Ra mắt sách chuyển động scanimation đầu tiên của tác giả Việt Nam

Thùy Linh
Chia sẻ
(VOV5) -  Lướt cùng Tí Địa Lí của hai tác giả trẻ Xuân Đài và Uyên Trương là cuốn sách chuyển động scanimation đầu tiên của tác giả Việt Nam, dành cho lứa tuổi 4+.

Trên thế giới, sách tương tác đã trở nên quen thuộc với độc giả, đặc biệt là sách tương tác dành cho độ tuổi thiếu niên, nhi đồng. Tuy nhiên, dòng sách này vẫn còn khá mới mẻ với các tác giả Việt.

Ra mắt sách chuyển động scanimation đầu tiên của tác giả Việt Nam - ảnh 1

Theo “hướng dẫn viên” Tí Địa Lí, bạn đọc nhí sẽ lên chuyến tàu Bắc Nam, cùng nhau khám phá đất nước. Từ Bắc Bộ với đỉnh Fansipan, đồi chè trung du, ruộng bậc thang Tây Bắc, với thủ đô Hà Nội, vịnh Hạ Long, lễ hội Đền Gióng… đến Trung Bộ với kinh thành Huế, lễ hội đua thuyền rồng, những cây cầu ở Đà Nẵng, Hội An lung linh… đến vùng Tây Nguyên với lễ hội cồng chiêng, nhà Rông cùng đàn voi… đến Nam Bộ với mùa khô và mùa mưa, lễ hội Ok Om Bok cúng trăng, miền Tây sông nước với chợ nổi, sen Tháp Mười và những cánh đồng xanh màu lúa, với Bến Nhà Rồng, Thảo Cầm Viên, nhà thờ Đức Bà ở đô thị lớn nhất nước là thành phố Hồ Chí Minh.

Lướt cùng Tí Địa Lí là cuốn sách vứi mục đích cho độc giả nhỏ tuổi vừa chơi vừa học cùng nhau hoặc cùng phụ huynh. Chơi mà học, học mà như chơi, với tấm bảng scan đặc biệt để người đọc lướt trên từng trang sách giúp tạo ra những chuyển động. như con tàu chạy, dòng sông trôi, ruộng bậc thang dập dìu gió, sóng nước Hạ Long vỗ, đèn trên sông Hương, sông Hàn và phố cổ Hội An nhấp nháy… Sách cũng tặng thêm những bức hình tô  màu và thử trí thông minh với mê cung tìm đến kho tranh đẹp.

Nếu như Lướt cùng Tí Địa Lí là hành trình khám phá nước Việt thì Chinh phục Everest của Sangma Francis nói về nóc nhà thế giới, dãy núi Himalaya và đỉnh núi Everest.

Khoảng 50 triệu năm trước, dãy núi cao nhất thế giới được hình thành. Đến nay, mỗi năm nó vẫn tiếp tục cao thêm chừng 10mm. Đó chính là dãy núi Himalaya. Người Tây Tạng gọi ngọn núi là Chomolungma - “Thần mẫu của thế giới”. Ở Nepal, người ta gọi nó là Sagarmatha - “Nữ thần bầu trời”. Ở phương Tây, đỉnh núi mang tên Everest theo tên của George Everest, người đã dẫn đầu dự án Đại Khảo sát Lượng giác - dự án nhằm lập bản đồ tiểu lục địa Ấn Độ. Trong tiếng Phạn, Himalaya nghĩa là “ngôi nhà của tuyết”. Đây là nơi thổi bùng các phát minh, trí tưởng tượng và hành trình khám phá.

Ra mắt sách chuyển động scanimation đầu tiên của tác giả Việt Nam - ảnh 2

Chinh phục Everest đưa người đọc đến với ma thuật của dãy núi Himalaya cùng câu chuyện về ngọn núi cao nhất trong tất cả ngọn núi trên đời...

Từ đời sống động thực vật và bộ tộc người, từ truyền thuyết ở chân núi đến thế giới trên núi cao, từ hệ động thực vật đến thế giới băng tuyết khổng lồ, cuốn sách còn đề cập đến những phẩm chất của người leo núi, những hiểm họa, nỗ lực chinh phục, những thành công, những phát minh để chinh phục Everest của loài người

Con người đã leo lên núi Everest và cho thấy những chiến tích phi thường về lòng dũng cảm. Bằng sức mạnh, sự quyết tâm và kĩ năng, họ đã tìm ra những lộ trình mới và đẩy bản thân đến cực hạn. Núi Everest thúc giục tinh thần con người bay cao và đạt trạng thái tinh tuyệt nhất. Tuy nhiên, ngọn núi này còn có Vùng Chết, nghĩa địa băng giá nơi những người leo núi đã ngã xuống ở độ cao hơn 8.000 mét. Đây có thể xem như lời nhắc nhở cho thấy thiên nhiên có thể hùng mạnh và khó đoán đến thế nào.

Qua cuốn sách, Everest như đang kể về mình: Câu chuyện về các vị thần rong chơi trên đỉnh núi, lời thì thầm về những cánh rừng bị tước đi khỏi chân núi, hoặc khóc than cho những sông băng không còn phủ trên lưng núi. Tuy sừng sững như thế, Everest vẫn thuộc về một mạng lưới sự sống tinh tế trên hành tinh này và chúng ta cũng là một phần của mạng lưới đó.

Một chân trời cao rộng mở ra.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu