Sáng 26/10, nhạc sĩ Văn Ký đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi. Sự ra đi của nhạc sĩ Văn Ký đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với thế hệ các nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam.
Là một trong những nhạc sĩ sáng lập ra Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Văn Ký đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà. Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Văn Ký đã sáng tác hơn 400 tác phẩm thanh nhạc trải dài cả khí nhạc, nhạc múa, ca kịch... Những ca khúc của ông luôn có tính khái quát cao và có giá trị lâu dài, vượt thời gian, trở thành những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam. Một trong số đó phải kể đến ca khúc “Bài ca hy vọng” được ông sáng tác vào năm 1958 với giai điệu thật đẹp, thật ngọt ngào, trong trẻo về những mùa xuân hy vọng.
"Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/ Đường ta đi xanh thắm mộng đời/Về tương lai! Đàn chim ơi! cùng ta cất cánh…". Bài hát thể hiện tâm tư, tình cảm từ đáy lòng của người nhạc sĩ, gửi niềm hy vọng vào cuộc sống, từ thời chiến tranh ác liệt cho đến ngày đất nước hoà bình. Giai điệu mượt mà, tha thiết cùng ca từ dung dị, sâu lắng đã thấm vào trái tim yêu nhạc và tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam.
"Tôi đã có may mắn được sống qua nhiều thời kỳ lịch sử... Ngay cả thời kỳ gian khổ tôi vẫn tin tưởng ngày mai chiến thắng. Thậm chí tôi mơ ước bay lên trong niềm mơ ước đất nước Việt Nam sẽ hòa bình thống nhất và đất nước sẽ tươi đep như màu xanh, áo mới và qua hai cuộc kháng chiến chúng ta đã giành thắng lợi”…" - Nhạc sĩ Văn Ký từng tâm sự.
Bài ca hy vọng - Khánh Linh
Ca khúc "Bài ca hy vọng" được phát lần đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Nhạc sỹ Phạm Tuyên - Trưởng ban Âm nhạc của Đài bố trí để Văn Ký trực tiếp dàn dựng, Hoàng Mạnh đệm đàn piano, Lê Bích thổi sáo. Người hát do chính nhạc sĩ Văn Ký chọn lựa, đó là ca sĩ Khánh Vân, Đoàn Ca múa nhạc Trung ương. Giai điệu của “Bài ca hy vọng” qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Vân đã vào với miền Nam ruột thịt, nơi đồng bào và chiến sĩ đang “căng” mình chống trả sự đàn áp của đế quốc. Bài hát đã trở thành vũ khí tinh thần cho những người hoạt động cách mạng miền Nam, và được tuyên truyền rộng khắp. Sau này, "Bài ca hy vọng" đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công như Mỹ Bình, Trung Kiên, Lê Dung, Hồng Nhung, Lan Anh, Khánh Linh...
Các sáng tác của ông có đề tài rất phong phú, mang đến cho người nghe những rung cảm mạnh mẽ, sâu sắc nhưng đầy chất trữ tình trong sáng như: "Tây Nguyên bất khuất”, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Nha Trang mùa thu lại về”..., tất cả đều toát lên niềm tin, niềm lạc quan hướng về tương lai tươi sáng của đất nước.
Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi - Khánh Ly
Nha Trang mùa thu lại về - Ngọc Anh
Nhạc sĩ Văn Ký đã từng nói, Hà Nội là quê hương thứ hai của mình, nên những ca khúc về Hà Nội luôn là tấm lòng chân thành của người nhạc sĩ đối với mảnh đất nghìn năm văn hiến. Có thể kể ra những ca khúc hay như: “Tiếng hát sông Hồng”, “Kỷ niệm thu”, “Bâng khuâng chiều hạ”,“Hà Nội nhớ”, “Hà Nội bình minh”,...và đặc biệt là hai ca khúc "Trời Hà Nội xanh" và "Hà Nội mùa xuân"..., thuần khiết trong sáng, bao chứa cái đa màu sắc với những cung bậc tình cảm khác nhau của người nhạc sĩ. Ông từng thổ lộ: "Với tôi bầu trời mùa thu Hà Nội có vẻ đẹp và nói lên rất nhiều điều, không chỉ vẻ đẹp thiên nhiên, mà ở đó còn nói lên khát vọng. Bài hát "Trời Hà Nội xanh" là tôi muốn nói lên điều đó. Bầu trời Hà Nội còn là bầu trời chiến thắng, bắn rơi nhiều máy bay của quân xâm lược, bầu trời của những chùm pháo hoa bay lên trong lễ hội và bầu trời ấy mãi xanh bởi khát vọng hòa bình".
Trời Hà Nội Xanh
Hà Nội mùa xuân
Trong lĩnh vực khí nhạc, ông còn viết nhiều thể loại như ca cảnh, nhạc múa, ca kịch "Nhật ký sông Thương" (1971), "Đảo xa" (1972), nhạc cho các bộ phim truyện "Cô gái công trường", "Trên vĩ tuyến 17", phim tài liệu "Bác Hồ muôn vàn tình yêu", tổ khúc thiếu nhi cho piano, biến tấu trên chủ đề "Se chỉ luồn kim" cho cello và piano. Đặc biệt tổ khúc kịch múa K'Nhi gồm 7 chương viết cho dàn nhạc giao hưởng đã được biểu diễn nhiều lần ở Liên Xô và Đông Đức, được xuất bản năm 1989. Ông đã xuất bản Tập ca khúc Văn Ký và Băng nhạc Văn Ký vào năm 1994.
Trong suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Văn Ký luôn lao động sáng tạo không mệt mỏi. Kể cả khi đã ở độ tuổi hơn 90, ông liên tiếp ra mắt các tác phẩm mới như: "Quốc hội Việt Nam" (đoạt giải Ba trong Cuộc vận động sáng tác ca khúc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016), "Bình yên Hà Nội", "Sóng Tây Hồ", "Tiếng sáo diều", "Yêu biển đảo quê em", "Hà Nội - nỗi nhớ trong tôi", "Hưng Yên mùa nhãn chín"…
Với những đóng góp lớn lao cho nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Văn Ký đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý. Năm 2011, ông đã được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cùng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, và nhiều huy chương của các ngành, đoàn thể.