Nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp

Ngọc Luân
Chia sẻ
(VOV5)- Bộ Xây dựng Việt Nam vừa đưa mô hình nhà lưu trú, nhà trọ cho công nhân vào diện nhà ở xã hội và sẽ hỗ trợ về vốn, quy hoạch, xây dựng để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Đây là tín hiệu vui đối với nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà trọ ở thành phố Hồ Chí Minh, góp phần cùng các cấp chính quyền giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, lao động trên địa bàn thành phố.
(VOV5)- Bộ Xây dựng Việt Nam vừa đưa mô hình nhà lưu trú, nhà trọ cho công nhân vào diện nhà ở xã hội và sẽ hỗ trợ về vốn, quy hoạch, xây dựng để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Đây là tín hiệu vui đối với nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà trọ ở thành phố Hồ Chí Minh, góp phần cùng các cấp chính quyền giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, lao động trên địa bàn thành phố.

Hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 15 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, thu hút khoảng 250 nghìn lao động, trong đó có đến 70% số người lao động có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Để đáp ứng chỗ ở cho công nhân, năm 2014, thành phố  triển khai xây dựng mới các công trình như: Dự án Nhà lưu trú công nhân Tân Thới Hiệp và khu chế xuất Linh Trung II; dự án Nhà lưu trú giai đoạn 2 tại khu chế xuất Tân Thuận và các khu công nghiệp mới...

Đây là những dự án nhà cao tầng với đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội. Diện tích các phòng khá đa dạng, từ 25 đến 120 m2 và giá thuê phòng khá rẻ. Tuy nhiên, dù có nhiều cố gắng, nhưng số lượng căn hộ cũng chưa thể đáp ứng hết nhu cầu đối với một thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Bởi vậy thành phố đã thực hiện mô hình hỗ trợ xây dựng các nhà trọ tư nhân, nhằm đáp ứng thêm nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Nằm sâu trong một con đường đất đỏ cạnh khu công nghiệp Cát Lái, dãy nhà trọ dành cho công nhân của gia đình bà Nguyễn Bích Phượng, ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 thường xuyên không còn phòng trống. Những căn phòng chỉ rộng hơn 10m2, nhưng nhiều người đã tìm đến đây để thuê ở. Chị Bùi Thị Huệ, công nhân khu công nghiệp Cát Lái, cho biết: Nhà trọ ở chỗ chúng tôi chỉ có 12m2 thôi, nhưng nhiều công nhân tìm đến đây để ở. Nếu nói là thích, thì không thích lắm đâu, vì mình ở trọ mà. Lúc nào cũng chật chội, nhưng đó là nơi để nghỉ ngơi sau khi lao động thôi, nên mình chấp nhận.

Ở nhiều nơi, chủ nhà trọ tự xây dựng phòng trọ và  hỗ trợ người lao động về giá thuê phòng, nhưng nhìn chung các khu nhà trọ do dân tự xây dựng vẫn mang tính tự phát và chưa đúng theo quy chuẩn. Vì vậy, mô hình xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân của Bộ xây dựng vừa được ban hành nhận được sự đồng thuận tích cực từ nhiều chủ nhà trọ. Bà Huỳnh Thị Thành, chủ nhà trọ ở đường số 3, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Thứ nhất mình là người đầu tư xây dựng có cái lợi, mà người khác cũng có điều kiện để ở, đi làm cho thoải mái hơn. Nhà nước đã quan tâm như vậy, dù mình chưa làm được thì mình cảm thấy được nhà nước hỗ trợ, mong muốn xã hội phát triển.  Dù mình chưa làm những cũng đã thấy cảm động rồi.

Nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp  - ảnh 1
Một dự án nhà ở xã hội đang được xây dựng - Ảnh: Báo Người lao động

Hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh có gần 20.000 hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thuê, đáp ứng được tới 80 – 90% nhu cầu chỗ ở cho công nhân và lao động nghèo. Diện tích bình quân mỗi phòng khoảng 10 – 18m2, giá thuê từ 1 triệu đến 1triệu 200 nghìn mỗi tháng. Mức chi phí này được coi là hợp lý đối với người có thu nhập thấp.

Sau khi khảo sát tại các khu nhà trọ cho công nhân do người dân tự xây dựng tại quận Thủ Đức và Khu lưu trú công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: nhà nước sẽ công nhận, hỗ trợ về vốn và quy hoạch để khuyến khích người dân cùng tham gia xây dựng nhà ở cho người lao động. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, người lao động, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. 

Ông Trịnh Đình Dũng đánh giá: Các hộ gia đình có vai trò quan trọng trong việc cung ứng chỗ ở cho công nhân, vì vậy công nhận mô hình nhà trọ là nhà ở xã hội  và tạo ưu đãi cho mô hình này là hết sức cần thiết: Phải có sự hỗ trợ của nhà nước, chứ không thể để người dân một mình bươn trải được. Hỗ trợ về tín dụng, quy hoạch, chẳng hạn người dân có đất thì sẽ cho phép làm nhà ở để cho thuê, theo quy hoạch chung của tổng thể khu vực, chứ không hạn chế. Rồi giảm các loại thuế, đặc biệt là thuế thu nhập để người dân có lợi.

Bộ Xây dựng Việt Nam hiện đang gấp rút hoàn thiện các thông tư hướng dẫn, từ đó khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, hộ gia đình để tham gia làm nhà ở xã hội. Với những tiêu chí cụ thể, những dãy nhà trọ tới đây sẽ được chuẩn hóa hơn, tạo điều kiện sống tốt hơn, với mức giá hợp lý cho công nhân lao động và những người thu nhập thấp./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu