Nét đẹp văn hóa, lịch sử từ ngôi chùa do Vua Trần Nhân Tông sắc phong

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Chùa Ngọc Đới gắn liền với nhiều phong trào yêu nước của các tướng lĩnh, sĩ phu; là hậu cứ quan trọng của cuộc khởi nghĩa Ba Đình.

Ở xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, có một ngôi chùa cổ trên 700 năm. Chùa được biết đến với nhiều tên gọi như: chùa Ngọc Đái, chùa Ngọc Đới, chùa Cảm Cách, chùa Cách. Trong tâmkhảm của người dân trong vùng và những người con xa quê, ngôi chùa là một biểu tượng về văn hóa tâm linh. Bởi đây là ngôi chùa được đích thân Vua Trần Nhân Tông sắc phong.

Nét đẹp văn hóa, lịch sử từ ngôi chùa do Vua Trần Nhân Tông sắc phong - ảnh 1Khung cảnh chùa Ngọc Đới nhìn từ bên ngoài.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vào thế kỷ XIII, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, trong chuyến thị sát động viên tướng lĩnh nhân dân đánh giặc, vua Trần Nhân Tông có đi ngang qua khu vực thuộc xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc (ngày nay). Khi biết quanh vùng không có ngôi chùa nào để thắp hương cầu nguyện trời đất, mong Quốc thái dân an, nhà vua đã cởi đai ngọc, giao cho Hào trưởng để xây chùa cho người dân thực hiện hoạt động tín ngưỡng cộng đồng. Khi ngôi chùa xây dựng xong, nhà vua sắc phong tên chùa là Ngọc Đái tự (tức chùa Đai Ngọc). Sau này, người dân gọi chệch là chùa Ngọc Đới. Sống ở thôn Cách, nơi ngôi chùa tọa lạc, ông Đỗ Văn Kính, 72 tuổi, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tuy Lộc, cho biết: “Tôi là người từng trông coi ở chùa này. Ngôi chùa có từ lâu đời lắm rồi. Các cụ nhiều tuổi cũng không biết ngôi chùa này có từ thời nào. Tên của ngôi chùa ngày xưa gọi là chùa Ngọc Đái. Chữ Ngọc Đái hơi khó coi, nên mới sửa lại tên chùa là Ngọc Đới. Đây là di tích quốc gia. Người dân rất ngưỡng mộ và có tín ngưỡng tâm linh với ngôi chùa. Ở đâu, người ta cũng về đây”.
Nét đẹp văn hóa, lịch sử từ ngôi chùa do Vua Trần Nhân Tông sắc phong - ảnh 2
Hình ảnh một lễ rước của người dân trong Lễ hội truyền thống của chùa Ngọc Đới.

Chùa Ngọc Đới gắn liền với nhiều phong trào yêu nước của các tướng lĩnh, sĩ phu; là hậu cứ, căn cứ địa quan trọng của cuộc khởi nghĩa Ba Đình, đỉnh cao nhất trong Phong trào Cần Vương chống Pháp được vua Hàm Nghi ban chiếu vào năm 1885.

Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chùa Ngọc Đới tiếp tục là nơi nuôi dưỡng và bảo vệ các cán bộ của Đảng từ năm 1937. Sư cụ Đàm Diêm chủ trì chùa đã nuôi giấu nhiều cán bộ tiền bối như: ông Trần Quang Tịch, thành viên của Mặt trận Việt Minh xã Tuy Lộc, Trưởng Ban Khởi nghĩa tháng Tám huyện Hậu Lộc; Ông Lê Chủ, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá thời kỳ hoạt động bí mật; Ông Hoàng Xung Phong; Ông Lê Hồng Quế....

Trong kháng chiến, chùa Ngọc Đới đã ủng hộ hơn 500 kg thóc cho Quỹ “Lúa khao quân” của Hồ Chủ Tịch. Sư Đàm Diêm ủng hộ 2 chiếc nhẫn vàng hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Chính phủ phát động. Với những thành tích đóng góp cho kháng chiến, vào ngày 20/2/1947, sư Đàm Diêm đã vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu huyện Hậu Lộc đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Vào ngày 21/8/2001, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng có công với nước cho chùa và sư Đàm Diêm. 10 năm sau, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho chùa Ngọc Đới.

Nét đẹp văn hóa, lịch sử từ ngôi chùa do Vua Trần Nhân Tông sắc phong - ảnh 3

Để duy trì không gian văn hóa tâm linh, gìn giữ di tích lịch sử, từ năm 1990 nhận trọng trách trụ trì ngôi chùa, sư Thích Đàm Khanh đã kêu gọi chính quyền địa phương và tăng ni, phật tử thập phương góp công, góp của, trùng tu, tôn tạo chùa trong đó vẫn đảm bảo giữ nguyên kiến trúc cổ tự theo phong cách thời Lý - Trần.

Nét đẹp văn hóa, lịch sử từ ngôi chùa do Vua Trần Nhân Tông sắc phong - ảnh 4Những pho tượng gỗ có giá trị tại chùa.

Chùa Ngọc Đới có cấu trúc hình chữ Đinh, tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ bằng gỗ, bằng đồng và bằng đất nung, nhiều hoành phi, câu đối, bia đá,… có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật điêu khắc. Mỗi một pho tượng gỗ và thổ tượng như một tác phẩm nghệ thuật với đường nét điêu khắc chạm nổi tinh xảo. Các pho tượng có phong cách nghệ thuật từ thế kỷ thứ XVII đến thế kỷ XIX, vẫn giữ được nước sơn nguyên vẹn đến ngày nay, thể hiện tinh hoa nghệ thuật dân tộc qua nhiều thế kỷ.

Về hệ thống tượng Phật, ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, cho biết: “Hệ thống tượng Phật ở chùa Ngọc Đới được công nhận là kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Hệ thống tượng Phật đã lưu giữ được bao đời nay. Có lẽ tính chất  độc đáo và giá trị nhất của chùa Ngọc Đới đến thời điểm này là hệ thống tượng Phật”.

Nét đẹp văn hóa, lịch sử từ ngôi chùa do Vua Trần Nhân Tông sắc phong - ảnh 5Hồ bán nguyệt phía trước sân chùa.

Tọa lạc ở vị trí “long chầu hổ phục”, ngôi chùa được nhân dân trong vùng thường xuyên lui tới bởi sự linh thiêng trong tín ngưỡng văn hóa tâm linh. Người dân truyền lại câu chuyện của các cụ cao niên, vào năm Đinh Mão vỡ đê Thiều Xá, làng xóm trong vùng ngập chìm trong nước, riêng ngôi chùa Ngọc Đới, nước không tới. Còn hồ bán nguyệt trước sân chùa, nước không bao giờ cạn, là nơi để người dân làng Cách (xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc ngày nay) lấy nước về ăn uống, sinh hoạt.

Nép mình bên những cây đại thụ rợp mát, nổi bật là cây thông cổ thụ cao trên 25m, được trồng khoảng thế kỷ thứ XVIII, XIX, những cây sung, cây si có giá trị vài trăm năm tuổi, ngôi cổ tự, với vẻ u tịch và thâm nghiêm, tạo cho du khách cảm giác thanh thản, an lạc, tự tại ở chốn thiêng nhà Phật. Bà Ngô Thị Ngần, người dân xã Tuy Lộc, cho biết: “Ngôi chùa này là di tích quốc gia. Chúng tôi rất thích về vãn cảnh chùa. Bởi cảnh chùa rất tĩnh mịch và cổ xưa. Chúng tôi mong phật tử các nơi thường xuyên đến thăm viếng chùa và ủng hộ công đức để tôn tạo ngôi chùa của quốc gia làm thế nào để cảnh quan càng ngày càng đẹp hơn, được mọi khách thập phương chú ý”.

Nét đẹp văn hóa, lịch sử từ ngôi chùa do Vua Trần Nhân Tông sắc phong - ảnh 6Hình ảnh một lễ hội truyền thống của chùa Ngọc Đới.

Trong những năm qua, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch là lễ hội truyền thống của chùa Ngọc Đới, chính quyền địa phương tổ chức lễ hội trong hai ngày. Phần lễ và phần hội thu hút đông đảo các phật tử, bà con trong vùng và các nơi hội tụ, về thăm vãn cảnh chùa, cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho Quốc thái dân an, nhà nhà êm ấm.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, ngôi chùa cổ Ngọc Đới vẫn giữ nguyên vẹn nét cổ kính, là nơi tâm linh hướng tới cảnh Phật và là nơi giáo dục ý thức cách mạng, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho các thế hệ con cháu sau này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu