NSƯT Tiến Hợi và những thước phim xúc động trong “Hà Nội mùa đông năm 46“

Chia sẻ
(VOV5) - Trong “Hà Nội mùa đông năm 46”, NSƯT Tiến Hợi lột tả được sự kiên định, sáng suốt và đầy quyết đoán của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

“Hà Nội mùa đông năm 46” là bộ phim điện ảnh thứ 2 NSƯT Tiến Hợi vào vai Bác Hồ. Trước đó, vai diễn Bác Hồ đầu tiên trên màn ảnh của NSƯT Tiến Hợi là “Hẹn gặp lại Sài Gòn” năm 1990. Bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” được sản xuất năm 1997, đưa người xem quay trở lại Hà Nội vào năm 1946, khi đất nước đang ở thế "ngàn cân treo sợi tóc". Lúc này, thực dân Pháp đã lộ rõ âm mưu xâm lược Việt Nam một lần nữa. Trong thời điểm cam go này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách vô cùng hợp lý và sáng suốt.

Trong “Hà Nội mùa đông năm 46”, NSƯT Tiến Hợi một lần nữa được vào vai Bác. Nếu trong “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, Tiến Hợi thể hiện thành công hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trung thực, trong sáng, hoài bão, thì trong “Hà Nội mùa đông năm 46”, ông lại lột tả được sự kiên định, sáng suốt và đầy quyết đoán của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

NSƯT Tiến Hợi và những thước phim xúc động trong “Hà Nội mùa đông năm 46“ - ảnh 1

NSƯT Tiến Hợi vào vai Bác Hồ trong "Hà Nội mùa đông năm 46".

Năm 1946 lúc đó Bác Hồ 56 tuổi, NSƯT Tiến Hợi lại xấp xỉ 40. Ông chia sẻ, để thể hiện vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1946 không dễ gì. “Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh động viên tôi rất nhiều. Trước đó các anh cũng đã đi nhiều nơi để chọn người đóng vai Chỉ tịch Hồ Chí Minh nhưng cuối cùng lại quay lại mời tôi. Tôi vào vai diễn đó thực sự lại phải thử hóa trang theo kiểu điển ảnh. Vào vai diễn tôi cũng phải nghiên cứu các chặng đường hoạt động của Bác, những giai đoạn lịch sử từ năm 1945-1948, giai đoạn Bác hoạt động các mạng trên chiến khu Việt Bắc. Cốt lõi là tôi tìm lối diễn để thể hiện được thần thái của Bác. Toát lên thần thái với một vai lãnh tụ thì còn khó gấp bội với các vai diễn khác”, NSƯT Tiến Hợi từng chia sẻ.

Ban đầu, vai Hồ Chủ tịch được đạo diễn Đặng Nhật Minh ủy thác một cán bộ Đài truyền hình Việt Nam vì có ngoại hình tương đối giống cụ Hồ, nhưng sau đó, vai diễn này cuối cùng thuộc về NSƯT Tiến Hợi. NSƯT Tiến Hợi từng bỏ ra 2 tháng xem phim tư liệu và nghe bản thu thanh giọng nói Hồ Chủ Tịch để tìm cách hóa thân vào nhân vật sao cho sinh động nhất. Quãng 10 năm sau khi phim công chiếu, tên tuổi Tiến Hợi trở nên quen thuộc với khán giả trong vai Bác Hồ. Bất cứ chương trình biểu diễn quần chúng nào đòi hỏi có nhân vật Hồ Chủ Tịch, ông cũng được mời, dù chỉ là vai trò đứng như tượng vẫy tay cho đồng bào chiêm ngưỡng. Cho tới thời điểm này, chưa tài tử nào vượt được Tiến Hợi về khả năng diễn vai cụ Hồ.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nhớ lại thời điểm tìm vai Bác Hồ cho “Hà Nội mùa đông năm 46”. Ban đầu, diễn viên ông quyết định chọn là một cán bộ làm ở Đài truyền hình. Anh có vầng trán cao (không cần phải hóa trang nhiều), phong thái đĩnh đạc. Hóa trang thử thấy giống. Nhưng đến ngày bắt đầu quay thì đêm trước anh ra hiệu cắt tóc. Nhìn cái đầu cắt cao vống lên hai bên thái dương và sau gáy, tôi không còn nhận ra nhân vật của mình nữa. Hóa trang Phan Đình Sáu lôi ra một bộ tóc giả đã được chuẩn bị sẵn, trùm lên.

NSND Đặng Nhật Minh thất vọng đến tột độ và quyết định thay người khác. Lúc đó, ông nghĩ đến Tiến Hợi. Và NSND Đặng Nhật Minh cũng cho rằng, đó là sự lựa chọn đúng đắn nhất cho vai diễn Bác Hồ trong “Hà Nội mùa đông năm 46”.

“Nhờ sự đóng góp của Tiến Hợi, bộ phim được đánh giá cao. Có lẽ, một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của “Hà Nội mùa đông năm 46” là đóng góp của nghệ sĩ Tiến Hợi. Anh diễn chân thật và quan trọng là giống nhất trong cả ngoại hình lẫn tiếng nói”, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ.

NSND Đặng Nhật Minh nói thêm: “Tiến Hợi có lợi thế là hồi đó có dáng người gầy, khuôn mặt xương xương giống Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi hóa trang càng trở nên giống hơn. Khi đóng phim anh cũng rất nghiêm túc, chuyên nghiệp, luôn tìm tòi, tự thể hiện những chi tiết cho giống Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất có thể. Anh cũng rất nhiệt tình với công việc của mình”.

NSƯT Tiến Hợi và những thước phim xúc động trong “Hà Nội mùa đông năm 46“ - ảnh 2

NSƯT Tiến Hợi qua đời sáng 10/2 tại Hà Nội, ông hưởng thọ 63 tuổi.

Đánh giá về diễn xuất của NSƯT Tiến Hợi, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, ông là một diễn viên chuyên nghiệp. NSƯT Tiến Hợi có rất nhiều kinh nghiệm về diễn xuất trên sân khấu, tất cả những kinh nghiệm đó đều được ông đem vào trong điện ảnh, nên diễn xuất của ông rất chân thực.

NSND Đặng Nhật Minh nhớ lại thời điểm quay “Hà Nội mùa đông năm 46”, khi đó, NSƯT Tiến Hợi đang bận đi diễn với đoàn kịch ở thành phố Hồ Chí Minh, phải phụ thuộc vào lịch đoàn kịch. Nhưng đoàn phim khi đó vẫn kiên trì chờ, quay trước những cảnh không có Tiến Hợi. Đến khi sắp xếp được thời gian, NSƯT Tiến Hợi cùng đoàn phim quay tiếp những cảnh còn thiếu.

“Tôi nhớ cảnh đầu tiên anh Tiến Hợi diễn là trong nhà một người dân trong làng, vào buổi tối, Bác Hồ đã gặp và nói chuyện với ông chủ nhà. Quay xong cảnh đó tự nhiên anh em trong đoàn vỗ tay ầm lên, ngay cả những người đứng xem ai cũng đều thấy rất hài lòng với hình tượng Bác Hồ mà NSƯT Tiến Hợi thể hiện. Họ chính là những người khán giả đầu tiên được xem anh Tiến Hợi diễn trong bộ phim này. Ngoài ra, một phân đoạn ấn tượng khác nữa là cảnh Bác Hồ ngồi viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trong nhà một người nông dân ở ngoại thành, trước khi rút về chiến khu. Cảnh đó tôi cho anh Hợi diễn rất đạt. Một mình Bác ngồi bên ngọn đèn dầu, viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thấp thoáng xa xa là vợ chồng người nông dân bế đứa con đứng yên lặng nhìn Bác”, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ.

NSND Đặng Nhật Minh đánh giá, NSƯT Tiến Hợi có đóng góp rất lớn đối với sân khấu và điện ảnh nước nhà, đặc biệt trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, NSƯT Tiến Hợi còn thành công trong nhiều vai diễn khác nữa, chứ không phải chỉ riêng vai Bác Hồ.

"Hà Nội mùa đông năm 46" đã đem đến cho người xem những thước phim đầy xúc động về Bác trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bác lặng lẽ suy nghĩ cân nhắc tình thế cách mạng, Bác trầm ngâm hỏi vị tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang: "Có thể giữ Hà Nội được bao lâu?", Bác và Trung ương, Chính phủ rời Hà Nội trở lại Việt Bắc trong đêm chúng ta nổ súng mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc 19/12/1946 với lòng quyết tâm sục sôi "nhất định sẽ trở về Hà Nội". Mọi tình tiết trong phim đều khiến chúng ta thêm ngưỡng mộ và kính yêu Người cha già - linh hồn của dân tộc. Bộ phim sau đó đã gây được tiếng vang lớn tại nhiều Liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Hà Phương/VOV.VN

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu