Theo triết gia người Anh Bertrand Russell (1872 - 1970): "Triết học, dẫu không thể trả lời thật nhiều câu hỏi như ta mong muốn, chí ít cũng chứa đựng sức mạnh của việc đặt ra những câu hỏi làm ta thêm hứng thú với thế giới...".
Triết học, như bao ngành khoa học khác, hướng đến khai phá tri thức. Nhưng tri thức mà triết học hướng đến là lời giải đáp cho những băn khoăn về thế giới và chính bản thân con người: Thế giới này rốt cục là gì? Cái gì có thực? Ta là ai? Điều gì làm nên giá trị cuộc sống của chính mình? Đó chỉ là một vài câu hỏi nổi bật trong vô vàn vấn đề dai dẳng khởi phát bao cuộc kiếm tìm triết học. Bản thân mỗi triết gia khi dấn thân vào hành trình này đều có những cách lý giải khác nhau, bắt nguồn từ niềm tin, định kiến, góc nhìn riêng về thế giới. Họ cần mẫn góp nhặt từng mảnh ghép xuyên suốt chiều dài lịch sử, từ cổ đại cho tới hiện đại, để hoàn thiện bức tranh hé lộ cho nhân loại câu trả lời về ý nghĩa cuộc sống.
Cuốn sách Triết học tự cổ chí kim (tác giả: Masato Tanaka, Tetsuya Saito; dịch giả: Nguyễn Quốc Vương, Phùng Xuân Trà, NXB Kim Đồng) dẫn dắt độc giả ngược dòng thời gian, từ thuở hồng hoang của tri thức nhân loại cho đến thế kỷ 20 với những biến động làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh của nhiều dân tộc trên thế giới. Với cách diễn giải ngắn gọn, súc tích, cùng những hình minh họa lý thú, cuốn sách khắc họa các vấn đề triết học dưới lăng kính gần gũi, dễ hiểu; đồng thời mang đến cho độc giả các góc nhìn mới mẻ về bản thân cũng như thế giới xung quanh mình.
Dù đề cập và diễn giải quá trình vận động, phát triển của triết học theo trục thời gian, khởi đầu từ các bậc tiền nhân thời cổ đại, như Socrates, Plato, Augustinus..., cho đến những tên tuổi được bàn luận nhiều trong triết học đương đại như Jacques Derrida, Michel Foucault, Gilles Deleuze hay Judith Butler, song Triết học tự cổ chí kim không phải là một cuốn giáo trình lịch sử triết học. Cuốn sách nhằm mục đích duy nhất: thôi thúc ta phải tiếp tục suy tư, nghiền ngẫm, chất vấn sau quá trình bóc tách tư tưởng, quan điểm của những trí tuệ lỗi lạc trên.
Cuốn sách có ngôn ngữ cô đọng, dễ đọc và cách trình bày gần gũi, đi kèm những hình minh họa sống động. |
Điểm thu hút của cuốn sách, nhất là với độc giả trẻ, chính bởi ngôn ngữ cô đọng, dễ đọc và cách trình bày gần gũi, đi kèm những hình minh họa sống động.
Cuốn sách không dựng lên hình ảnh triết gia như những tượng đài, không đúc kết các tư tưởng thành những chân lý độc tôn; mà người đọc có thể hình dung triết gia như là những người đang chuyện trò, khơi dậy những băn khoăn rất đỗi thơ ngây, nhưng cần thiết để tư duy và tồn tại.
Với Triết học tự cổ chí kim, độc giả, nhất là các bạn trẻ - đối tượng mà cuốn sách này hướng đến đầu tiên, sẽ nhận thấy nội dung triết học không phải là những khái niệm “đáng sợ”, trừu tượng hay xa vời; chúng là những hiểu biết mà chúng ta thu nhận được thông qua quá trình quan sát, suy tư về thế giới, về thực tại.
Nói cách khác, như TS. Trần Ngọc Hiếu trong phần giới thiệu sách, "là khả năng kiến tạo nên những cách nghĩ khác, mới hơn, sâu sắc và toàn vẹn hơn. Cách nghĩ tốt hơn sẽ dẫn đến những hành động tốt hơn. Cuốn sách này là lời mời gọi các bạn đi những bước đầu tiên vào hành trình suy tư này. Đó cũng là cách để chúng ta sống có trách nhiệm hơn với hiện tại”.