Thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Chia sẻ
Ông Lê Xuân Tánh (tỉnh Quảng Trị) được bầu làm Chủ tịch Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị - ảnh 1

 Ông Lê Xuân Tánh (tỉnh Quảng Trị) được bầu làm Chủ tịch Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.


Sáng 20/7, tại Hà Nội, diễn ra Đại hội thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Các đồng chí: Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các tướng lĩnh, lão thành quân đội, lão thành công an và hơn 400 đại biểu là các anh hùng, dũng sĩ, những người đã lập chiến công trong bảo vệ Thành cổ Quảng Trị về dự Đại hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang gửi lẵng hoa chúc mừng. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Quảng Trị là mảnh đất địa đầu giới tuyến. Tại đây đã diễn ra trận đấu ác liệt, anh dũng của quân dân ta đi vào lịch sử anh hùng của dân tộc.

Đặc biệt, trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Mỹ-Ngụy đã dội xuống mảnh đất này hơn 300.000 tấn bom đạn. Đây là cuộc đọ sức một mất một còn vô cùng gian khổ và ác liệt. Trong trận chiến quyết liệt đó, các đơn vị chủ lực cùng quân và dân Quảng Trị đã thể hiện khí phách ngoan cường, sáng tạo, không sợ hy sinh gian khổ vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc, làm cho địch thất bại nặng nề.

Cùng với thắng lợi của quân và dân cả nước trong trận Điện Biên Phủ trên không và trên các chiến trường khác, chiến dịch Quảng Trị năm 1972 đã góp phần buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Paris về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo thế để tiến tới cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát biểu tại đại hội, đồng chí Lê Hồng Anh nhắc lại truyền thống đấu tranh anh dũng của quân đội ta nói chung và của những chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị nói riêng.

Đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ: Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và vùng giải phóng năm 1972, hàng vạn chiến sĩ đồng bào chúng ta đã đổ xương máu trên chiến trường, hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh anh dũng nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt và biết bao nhiêu người trở về mang trong mình thương tích, bệnh tật vẫn luôn phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ hoàn thành tốt nhiệm vụ và trách nhiệm công dân trong tình hình mới. Vì thế, việc thành lập Hội là việc làm hết sức thiết thực để Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tiếp tục tri ân những người đã hy sinh một phần máu thịt của mình cho cuộc sống no ấm ngày hôm nay.

Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh:“Để tiếp tục phát huy truyền thống của những người chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972, hôm nay các đồng chí cán bộ chiến sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Thành cổ năm xưa đã về đây tổ chức thành lập Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm tập hợp, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội tri ân liệt sĩ, khơi dậy truyền thống cách mạng, giáo dục lòng yêu nước, gương mẫu tham gia thực hiện, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị, Hội Chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quảng Trị cần làm tốt công tác tuyên truyền cho các hội viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; làm tốt công tác giáo dục, tập hợp hội viên xây dựng tổ chức hội vững mạnh; Tích cực tham gia tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cha anh, truyền thống cách mạng của Đảng và dân tộc; Đẩy mạnh các hoạt động tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế và tham gia có hiệu quả các hoạt động nghĩa tình đồng đội.

Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các Bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, các địa phương tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người có công, tạo điều kiện để người có công có cuộc sống yên vui, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Đại hội đã bầu đồng chí Lê Xuân Tánh (tỉnh Quảng Trị) làm Chủ tịch Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972./.

    Nguyễn Hiền - Lê Thơm

    Phản hồi

    * Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu