Tiếp biến văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) -

Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2021 với chủ đề “Tiếp biến văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế” vừa được tổ chức. Sự kiện do Ban tổ chức triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” và các bộ, ban, ngành liên quan phối hợp tổ chức, qua đó khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc Thành Tuấn:
 Tiếp biến văn hóa là sự tiếp thu và biến đổi văn hóa trong quá trình giao lưu, tiếp xúc, hội nhập quốc tế. Tiếp biến văn hóa là quy luật vận động của mọi nền văn hóa, có thể diễn ra ở nhiều cấp độ như giữa các nền văn hóa, giữa các cộng đồng dân tộc, hay trong một tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí trong cả cá nhân.

Giáo sư Tiến sĩ Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, cho biết: “Có nhiều xu hướng tiếp biến văn hóa. Xu hướng tiếp biến văn hóa phổ biến là theo hướng hội nhập, tức là hài hòa giữa tiếp thu yếu tố văn hóa bên ngoài, đồng thời duy trì và phát huy những giá trị nội tại của mình, tạo nên môi trường đa văn hóa, tất cả văn hóa đều được đối xử bình đẳng để phát huy sở trường của mình.”

Tiếp biến văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - ảnh 1Quang cảnh Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2021. Ảnh: Ngọc Anh

Đối với giới doanh nghiệp, tiếp biến văn hóa giúp cho doanh nghiệp và doanh nhân có thể tiếp thu nhanh nhất những tri thức, kinh nghiệm, mô hình quản lý kinh doanh tiên tiến trên thế giới. Vì thế, nên tôn trọng những giá trị khác biệt, chọn lọc những giá trị khác biệt đó, vận dụng phù hợp, linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: “Việt Nam theo xu hướng những gì mà đưa lại một nền quản trị doanh nghiệp tốt hơn thì tiếp nhận. Ví dụ coi trọng thương hiệu, xây dựng thương hiệu, quan hệ khách hàng, tiếp thị… những điều gắn với một nền quản trị kinh doanh hiện đại thì nên nối tiếp. Coi trọng nhân nghĩa, tình người, tương thân tương ái… những gì đã thuộc về bản sắc dân tộc thì chúng ta giữ. Cách tiếp biến văn hóa này đáng hoan nghênh và giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng kinh doanh giỏi, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, hồn cốt của dân tộc.

Xây dựng đất nước thịnh vượng, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Quá trình tiếp biến văn hóa mà đúng hướng thì sẽ tạo ra “sức mạnh mềm” cho doanh nghiệp.

Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc PNJ, cho biết: “Mỗi doanh nghiệp đang phát triển văn hóa một cách cục bộ. Chúng ta cần tạo ra sự liên thông kết nối văn hóa doanh nghiệp này với văn hóa doanh nghiệp khác, có một hạ tầng về văn hóa doanh nghiệp.”

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng toàn cầu, trong quá trình tiếp biến văn hóa tất yếu có những giá trị bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn. Hơn nữa Việt Nam  đang ở giai đoạn tiếp biến văn hóa cao độ. Bất kỳ văn hóa nào có hiệu quả, nhân văn thì giữ lại còn bất cứ văn hóa nào đi ngược lại nhân văn thì bằng mọi cách đào thải ra khỏi doanh nghiệp.

Tiến sĩ Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE, cho biết: “Khát vọng 2045 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra, tới năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao. Khi nghĩ tới khát vọng năm 2045 thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nghĩ đến một nền quản trị mới. Có thể gọi tên nền quản trị mới của Việt Nam đó là nền quản trị mang trong mình tinh thần Việt Nam và tinh hoa thế giới. Đó là nền quản trị mang trong mình khát vọng dân tộc và dựa trên chuẩn mực toàn cầu. Việt Nam đã là một phần thế giới và ngược lại thế giới đã là một phần của Việt Nam.”

Tiếp biến văn hóa không chỉ tiếp nhận, tiếp thu cái mới mà trên cơ sở đó phát triển, tạo dựng thêm những giá trị văn hóa mới trong sự giao thoa và đa văn hóa. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và đặc biệt là trước thách thức chưa từng có tiền lệ là đại dịch COVID-19, tiếp biến văn hóa chính là cứu cánh để doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng phục hồi, ổn định và phát triển bền vững kinh tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu