. Ông Thìn cho biết: “Một cái bánh gói xong có trọng lượng nặng 4kg, khi luộc xong phải nặng đến 14 hoặc 15 kg. Chuẩn bị bánh chưng thờ thánh công phu lắm. Lá gói bánh phải là lá bánh tẻ, to đều thì gói mới đẹp không bị bục gạo. Trong cái bánh nguyên liệu có  tất cả 11 thứ. Gạo nếp phải là nếp cái hoa vàng, đều hạt, ít vỡ. Đậu xanh. đường mật ngon. Thịt lợn phải là thịt dọi để có cả nạc, cả mỡ. Mứt bí đao, mứt dừa. Mứt hạt sen. Thảo quả trộn vào nhân  cho có mùi thơm. Các gia vị khác gồm tiêu, muối, mì chính....”.

Năm nay, đến lượt khu dân cứ Tó đảm nhiệm việc gói bánh chưng. Trước đó một tháng ông Nguyễn Hữu Giang, đại diện cho khu dân cư Tó lên kế hoạch phân công cho người dân mỗi người một việc. Theo ông Giang: “Ngoài là chuyện thành kính với thánh thì thể hiện lòng đoàn kết, trách nhiệm với công việc chung. Mọi người đón những việc này với lòng hồ hởi bằng cái tâm của mình sẵn sàng nhận việc. Chuẩn bị từ những việc mua gạo, đỗ, mua lá, rửa lá, chẻ lạt. Phân công việc cụ thể cho các chi hội, tổ dân phố. Mọi người rất tự giác để thực hiện”.

Khu dân cư Tó đảm nhiệm việc mua nguyên vật liệu còn gói bánh thì đình Cự Chính có hẳn một tổ gồm 6 người chuyên gói. Ông Huy Tuấn, 11 năm tham gia gói bánh chưng cúng thánh, cho biết gói bánh chưng không phải ai cũng làm được nhất là gói bánh to vậy càng đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật. Theo ông Tuấn: “Khó nhất là công đoạn làm thế nào bánh đựoc vuông thành sắc cạnh, 8 góc đều vuông. Tay người gói phải khoẻ, để kéo lá cho chặt chứ lá lùng bùng, nếu không lót nhiều lá thì bánh sẽ phòi ra. phải nắm vững kỹ thuật, các góc độn nhiều lá con. ở ngoài mặt lá bóng cho ra ngoài thì đẹp. Lớp thứ 2, 3 thì lạt lại, để mặt lá xanh ốp vào bánh để cho bánh xanh. Tất cả tứ bề của bánh đều xanh. Làm một hai lần rồi biết”.

Bánh gói xong được đưa vào nồi luộc khoảng 16 đến 17 tiếng đồng hồ. Bánh vớt ra rửa sạch, ép chặt rồi được gói lại bằng lá mới để bánh có màu xanh đẹp. Lúc này công đoạn gói bánh mới hoàn thành và được người dân thành kính dâng lên ban thờ cúng thành hoàng làng. Ngoài ra, bánh còn được đặt làm lễ vật để cúng ở miếu, chùa của làng và đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Số bánh còn lại được để trên nơi cao ráo, đến ngày 30 tết, mỗi chiếc bánh được chia nhỏ thành 22 phần. Sáng mùng một, dân làng ra đình thắp hương lễ thánh đều được hưởng lộc là miếng bánh chưng. Ông Nguyễn Hữu Giang cho biết: “Sau khi lên thắp hương lễ thánh được lộc thánh thì vui lắm. Mang về còn để lên ban thờ thắp hương rồi mới thụ lộc. Có khách đến chủ mang ra để cùng hưởng lộc lấy may đầu xuân. Cảm thấy vui, trân trọng đối với quê hương. Ăn miếng lộc thánh thấy lạ lắm. bánh chưng này có cả mặt và ngọt. Năm nay được ăn lộc thánh thế nào thánh cũng phù hộ, mình cũng phải cố gắng thêm, gia đình mạnh khoẻ”.

Mùi hương trầm toả hương thơm ngào ngạt khắp không gian của ngôi đình Cự Chính, cặp bánh chưng xanh cùng với mâm ngũ quả, lọ hoa tươi đặt trang trọng trên ban thờ thành hoàng làng. Phong tục gói bánh chưng cúng thành hoàng làng đem lại cho người dân nơi đây ý thức hướng về cội nguồn và là dịp bày tỏ lòng thánh kính đối với các bậc tiền nhân./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu