Tiếng nói Việt Nam giữa đảo xa

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) đã đồng hành cùng với dân tộc 67 năm. Tiếng nói Việt Nam đã nối liền từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, tới hải đảo xa xôi. Giữa bốn bề là đại dương, tiếng nói Việt Nam vẫn vang lên hào sảng, oai hùng, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ biển trời ở quần đảo Trường Sa từ lâu đã coi Đài TNVN như một người bạn thân thiết.

(VOV5) - Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) đã đồng hành cùng với dân tộc 67 năm. Tiếng nói Việt Nam đã nối liền từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, tới hải đảo xa xôi. Giữa bốn bề là đại dương, tiếng nói Việt Nam vẫn vang lên hào sảng, oai hùng, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ biển trời ở quần đảo Trường Sa từ lâu đã coi Đài TNVN như một người bạn thân thiết.


Nhấn vào thanh âm thanh để nghe nội dung phóng sự:




Đài TNVN gắn bó với Hoàng Tùng từ nhỏ qua các chương trình tiếng thơ, đọc truyện đêm khuya, thính giả hát dân ca… Sau này khi đã trở thành một sĩ quan quân đội, tình yêu ấy vẫn không hề thay đổi. Ra quần đảo Trường Sa công tác, Hoàng Tùng mang theo bên mình một chiếc đài nhỏ, như một người bạn không thể thiếu sau những giờ thao trường mệt nhọc. "Là một người lính đang bảo vệ biển trời quê hương, tôi cảm ơn Đài TNVN đã chuyển tải những nội dung đến người nghe một cách sâu sắc đồng thời cảm ơn các biên tập viên, phát thanh viên của Đài TNVN nhất là các giọng đọc thơ của chị Tuyết, của cố NSƯT Châu Loan đối với chương trình Tiếng thơ, những giọng đọc của NSƯT Hà Phương trong chương trình Đọc truyện đêm khuya. Tôi rất vui nơi hải đảo xa xôi, được nghe giọng nói ấm áp của đất liền. Điều đó đã truyền thêm nghị lực cho chúng tôi để bảo vệ đất trời thân yêu"- Tùng tâm sự.



Hiện nay cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa cơ bản được đáp ứng khá tốt về mặt văn hóa, tinh thần. Các anh không còn “đói” thông tin như trước nữa. Và Đài TNVN đã đóng một vai trò quan trọng, như lời thiếu úy Đào Văn Nam, đã và đang làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết được 9 tháng: "Ở đảo, chúng tôi được đảm bảo về mặt văn hóa tinh thần như nghe đài, vô tuyến đầy đủ. Sóng Đài TNVN bắt được tốt. Nội dung rất hay. Tôi rất thích".


Khi ánh bình minh vừa ló rạng phía chân trời, báo hiệu một ngày mới nơi tuyến đầu Tổ quốc cũng là lúc nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam với âm thanh quen thuộc “Đây là Đài TNVN, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước CHXHCN Việt Nam” ngân vang. Thiếu tá Phạm Xuân Trường, đã có thâm niên công tác tại nhiều đảo xa như: đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Trần, đảo Cô Tô ( ở Quảng Ninh), và nay đang làm việc tại đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Anh Trường bộc bạch, ở đảo nào anh đi qua cũng đều nghe được Đài TNVN. Và trong lịch học tập và công tác của những người lính biển đều có chương trình nghe và tiếp nhận sóng Đài TNVN: "Buổi sáng nghe chương trình chào buổi sáng từ 5h đến chương trình biển đảo, nông nghiệp nông thôn và hết chương trình thời sự là vào công việc buổi sáng hàng ngày. Nhiều thông tin đất liền ra cập nhật càng nhiều càng tốt, thậm chí đến cả chương trình an toàn giao thông. Các sự việc diễn ra trong ngày diễn ra trong đất liền rất cập nhật, bổ ích".

Chúng tôi, những phóng viên Đài TNVN đã có dịp vinh dự đặt chân lên nhiều hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, khúc ruột của mẹ hiền Việt Nam. Thăm nơi ở và làm việc của các anh, sự ngạc nhiên và xúc động cứ đan lẫn nhau. Tôi không nhớ hết đã nhìn thấy bao nhiêu chiếc radio với nhiều chủng loại, kích cỡ khác nhau đặt ở nhiều nơi trong khu vực sinh hoạt như ở đầu giường, ở bàn làm việc. Gặp phóng viên nhà Đài tác nghiệp ở đảo xa, nhiều cán bộ, chiến sĩ không dấu được niềm yêu mến Đài TNVN, đã không ngần ngại khoe: “Thích nghe Đài TNVN lắm. Ở đây, ngoài sóng, gió trùng khơi, thì Đài TNVN luôn là người bạn thân thiết của chúng tôi”. Thiếu úy Lê Văn Chiên, Chính trị viên nhà giàn DK1-11, có tuổi đời rất trẻ. Đây là lần đầu tiên nhận nhiệm vụ công tác trên biển và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc nhưng trong hành trang của chàng trai trẻ có đến hai chiếc đài: một đài cầm tay nhỏ xinh và một chiếc to hơn luôn hoạt động hết công suất. Anh Chiên cảm ơn Đài TNVN đã mang đến món ăn tinh thần không thể thiếu cho những người lính gác biển như anh. Nhân dịp này, anh cũng có một nguyện vọng: "Chương trình Đài TNVN chúng tôi vẫn nghe và nắm bắt thông tin. Đối với các thông tin của Đài TNVN có nhiều chương trình dành cho các góc độ khác nhau, tuyên truyền rất nhiều về lực lượng vũ trang trong đó có chủ quyền biển đảo. Nhưng tôi thấy, về nhà giàn chúng tôi, vì nhà giàn  tách riêng ra 1 khu vực riêng, không  gắn với Trường Sa nữa, nên đề nghị Đài TNVN có một chuyên mục  nói về chúng tôi. Đó là lời động viên, động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ".

Bên cạnh sóng gió của biển khơi, các cán bộ, chiến sĩ đảo xa còn có Đài TNVN là bạn. Đài đã trở thành người bạn gần gũi không chỉ qua các chương trình biển đảo quê hương, tâm tình người lính đảo mà còn ở nhiều thông tin phản ánh cuộc sống ở quê nhà. Đặc biệt, qua những dự báo thời tiết biển, các bản tin về bão và diễn biến của áp thấp nhiệt đới được cập nhật liên tục, các anh đã chủ động có kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ cho các ngư dân bám biển vào trú bão an toàn. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết “Phủ sóng phát thanh trên biển Đông từ tháng 8 năm 2009 đã có hiệu quả lớn. Công trình này của Đài TNVN có ý nghĩa đối với quốc phòng, an ninh biển đảo”. 

“Nơi Trường Sa đêm ngày sóng hát/ Cứ ngân vang Tiếng nói Việt Nam…/ Thao thức đồng quê mùa gieo hạt/ Cành san hô đảo đá bỗng xanh mầm/ Thiêng liêng tiếng quê hương, Tổ quốc/ Hải đảo thân yêu như ngõ xóm đường làng/ Mỗi buổi sáng lại vang lên thân thuộc/ “Đây là Tiếng nói Việt Nam…”, bài thơ “Tiếng nói VN ở Trường Sa” của đại tá, nhà thơ Bùi Văn Bồng cứ ngân nga, ngân nga theo tiếng sóng biển dào dạt xô bờ. Nhịp cầu âm thanh tiếng nói Việt Nam, tiếng lòng của người hậu phương, sẽ luôn là chỗ dựa tinh thần, gần gũi nơi đảo xa quanh năm sóng vỗ./.


Một vài hình ảnh về "tiếng nói Việt Nam" hiện diện tại đảo xa:


Tiếng nói Việt Nam giữa đảo xa - ảnh 1
Chiếc đài thường được đặt ở vị trí đầu giường của các chiến sĩ Trường Sa

Tiếng nói Việt Nam giữa đảo xa - ảnh 2
Chiếc đài cầm tay như thế này không thiếu ở đảo xa

Tiếng nói Việt Nam giữa đảo xa - ảnh 3

Chút quà nhỏ của phóng viên Đài TNVN gửi tặng đảo Đá Tây

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu