Hình ảnh của những chiếc tàu thuyền bằng gỗ trong cuốn sách ảnh Classic Wooden Fishing Boats of the Vietnamese Coast, Their Design, Construction, Rigging and Fisheries (gọi tắt là Thuyền cá Việt Nam) theo chia sẻ của tác giả người Mỹ Ken Preston chính là “những điều nguyên bản còn lại tuyệt vời nhất trên biển ngày nay”.
Cuốn sách tiếng Anh rất đáng kinh ngạc này nói lên một phần lịch sử hấp dẫn của văn hóa biển Việt Nam, vừa được NXB Phụ nữ ấn hành, với một nỗ lực có thể nói là can đảm của nhà làm sách trong thời buổi phát hành sách không dễ dàng này.
Thuyền cá Việt Nam - bản tiếng Anh là cuốn sách đặc biệt, bao gồm hình ảnh và lời của một cựu binh Mỹ. Cuốn sách Thuyền cá Việt Nam gồm gần 500 tấm hình chân thực nhất về những chiếc thuyền đánh cá trên bờ biển Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, cụ thể là từ năm 2005 đến năm 2016, là kết quả của 11 lần Ken Preston đến Việt Nam, là 11 chuyến đi, mỗi chuyến đi kéo dài một hoặc hai tháng và mỗi lần lại chu du khoảng năm, sáu nghìn kilômét. Những bức hình do chính tác giả bấm máy và ghi chú lại tỉ mỉ với mong muốn đây sẽ là một cuốn hướng dẫn thực địa về các loại tàu thuyền và một phần các cảng biển dọc Việt Nam, từ đảo Phú Quốc phía tây nam Việt Nam cho đến vịnh Hạ Long, Móng Cái ở vùng đông bắc.
Chị Ngọc Lan, biên tập viên NXB Phụ nữ cho biết: "Khi cuốn Thuyền cá Việt Nam ra mắt nhiều người hỏi tại sao Nhà xuất bản Phụ nữ lại làm một cuốn rất không phụ nữ như thế này? Họ vẫn luôn hiểu NXB Phụ nữ Việt Nam chỉ làm những cuốn sách nữ công gia chánh, hay thể loại sách văn học. Thuyền cá Việt Nam là thể loại sách ảnh mà lại hoàn toàn bằng tiếng Anh của một tác gỉa người Mỹ, họ cảm thấy rất ngạc nhiên. Thật ra để quyết định ra một cuốn sách như vậy, Ban giám đốc của NXB Phụ nữ Việt Nam đã phải có một cuộc họp để thống nhất. Cuối cùng cuộc họp ấy đưa ra một quyết định hơi khó khăn và mạo hiểm là sẽ mua bản quyền của tác giả.
Bởi vì theo Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam: là Phụ nữ nên rất muốn bao bọc, muốn ôm chứa mọi thứ: ôm chứa truyền thống, ôm chứa tinh hoa, ôm chứa tất cả những gì để cho đời sau còn có cái để lại. Bởi vì những hình ảnh thuyền cá Việt Nam ở trong cuốn sách này theo tác giả ghi nhận và cũng như cảm nhận của rất nhiều người, thì có khả năng sẽ bị thất truyền nếu chúng ta không có ý thức gìn giữ".
Bên cạnh những bức ảnh chân thực nhất về tàu thuyền đánh cá khắp các miền biển Việt Nam, Thuyền cá Việt Nam còn mang đến các thông cơ bản về lịch sử hình thành, học hỏi, kế thừa và phát triển của kĩ thuật thiết kế, chế tạo tàu thuyền từ những người thợ Việt với kĩ năng khéo léo, cùng nhiệt huyết giữ nghề và thói quen cần mẫn làm việc. Cuốn sách còn là những hình ảnh độc đáo của ngư dân Việt đánh cá trên những chiếc tàu thuyền bằng gỗ, hay thuyền thúng, với những công cụ từ thô sơ tới hiện đại, trong suốt hơn một thập kỉ trước.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình quân nhân không lực Hoa Kỳ, nhưng từ khi còn rất nhỏ, Ken Preston đã đam mê trở thành thợ đóng tàu và một ngư dân thực thụ. Vào năm cuối đại học chuyên ngành địa chất, Ken Preston ra nhập quân đội và phục vụ ở Mỹ 2 năm, 1 năm ở Việt Nam. Sau khi xuất ngũ, ông trở về quê nhà và dành toàn bộ thời gian cũng như tâm sức trên chiếc tàu cá dọc bờ biển phía tây Hoa Kỳ.
Đời không như là mơ, Ken không kiếm đủ sống dựa vào công việc trên biển, nên ông đã chuyển nghề và gắn bó suốt 36 năm với ngành xây dựng các công trình hàng hải, các bến cảng, cầu tàu và các công trình công nghiệp nặng. Ken Preston cũng đã sở hữu, tu sửa và chế tạo được khá nhiều tàu thuyền nhỏ, có thể vượt khơi đi tới Mexico và Canada.
Từ 2005 đến 2016, ông dành ít nhất 6 tuần mỗi năm để đi “phượt” bằng xe gắn máy dọc Việt Nam, Campuchia và Lào với mong muốn ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, sưu tầm được những thông tin thiết thực nhất về kĩ thuật chế tạo tàu đánh cá ở Việt Nam.
Ken Preston từng chia sẻ, hơn chục năm trước đây, thuyền của Việt Nam có lẽ vẫn giữ tính chất của những chiếc thuyền trong lịch sử. Những con thuyền đó rất có thể không còn tồn tại đến thế hệ tiếp theo. Vì thế ông muốn tìm hiểu và ghi lại về quá trình làm ra những con thuyền đó khi còn có thể. Trong cuộc trò chuyện với VTV4 về giây phút đầu tiên nhận ra mình yêu thuyền gỗ Việt Nam, Ken Preston nhớ lại: "Thực ra đó là một chiếc thuyền thúng. Tôi đã không thể cưỡng lại được sự thích thu khu lần đầu tiên nhìn thấy nó tại Vũng Tàu năm 1971. Đó là chuyến đi thứ 12 của tôi sang Việt Nam nhưng tôi không tính vì nó nằm ngoài ý muốn của tôi. Tôi thấy hai đứa trẻ chèo một chiếc thuyền thúng từ một chiếc thuyền lớn màu xanh tới một chiếc thuyền đánh cá lớn màu xanh khác. Đó là một chiếc thuyền khá đẹp. Thuyền thúng của Việt Nam là một loại thuyền rất đặc biệt trên thế giới."
Ban đầu, Ken Preston tìm tới Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam để đề nghị nhà xuất bản cấp giấy phép, in liên kết. Sau khi tiếp nhận bản thảo, cảm kích trước tấm chân tình của tác giả - một cựu binh Mỹ, người tự bỏ tiền túi lang thang khắp bờ biển Việt Nam để ghi lại những hình ảnh mà ông cho là "Những điều nguyên bản còn lại tuyệt vời nhất trên biển hiện nay", Ban Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam quyết định mua bản quyền bản thảo, để tác phẩm được lưu hành không chỉ ở Mỹ như mong muốn của tác giả, mà còn để người Việt Nam, và có thể nhiều độc giả trên thế giới, được thưởng thức.
Biên tập viên Ngọc Lan cho biết: "Việc xuất bản cuốn sách hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng gây ngạc nhiên cho nhiều người, đặc biệt trong thời buổi xuất bản rất khó khăn như hiện nay, trong thời kỳ Covid nữa mà NXB ra một bộ sách phát hành tiếng Anh với giá không hề rẻ: 500 ngàn đồng cho một cuốn sách. Rất nhiều người bảo tại sao NXB lại dám làm thế. Thật ra khát vọng của NXB Phụ nữ không chỉ dừng lại là cuốn sách sẽ được phát hành ở Việt Nam và ở Mỹ - quê hương của tác giả, mà NXB còn có khát vọng lớn hơn, là đưa sách lên trang amazon, để tất cả các độc giả ở nhiều nước có thể đọc được, và có thể hiểu thêm về truyền thống, về tinh hoa truyền đời của thuyền cá Việt Nam."
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ khẳng định: “Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành cuốn sách này với niềm tự hào dân tộc, tôn vinh các giá trị vật thể và phi vật thể, hơn nữa là tinh thần đồng hành cùng ngư dân Việt bảo vệ biển đảo.”