Mô hình trường dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số

Minh Châu
Chia sẻ
(VOV5) -  Những năm qua, Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, là 1 trong 15 trường dạy nghề trọng điểm của cả nước. Trường đã tiếp nhận và đào tạo nghề cho hàng chục nghìn học viên, sinh viên, thanh niên các dân tộc Tây Nguyên. Sự đa dạng về ngành nghề học, gắn dạy nghề ở trường với thực hành tại doanh nghiệp giúp cho học viên thích ứng nhanh với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp, từ đó có công việc ổn định.  

(VOV5) Những năm qua, Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, là 1 trong 15 trường dạy nghề trọng điểm của cả nước. Trường đã tiếp nhận và đào tạo nghề cho hàng chục nghìn học viên, sinh viên, thanh niên các dân tộc Tây Nguyên. Sự đa dạng về ngành nghề học, gắn dạy nghề ở trường với thực hành tại doanh nghiệp giúp cho học viên thích ứng nhanh với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp, từ đó có công việc ổn định.  

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Trung tâm tin học ASIA là một trong số những cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin có uy tín có uy tín ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Giám đốc Trung tâm là Y Nuc Rahlan, người dân tộc Jarai, và các nhân viên ở đây đều tốt nghiệp từ trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên. Với họ, ngôi trường này là nơi đã đào tạo cho họ những kỹ năng nghề nghiệp hữu ích để bước vào cánh cửa cuộc đời. Theo anh Y Nuc Rahlan, thành công của anh hiện nay là nhờ những chỉ bảo của các thầy giáo, cô giáo ngay từ đầu mới vào trường học nghề, đó là học lý thuyết và thực hành đều phải thực sự nghiêm túc: "Khi theo học tại nhà trường, các thầy cô giáo luôn hướng dẫn chúng tôi là ra trường sẽ làm gì, định hướng cho một số bạn làm ở các khu công nghiệp, hoặc hướng dẫn tự tạo công ăn việc làm cho mình. Những kiến thức ở nhà trường chính là những điều căn bản rất quan trọng để tạo tiền đề khi đi làm và ứng dụng các kiến thức này vào thực tế để làm việc".

       
Mô hình trường dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số - ảnh 1


Những năm qua, có khoảng 80% học viên, sinh viên của Trường Cao Đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên tìm được việc làm sau tốt nghiệp. Trong đó có nhiều học viên lao động tại nước ngoài với thu nhập cao.


Ông Rahlan Von Ga, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, cho biết nhằm giúp học viên, sinh viên thuận lợi trong việc đăng ký theo học và tìm kiếm việc làm, nhà trường luôn quan tâm lựa chọn đào tạo những trọng điểm trong khu vực, như chế biến cà phê ca cao, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật sửa chữa máy tính, kỹ thuật máy nông nghiệp, khuyến nông lâm, điêu khắc gỗ.... Bên cạnh đó, trường còn xây dựng mối liên kết bền chặt với các đơn vị, doanh nghiệp. Đây chính là môi trường thực hành, hình thành tác phong làm việc cho học viên, để các em thuận lợi hơn khi tìm kiếm việc làm: “Trong những năm qua chúng tôi có hẳn một phòng gọi là phòng sản xuất dịch vụ, chịu trách nhiệm liên kết với các doanh nghiệp để học sinh thực tập và giải quyết việc làm sau khi ra trường. Và chúng tôi đã ký kết với gần 100 các doanh nghiệp, đơn vị bạn, kể cả trường với trường để tạo được mối quan hệ giữa học sinh, sinh viên và giáo viên. Còn việc giải quyết việc làm thì các lớp tốt nghiệp thì chúng tôi đều mời các doanh nghiệp đã ký kết đến để phỏng vấn trực tiếp học viên để nhận các em vào làm việc”.


Nguyễn Thị Nữ từng là học viên Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, hiện là nhân lực chính điều hành dây chuyền chế biến ca cao của công ty Nam Trường Sơn. Nhờ có thành tích học tập tốt, chăm chỉ, Nguyễn Thị Nữ được công ty tuyển dụng ngay khi kết thúc khóa thực tập tại đây. Nguyễn Thị Nữ chia sẻ: "Trong quá trình học tập, chúng em được thực hành nghề nghề chế biến nông sản cà phê ca cao tại công ty. Công ty và nhà trường gắn kết với nhau để tạo điều kiện cho học viên thực tập để thích ứng với công việc, có được kinh nghiệm và dễ xin việc".


Mô hình trường dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số - ảnh 2

Hiện nay, cùng với đào tạo nghề chính quy ở trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp với quy mô từ 2.500 đến 3.000 học sinh, sinh viên; trường có 20 chuyên ngành, nghề, trong đó 5 nghề đạt tiêu chuẩn trình độ chất lượng quốc gia, 10 nghề đạt tiêu chuẩn trình độ chất lượng khu vực Đông Nam Á và 2 nghề đạt tiêu chuẩn trình độ chất lượng quốc tế. Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên còn thực hiện các nhiệm vụ như: đào tạo phục vụ xuất khẩu lao động; đào tạo liên kết trình độ đại học cho một số ngành nghề; nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; thực hiện sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Trường đang tiến tới một giai đoạn phát triển mới, khi được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) của Hàn Quốc đầu tư 6 triệu USD để nâng cấp về cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề. Với sự đầu tư này, trường càng có điều kiện đổi mới công tác dạy nghề, đáp ứng nhu cầu chọn nghề, học nghề và làm nghề của thanh niên các dân tộc Tây Nguyên, xây dựng trường trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực và cả nước.


Quy trình học ở trường kết hợp với thực hành ở công ty giúp trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên luôn có tỷ lệ học viên ra trường có việc làm ngay ở mức cao. Hiệu quả này đang tạo nên sức hút để nhà trường thành điểm đến của ngày càng nhiều các thanh niên ở các buôn làng Tây Nguyên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu