Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Chia sẻ
Đây là hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Đây cũng là dịp giáo dục và nâng cao nhận thức cho tuổi trẻ 54 dân tộc Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đặc biệt là việc giữ gìn và tôn vinh các giá trị truyền thống văn hóa gia đình, góp phần tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.  
Đây là hoạt động do bộ văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với trung ương đoàn thanh niên cộng sản hồ chí minh tổ chức. đây cũng là dịp giáo dục và nâng cao nhận thức cho tuổi trẻ 54 dân tộc việt nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đặc biệt là việc giữ gìn và tôn vinh các giá trị truyền thống văn hóa gia đình, góp phần tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc việt nam.   

 
Sự kiện có sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương và đại diện thanh niên, sinh viên 54 dân tộc Việt Nam, đại diện cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các vị khách đến từ các tổ chức quốc tế.

“Tuổi trẻ 54 dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam” là chủ đề cuộc tọa đàm, trao đổi với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, gia đình cùng gần 100 sinh viên đại diện 54 dân tộc trong cả nước.   


 
20 bản tham luận của các diễn giả tập trung làm rõ khái niệm về gia đình, giá trị truyền thống và vai trò, chức năng của gia đình với tư cách là tế bào của xã hội xưa và nay; trách nhiệm của thanh niên trong việc xây dựng, giữ gìn và phát triển gia đình truyền thống.


Các ý kiến cũng nêu rõ một thực tế xưa và nay là trong gia đình Việt Nam luôn luôn hiện hữu hài hòa các mối quan hệ  vợ - chồng, cha mẹ - con cái, ông bà - con cháu, gia đình - họ hàng, hàng xóm - láng giềng… Ý kiến của các bạn trẻ cũng khẳng định: Tuổi trẻ ngày nay đang được thừa hưởng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp từ mái ấm gia đình truyền thống. Tuổi trẻ cũng đang tham gia vào việc bảo tồn và phát huy  những giá trị truyền thống: giá trị lối sống, cách ứng xử, tình yêu, hôn nhân, giới tính, trách nhiệm, nghĩa vụ…   
      


Một vấn đề thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đó là: xã hội hiện đại cũng đang đặt cho mô hình gia đình truyền thống không ít thách thức; phải chăng mô hình gia đình truyền thống đang bị tan rã trước sự tấn công của lối sống thời hội nhập và công nghệ kỹ thuật hiện đại?

Bạo lực gia đình, một chuyện ít thấy trong cộng đồng bà con các dân tộc ít người, giờ đây (theo ý kiến các đại biểu thanh niên vùng cao phía Bắc) đã có và cũng đang có chiều hướng gia tăng. Chuyện tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống do những suy nghĩ lạc hậu đang âm ỉ trong các thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa cũng chưa có giải pháp khắc phục. Cuộc sống hiện đại coi trọng kinh tế nên phần đông các bậc cha mẹ mải lo làm kinh tế (chỉ nghĩ đến chức năng kinh tế của gia đình) mà quên đi những chức năng khác…

Có ý kiến của nữ thanh niên người dân tộc Cù Lá (Hà Giang) nêu rõ nạn lạm dụng rượu được bảo trợ bởi phong tục uống rượu ở đồng bào các dân tộc Hà Giang đã dẫn đến hành vi bạo lực gia đình… Tuổi trẻ vùng đồng bào dân tộc ít người đang rất cần có được câu trả lời: đâu là giá trị truyền thống, đâu là hủ tục, đâu là phong tục…cũng như đâu là việc cần làm ngay để bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống.   
      

Phát biểu của các vị khách mời: ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hà giang, GS.Tô Ngọc Thanh, một số nhà nghiên cứu về gia đình và bình đẳng giới cùng những câu hỏi của các bạn trẻ từ nhiều miền, vùng thuộc các dân tộc khác nhau trong cả nước đã phác thảo nên diện mạo bức tranh gia đình Việt Nam với những giá trị truyền thống tốt đẹp cũng như những thách thức trong việc bảo tồn và phát huy mái ấm gia đình hạnh phúc đang hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống xã hội từ thành thị đến nông thôn nước ta. Nhiều câu hỏi từ thực tế đã có câu trả lời, một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ… Tọa đàm về Tuổi trẻ các dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam là một hoạt động thiết thực nhân ngày Gia đình Việt Nam 2013.   
      

* Sáng cùng ngày, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng chính thức mở cửa sinh hoạt “Chợ vùng cao phía Bắc”. 8 cộng đồng dân tộc được huy động từ 6 tỉnh trong nước cùng một số doanh nghiệp đã tham gia hoạt động văn hóa này.    

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam - ảnh 1
Trình diễn giã bánh dày của dân tộc Mông, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

 
“Chợ vùng cao phía Bắc” tái hiện lại không gian văn hóa chợ vùng cao của các tỉnh miền núi phía Bắc, bao gồm: không gian chợ, các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc tại không gian chợ. Tại “chợ vùng cao” có sản vật địa phương được giới thiệu và bán cho du khách như thổ cẩm các loại, đồ dùng, vật dụng của người dân tộc, các thực phẩm tươi như   củ, quả của miền núi, các loại thuốc dân tộc và những món ăn đặc trưng ẩm thực các dân tộc phía Bắc như thắng cố, mèm mén, bánh gạo dân tộc Tày, rượu ngô của dân tộc Mông…   

 
Chợ vùng cao, nét dặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao. Chợ họp theo định kỳ thời gian, tại một điểm cố định nên còn được gọi là chợ phiên. Người vùng cao có lệ, đi chợ vài ba ngày, họp chợ trong một ngày. Chợ phiên vùng cao không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa đơn thuần mà còn là nơi để bà con các dân tộc đến gặp gỡ, giao lưu, tìm bạn, hẹn hò, tham gia các trò vui chơi giải trí. Chợ tan rồi lại hẹn gặp lại ở phiên chợ sau.

    
Chợ vùng cao phía Bắc sẽ diễn ra trong suốt các ngày từ 19-21/4.

Công Hải (TTXVN)  

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu