(VOV5) - Cách đất liền khoảng 220 hải lý, nhà giàn DK 1/11, một chấm nhỏ trên biển Đông cũng là một dấu mốc của Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền trên thềm lục địa phía tây nam của Tổ quốc. DK1 là Cụm dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn. DK1/11 còn gọi là nhà giàn Tư Chính C hay Tư Chính 3, hoàn thành tháng 8 năm 1994. Đây là khu vực có vị trí quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế biển và công tác quản lý chủ quyền vùng biển trên khu vực DK1.
|
Các cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/11 chụp ảnh cùng đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm trên nóc nhà giàn. |
Không giống với các đảo nổi có không gian rộng rãi trải rộng như một ngôi làng, chẳng giống với các đảo chìm, nằm trên bãi đá ngầm san hô và các khối đá mồ côi, khi thủy triều thấp có thể ngoi lên trên mặt nước, nhà giàn khiêm nhường hơn, đứng chông chênh giữa mênh mông sóng nước. Để cập xuồng lên được nhà giàn cũng là một sự khó khăn và gian nan kể cả những ngày trời lặng sóng, nói chi đến mùa biển động. Những con sóng thúc dồn dập khi thì chúi chiếc xuồng với sức chứa khoảng trên chục người vào chân đế nhà giàn lúc như muốn kéo bật ra khơi xa. Thế nên những người khách có may mắn được thăm nhà giàn như ông Âu Văn Yên, người Việt ở Ba Lan, mới hiểu thêm về cuộc sống và khâm phục ý chí của những người lính bám biển: "Đặt chân lên đây, tôi được nghe thiếu úy, chính trị viên khẳng định ý chí sẵn sằng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh của các chiến sĩ ở đây. Đứng tại đây, ở biển là mênh mông, trên nhà giàn chỉ có một điểm tựa, không biết độ vững chắc hay không, càng thấy cảm phục sự hi sinh lớn lao của các chiến sĩ ở đây."
Bao nhiêu hiểm nguy sẵn sàng rình rập nơi nhà giàn. Nhiều người vẫn chưa quên cơn bão với gió giật cấp 12 cuối năm 1990 làm 3 người lính nhà giàn DK1/3 hy sinh. Và tám năm sau, sóng dữ đã đánh tan nhà giàn Phúc Nguyên 2A, lại có 3 chiến sĩ mãi mãi nằm lại ở biển khơi. Thế nhưng, nhà giàn này đổ, nhà giàn khác lại mọc lên tiếp tục sứ mệnh làm nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ nhà trạm và vùng trời được phân công. Thượng úy Phan Thanh Tuấn, tuổi đời còn trẻ nhưng anh đã kinh qua một số đảo rồi sau đó là nhà giàn thuộc cụm Phúc Tần, cụm Ba Kè và nay là cụm Tư Chính: "So sánh thực tế ở mỗi một nơi có đặc thù riêng. Với mức độ sóng gió, so sánh với nhà giàn thì nhà giàn chịu nhiều thời tiết khắc nghiệt hơn ở ngoài đảo."
Đóng quân trên bãi cạn Tư Chính, thuộc thềm lục địa phía Tây Nam của Tổ quốc, tình hình thời tiết trong khu vực này diễn biến rất phức tạp nhất là mùa mưa bão diễn ra từ tháng 6 đến tháng 12. Đỉnh điểm vào dịp cuối năm thường có gió mùa đông bắc và những cơn bão lớn ở quỹ độ thấp. Thiếu tá Nguyễn Xuân Hà, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/11 kể vào những đêm có sóng dữ, cơ bản anh em trong nhà giàn không ai ngủ mà làm nhiệm vụ “trông sóng”, sẵn sàng xử lý mọi tình huống có thể xảy ra. Thiếu tá Nguyễn Xuân Hà, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/11 cho biết: "Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp trên, cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp cơ bản đã qua đào tạo và có thời gian công tác ở nhà giàn những năm qua nên tích lũy được một số kinh nghiệm, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, nhất là nhiệm vụ trực canh quan sát, quản lý khu vực cả trên không lẫn trên biển. 100% các mục tiêu lạ xuất hiện trong khu vực đều được phát hiện và báo cáo kịp thời về sở chỉ huy và qua mạng thông tin liên lạc."
DK1/11 nằm cạnh đường hàng hải quốc tế, do vậy các cán bộ, chiến sĩ DK1 luôn tập trung cao độ, có tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên biển. Bên cạnh nhiệm vụ chính là huấn luyện, trực chốt hoặc tham gia cứu hộ cho ngư dân gặp nạn trên biển, để cải thiện bữa ăn hàng ngày, lính nhà giàn đã phát huy nhiều sáng kiến trong trồng rau thông qua phong trào “trồng rau trên sóng”. Nhìn những vườn rau mini lên xanh tốt bắt gặp bên lan can, trên sân thượng nhà giàn DK1/11 mới thấy đó hẳn là cả một công trình. Trồng rau trên sân thượng sẽ tránh nước biển mặn xâm nhập. Tuy nhiên, gió biển vẫn là kẻ thù của rau. Bằng sự khéo léo che chắn, chăm sóc kỹ lưỡng, mặc thời tiết khắc nghiệt, bão táp, gió biển, những mầm xanh vẫn vươn dài trong nắng gió đại dương. Với ngôi nhà trên biển như thế này, vườn rau, con cá hay sóng gió biển khơi là những người bạn không biết nói của các anh. Thương quý biết bao cảnh các anh chiến sĩ cầm cần câu đứng chênh vênh trên khung giằng sắt dưới chân nhà giàn câu cá. Nụ cười hồn nhiên của chàng lính trẻ như xua tan mọi lo lắng của chúng tôi bởi từng vị trí ở nhà giàn này các anh đã vô cùng quen thuộc. Qua năm tháng, các anh thấy yêu biển, yêu nhà giàn hơn, tình yêu ấy đã được tính bằng cấp số nhân. Trong một lời nhắn tới những người thân trong gia đình, anh Lê Văn Chiên, Chính trị viên nhà giàn DK1/11 khẳng định: "Bố mẹ hãy yên tâm: ngoài này chúng con sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. (Khóc). Hình ảnh để lại trong tôi nhất đó là mẹ tôi. Mẹ ngày đêm vất vả một nắng hai sương, vất vả ruộng đồng, tần tảo. Và mong muốn, theo nguyện vọng theo mục tiêu lý tưởng tôi đã xác định thì bố mẹ tôi sẽ ủng hộ. Tôi hy vọng đó sẽ là động lực để tôi cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ."
Nguyện vọng được cống hiến, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc của các anh đã trở thành hiện thực. Trong khó khăn, gian khổ vẫm sáng lên niềm lạc quan bởi họ tự hào với nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, trời bình yên của đất nước./.