“Rắc rối Giới” của Judith Butler ra mắt bản tiếng Việt

Mạnh Quỳnh
Chia sẻ
(VOV5) - "Gender Trouble (Rắc rối giới) là “một trong những công trình nghiên cứu về nữ quyền và lệch pha được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử.”

Chiều 19/10, tại Hà Nội, bản tiếng Việt cuốn sách Gender Trouble (Rắc rối giới) của tác giả Judith Butler - Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành chính thức ra mắt bạn đọc

“Rắc rối Giới” của Judith Butler ra mắt bản tiếng Việt - ảnh 1Nhóm dịch giả (bên phải) chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt sách.

Lễ ra mắt sách là hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.

Theo dịch giả Nguyễn Thị Minh người hiệu đính Rắc rối giới "Với những người “trong ngành”, Judith Butler là cái tên không xa lạ, dù họ thể hiện quan điểm ủng hộ hay phản đối các công trình học thuật của tác giả này. Judith Butler là một nhà triết học và nhà lí thuyết giới người Mỹ có những tác phẩm ảnh hưởng đáng kể đến triết học chính trị, đạo đức cũng như đến các lĩnh vực thuộc làn sóng nữ quyền thứ ba, lí thuyết queer và lí thuyết văn học."

Tại buổi ra mắt sách, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc – Tổng biên tập nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết, “Rắc rối giới” là ấn phẩm thuộc tủ sách Phụ nữ Tùng thư (còn gọi là tủ sách Giới và Phát triển) của NXB Phụ nữ.

“Rắc rối giới” bản tiếng Việt ra mắt sau gần bốn năm làm việc của nhóm dịch Tiên Phong, trở thành ấn phẩm Gender Trouble được xuất bản đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

“Rắc rối Giới” của Judith Butler ra mắt bản tiếng Việt - ảnh 2Bà Khúc Thị Hoa Phượng Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam: Ảnh/ Mạnh Quỳnh VOV5

Bà Khúc Thị Hoa Phượng cũng cho biết thêm, NXB đã nỗ lực cho ra đời Rắc rối giới cùng với những cuốn sách khác trong Tủ sách Tùng thư, với mong muốn hệ thống những tri thức về Giới của thế giới, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam đang rất thiếu những cuốn sách hàn lâm về lĩnh vực này, để từ đó nâng cao nhận thức, thông qua lồng ghép giới, và hơn nữa có thể tác động tới chính sách về giới tại Việt Nam.

Dịch giả Phạm Phương Thảo, người đã có ý tưởng đưa Rắc rối giới tới bạn đọc Việt Nam, chia sẻ: Chị mong muốn cuốn sách được dịch ra tiếng Việt, bởi những cuốn sách như Rắc rối giới sẽ góp phần trong công cuộc nâng cao nhận thức về Giới và chính sách Giới ở Việt Nam. Theo chị, khi nói về chính sách nữ quyền, cũng cần có những cuốn sách phù hợp cho khung lý thuyết nữ quyền đó. Dựng một khung lý thuyết và sử dụng lý thuyết đó áp dụng vào chính sách thì chính sách đó sẽ chắc chắn hơn, có tác động tốt hơn.  

Dịch giả Đỗ Thùy Linh, người hiệu đính cho biết, sở dĩ thời gian dịch cuốn sách kéo dài vì việc dịch là một thách thức lớn, khi có rất nhiều thuật ngữ chuyên môn cũng như nội hàm phức tạp. Cách viết của Judith Butler từ bản gốc đã phức tạp về văn phong: “Rất khó để tìm ra những chủ ngữ, đại từ hay chủ thể chính. Nội dung về triết học cũng có rất nhiều vấn đề phải tranh luận. Khi đọc các tác phẩm của Judith Butler ngay cả những học giả Châu Âu cũng có người cảm thấy khó”. Tuy nhiên, theo chị Thùy Linh, đây là một cuốn sách thời thượng, và có thể sẽ thu hút các bạn đọc sinh viên cũng như giới trẻ nói chung. 

Theo dịch giả Nguyễn Thị Minh, người hiệu đính tác phẩm thì: Rắc rối Giới” khởi sự một cuộc đối thoại, nhưng nó không phải là lời kết luận cuối cùng của tác giả. Tác phẩm đã tỏa bóng cho nhiều lớp người trong xã hội, và ra nhiều ngành nghiên cứu như chính trị học, dân tộc học, ngôn ngữ học, tâm lý học xã hội, nghiên cứu nhân văn…

“Rắc rối Giới” của Judith Butler ra mắt bản tiếng Việt - ảnh 3Họa sĩ thiết kế bìa cho "Rắc rối giới" là một kiến trúc sư, đã trình bày bìa sách theo cách thức hoàn toàn khác với thông lệ của NXB, để nói lên tinh thần cuốn sách (Tên NXB được đặt ở góc trên, bức tranh lọ hoa của họa sĩ Điềm Phùng Thị cũng đưa vào góc và thay đổi màu sắc..) - Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc TBT NXB Phụ nữ cho biết.

Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, Judith Butler đã được NXB Phụ nữ giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam trước đó với cuốn Yêu sách của Angtigone, và sẽ tiếp tục có những cuốn sách khác của bà ra mắt bạn đọc Việt.

Có một điều thú vị, là những cuốn sách trong bộ Phụ nữ Tùng thư như những cuốn sách này, rất được chú trọng ở phần thiết kế, trình bày bìa. "Vì vậy, mặc dù là sách khảo cứu nhưng nhiều cuốn sách đã liên tục được tái bản, nối bản, và nhiều độc giả mua sách để sưu tập", bà Phượng nói.

Nói về những bài viết, những công trình nghiên cứu của Butler, người ta thường coi cuốn sách Gender Trouble (Rắc rối Giới) là “nổi” nhất – thách thức các quan niệm quy chuẩn về giới, đồng thời phát triển thuyết biểu hành giới (“gender performativity”, cũng được dịch là lí thuyết trình diễn giới). Mặc dù Gender Trouble (Rắc rối Giới) không hề dễ đọc một chút nào, song sách đã được bán hơn 100.000 bản với khoảng 30 ngôn ngữ trên toàn cầu. 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu