Sáng 20/4 buổi Giao lưu giới thiệu cuốn sách Những miền lưu dấu- Cảnh Việt trong văn chương diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội. Đây là một trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 - 2023, do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức.
Tại sự kiện, độc giả được giao lưu với các khách mời (từ trái qua): nhà văn, họa sĩ Nguyễn Trương Quý, Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh, họa sĩ Trương Văn Ngọc.
|
Bao gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại, Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương là artbook tập hợp các đoạn trích hay nhất trong sách giáo khoa chương trình phổ thông viết về cảnh đẹp non sông gấm vóc Việt Nam kết hợp với những bức tranh được các họa sĩ hiện đại sáng tác.
Cuốn sách từ ý tưởng đến khi làm hết sức kỳ công, nhóm biên soạn nội dung vài tháng nhưng các họa sĩ thực hiện trong hơn 1 năm để tìm ra những góc tiếp cận mới.
Biên tập viên Hoàng Kiều Nga chia sẻ với các độc giả nhí tại buổi giao lưu. |
Biên tập viên Ban Văn học NXB Kim Đồng Hoàng Kiều Nga, thành viên nhóm biên soạn sách chia sẻ ý tưởng ban đầu muốn hình thành cuốn art book với các đoạn văn tả thiên nhiên, phong cảnh trong sách giáo khoa phổ thông, giúp học sinh tiếp cận được với các câu chuyện hoặc các đoạn dữ liệu trong sách giáo khoa theo một hướng mới, sẽ là phần gợi mở đầu tiên khi đọc các đoạn trích, kể, ghi lại những hình ảnh, những địa danh ở Việt Nam…”
Những người đã từng đọc những tác phẩm văn chương trong sách giáo khoa khi đọc cuốn sách này sẽ rất thân thương, cũng có sự háo hức, một chút ngạc nhiên với những hình ảnh được đưa trong cuốn sách.”
Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương là hành trình mà cảnh sắc Việt đã bước vào văn chương để rồi tiếp tục trở lại với những bức tranh. Gần 30 họa sĩ với sự đa dạng của phong cách, thủ pháp, chất liệu đã chuyển hóa ngôn ngữ xúc cảm văn chương thành ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật thị giác. Đó là những bức tranh phong cảnh màu nước hay acrylic, bột màu hay sơn dầu, tranh khắc gỗ hay kĩ thuật số… Mỗi tác giả một phong cách: lãng mạn của Trương Văn Ngọc, ấn tượng của Chu Hồng Tiến, hùng tráng của Vũ Xuân Hoàn… Tất cả hòa chung giai điệu ngợi ca vẻ đẹp Tổ quốc.
Theo nhà văn, họa sĩ Nguyễn Trương Quý, thiên nhiên, cảnh trí vẫn là một đề tài lớn trong văn học truyền thống Á Đông, kể cả trong văn học cổ điển phương Tây. Nhưng với anh, điều bất ngờ khi đọc cuốn sách, là các dữ liệu dường như được mặc một chiếc áo mới, hiện đại hóa hơn qua hình vẽ của các họa sĩ theo phong cách hiện đại. Trước đây nếu chúng ta hay có xu hướng bồi đắp, đồng nhất liên văn bản giữa văn học với tranh vẽ, nhằm minh họa nội dung, thì với Những miền lưu dấu- Cảnh Việt trong văn chương, những bức tranh hài hòa và giữ được sự độc lập nhất định với văn bản.
Các khách mời chia sẻ những điều thú vị về cuốn sách Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương |
Tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ, cách đọc cuốn art book và đọc văn bản sách giáo khoa sẽ hoàn toàn khác nhau: “Đọc trong art book một trích đoạn đã từng quen thuộc trong sách giáo khoa, sẽ giúp bạn đọc được đọc theo một cách rất mới, chậm hơn, kỹ hơn. Với người đọc cũng xuất hiện những sự tham chiếu giữa văn bản, tranh và liên tưởng cá nhân, và cảm hứng nghệ thuật theo đó sẽ xuất hiện, giác quan thẩm mỹ được đánh thức, tạo nên cách đọc liên nghệ thuật.
Tất cả những đoạn văn này khi đặt bên cạnh nhau tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật, vẽ nên bức tranh thiên nhiên phong phú, đa dạng và tinh tế, tạo nên một chiều kích mới cho việc đọc hệ thống, đặc biệt có ý nghĩa khi tạo cho bạn đọc cảm giác trải nghiệm đời sống thiên nhiên, cảm nhận được sự trong lành, tinh tế như đang được ở trong thiên nhiên, trong một khu rừng, bên một dòng sông…”
Những vùng đất qua ngòi bút văn chương mang cách nhìn, tình cảm, sự tưởng tượng và sáng tạo của mỗi tác giả. Với Những miền lưu dấu- Cảnh Việt trong văn chương, hội họa tiếp bước những áng văn để tiếp tục cho người đọc cách nhìn và cảm nhận khác hơn, giàu có hơn về những miền đất trên quê hương mình.