Ngành y học Việt Nam với những thành tựu ngang tầm thế giới

Văn Hải
Chia sẻ
(VOV5) - Dấu ấn của những tiến bộ kỹ thuật mới này là sự tâm huyết, sáng tạo và những nỗ lực vượt qua khó khăn của các y, bác sỹ Việt Nam.
(VOV5) - Dấu ấn của những tiến bộ kỹ thuật mới này là sự tâm huyết, sáng tạo và những nỗ lực vượt qua khó khăn của các y, bác sỹ Việt Nam.

Những năm qua, nền y học Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, từ nâng cao chất lượng khám chưa bệnh, trình độ y sỹ, bác sỹ, đặc biệt là nghiên cứu, áp dụng thành công những tiến bộ khoa học hiện đại vào thực tế điều trị. Dấu ấn của những tiến bộ kỹ thuật mới này là sự tâm huyết, sáng tạo và những nỗ lực vượt qua khó khăn của các y, bác sỹ Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Năm 2015, ngành y Việt Nam thực hiện thành công ca vận chuyển nội tạng xuyên Việt bằng máy bay để ghép tim, gan thành công cho hai bệnh nhân. Kỹ thuật ghép nội tạng này thực hiện ở Việt Nam nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên các y, bác sỹ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội đưa nội tạng từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội không cần phương tiện chuyên dụng đi kèm. Trong hoàn cảnh còn thiếu các trang thiết bị hiện đại và chuyên dụng nhưng các y, bác sỹ Bệnh viện Việt Đức vẫn quyết tâm sáng tạo ra cách bảo quản tạng tốt nhất có thể. Không những vậy, những những y, bác sỹ này sau khi vận chuyển nội tạng ra đến Hà Nội lại tham gia 2 ca ghép tim, gan song hành đến tận sáng hôm sau. Giáo sư Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chia sẻ: Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên thế giới thực hiện thành công việc di chuyển nội tạng như vậy: Chúng tôi cho tạng vào túi ni-lông chứa dung dịch bảo quản chuyên biệt, sau đó lại cho vào những túi ni- lông  đựng nước để tạng không bị tổn thương khi va đập trong tủ bảo quản chứa đầy đá lạnh. Hôm đó hộp tạng to quá, không vừa khoang hành khách của máy bay nên chúng tôi lại tìm mọi cách thuyết phục phi công cho phép để hộp đựng tạng tại nơi khả dĩ nhất là gần chỗ ngồi của phi công. Sau đó, thỉnh thoảng lại chạy lên để bơm dung dịch bảo quản tạng.

Ngành y học Việt Nam với những thành tựu ngang tầm thế giới - ảnh 1
GS. TS. Trịnh Hồng Sơn. Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức. Ảnh: congly.com.vn



Ngành sản khoa Việt Nam năm qua cũng có nhiều thành tựu nổi bật. Lần đầu tiên Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh, và sau đó là Bệnh viện Phụ sản Trung ương công bố những ca mang thai hộ thành công. Kỹ thuật này không chỉ thể hiện tay nghề của các bác sĩ Việt Nam mà còn cho thấy tính nhân văn sâu sắc khi ngành y tế có những đóng góp trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật về mang thai hộ. Từ đây, nhiều gia đình được hưởng hạnh phúc tưởng như giản đơn nhưng không hề đơn giản nếu họ bị mắc bệnh lý và không thể tự mang thai.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, lần đầu tiên 1 nữ bệnh nhân suy thận vừa được điều trị chạy thận nhân tạo vừa được can thiệp để giữ được thai và sinh con thành công, thỏa ước nguyện của bệnh nhân và gia đình. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cũng lần đầu tiên cứu sống được cặp song sinh đẻ non chỉ nặng hơn 5 lạng. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khẳng định đó là nỗ lực, tận tụy của các y, bác sỹ để cứu sống thành công hai trẻ sinh non:Trong chăm sóc sơ sinh, trước hết phải vô khuẩn, sau đó đến dinh dưỡng, trang thiết bị, thuốc men. Tất cả phải hết sức chu đáo. Lúc nào cũng có người túc trực bên bé, một bé chỉ ngừng thở 20 giây đã có thể đe dọa đến tính mạng. Số lượng cán bộ công nhân viên của chúng tôi được phép là 216 nhưng thực tế chúng tôi chỉ có 80 người nên phải gồng mình để giải quyết khối lượng công việc cực kỳ lớn. Với 200 giường bệnh mà chỉ có 1000m2.  Hàng năm chúng tôi đón nhận từ 22000 đến 25000 trẻ sơ sinh bệnh nặng, trong đó 19% trẻ sinh non, nhẹ cân và mang trong mình nhiều bệnh lý phức tạp.


Ngành y học Việt Nam với những thành tựu ngang tầm thế giới - ảnh 2
Bệnh viện Bạch Mai tổ chức lễ tiễn 2 bệnh nhân đầu tiên được điều trị UTTTL bằng cấy hạt phóng xạ ra viện. Ảnh: songkhoe.vn



Trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, năm qua Bệnh viện Việt Đức lần đầu tiên thực hiện thay đốt sống nhân tạo bằng titan cho bệnh nhân mắc những bệnh lý cột sống, bệnh nhân ung thư di căn tiêu hủy đốt sống hoặc bệnh nhân bị chấn thương cột sống dẫn đến gãy vụn đốt sống. Kỹ thuật mới này cũng là thành tựu gần đây nhất của thế giới, giúp đốt sống không bị vỡ vụn và tránh được biến chứng. Cũng tại Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, bác sỹ trẻ Đỗ Mạnh Hùng đã nhận Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên 2015 với Đề tài “Ứng dụng nguyên lý “chìa khóa - ổ khóa” trong điều trị chấn thương cột sống cổ trật cài thân đốt sống”. Đây là báo cáo đầu tiên trên thế giới về phân loại được 2 kiểu trật “thuận chiều” và “ngược chiều” trong điều trị trật đốt sống cổ cho bệnh nhân bị chấn thương. Bác sỹ Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ: Xuất phát từ quan sát trong thực tiễn, để khóa một ổ khóa thì đút chìa khóa vào ổ và vặn thuận chiều kim đồng hồ và mở ổ khóa thì vặn chìa khóa ngược chiều kim đồng hồ. Từ đó chúng tôi ứng dụng vào điều trị tổn thương, chấn thương cột sống cổ cho bệnh nhân.

Thành tựu trong lĩnh vực điều trị ung thư phải kể đến việc lần đầu tiên các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Bạch Mai cấy hạt phóng xạ vào các nhánh động mạch để làm tắc mạch máu nuôi khối u; đồng thời phát ra bức xạ năng lượng thấp tiêu diệt tế bào ung thư và ảnh hưởng rất ít tới mô lành xung quanh. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật cắt hớt niêm mạc cho bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa để không phải cắt một phần dạ dày và đại tràng của người bệnh...

Vừa nỗ lực cấp cứu, điều trị bệnh nhân, các y, bác sỹ Việt Nam vừa miệt mài nghiên cứu, ấp ủ thực hiện những kỹ thuật mới trong thời gian tới, như mổ nội soi bằng robot trên người lớn, mong chờ ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới để sẵn sàng học hỏi ứng dụng nếu thành công... Những ước mong đó đều xuất phát từ lòng yêu nghề, trách nhiệm với sự sống của bệnh nhân, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu