Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, đổi mới

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Trong xu thế hội nhập quốc tế, văn hóa Việt Nam đang trong quá trình hòa nhập với nền văn hóa thế giới. Trong bối cảnh này, hệ giá trị văn hóa Việt Nam chịu nhiều tác động cả bên trong lẫn bên ngoài. Sự chuyển đổi giá trị trong văn hóa Việt Nam, hay cách bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong phát triển xã hội… là những vấn đề được các nhà văn hóa quan tâm. 
(VOV5) - Trong xu thế hội nhập quốc tế, văn hóa Việt Nam đang trong quá trình hòa nhập với nền văn hóa thế giới. Trong bối cảnh này, hệ giá trị văn hóa Việt Nam chịu nhiều tác động cả bên trong lẫn bên ngoài. Sự chuyển đổi giá trị trong văn hóa Việt Nam, hay cách bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong phát triển xã hội… là những vấn đề được các nhà văn hóa quan tâm. 

Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, đổi mới - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


Nghe âm thanh tại đây:


Có nhiều cách định nghĩa về hệ giá trị văn hóa theo điều kiện đời sống xã hội. Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn cho rằng: Hệ giá trị của một nền văn hóa bao gồm toàn bộ những chủ thể mà nền văn hóa đó đã tích lũy được. Hệ giá trị văn hóa Việt Nam chính là những giá trị văn hóa trên mọi lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội… do con người Việt Nam đúc kết lại trong quá khứ, nhiều giá trị liên kết với nhau tạo thành hệ thống. Hệ thống giá trị văn hóa này lại điều chỉnh, chi phối cách sống của con người đương đại. Nhiều khi hệ giá trị văn hóa Việt Nam cũng có những thay đổi nhất định để phù hợp với bối cảnh mới.

Từ nền tảng truyền thống, những giá trị văn hóa cổ truyền được bảo tồn và phát huy cho đến nay đang tạo ra hệ giá trị văn hóa mới của thời hiện đại, đi kèm với đó là những yếu tố tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc làm cho nhiều giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được khẳng định, đồng thời hệ giá trị văn hóa Việt Nam được bổ sung thêm nhiều giá trị mới, làm cho bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng hơn. Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng: 
“Một nguyên lý có lẽ không thể nào khác được, đó là bây giờ chúng ta phải kiên trì làm 2 việc, vừa bảo vệ, kế thừa, làm giàu có truyền thống, nhưng đồng thời cũng phải chủ động hội nhập. Nó như 2 công việc mà không thể bỏ cái này hoặc bỏ cái kia được. Nếu làm tốt 2 cái đó thì đất nước chúng ta vẫn là chúng ta nhưng rất hiện đại. Còn nếu bỏ 1 trong 2 thì chúng ta sẽ rơi vào trạng thái thoái hóa, suy yếu, không hiện đại hóa được hoặc chúng ta sẽ mất truyền thống. Thế giới bây giờ rất phong phú và đa dạng. Chủ động hội nhập tức là chủ động lựa chọn. Không chủ động thì nhiều khi không đạt được mục tiêu”.

Trong lịch sử bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, Việt Nam luôn luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng trước sự du nhập của những trào lưu văn hóa ngoại lai. Hiện nay, xu thế mở cửa, giao lưu, hội nhập văn hóa ngày càng trở nên sâu rộng, đời sống văn hóa Việt Nam đang phải đối mặt trực tiếp với những thách thức lớn. Nhà lý luận phê bình Ngô Thảo nêu rõ: 
“Việc quan trọng nhất vẫn là tạo ra nội lực của mình. Nội lực đó chính là tạo ra 1 lực lượng những người sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam có một vốn sâu về truyền thống. Đem vốn truyền thống đó ôn lại, gìn giữ lại, bày nó ra và nhào nhuyễn lại trong kiến thức, văn hóa thế giới để chúng ta sáng tạo ra những sản phẩm mới hoàn toàn nhưng trong đó có rất rõ hình bóng, tâm hồn, trí tuệ, tinh thần của dân tộc Việt Nam”.

Thế giới không ngừng phát triển, văn hóa cũng không nằm ngoài luồng phát triển đó. Những luồng văn hóa trên thế giới được giới trẻ cập nhật từng ngày, từng giờ và không ngừng đổi mới. Ngày nay, vấn đề luôn được những người nghiên cứu, hoạch định văn hóa của Việt Nam quan tâm chính là những tư tưởng mới của giới trẻ về văn hóa. Giáo sư Ngô Đức Thịnh chia sẻ:
“Tương lai của văn hóa chính là ở giới trẻ. Trong những khuyến nghị về văn hóa thì nên hướng đến thế hệ trẻ, thế hệ tương lại của đất nước. Vấn đề hội nhập văn hóa, bảo tồn văn hóa chính là phải tác động vào giới trẻ, lực lượng trẻ đó để họ ý thức được chuyện tại sao chúng ta phải bảo vệ di sản, truyền thống, tại sao chúng ta phải hội nhập. Khi họ ý thức được và chúng ta tạo những điều kiện cho họ để họ có thể thực hiện được những việc đó, họ trở thành những người làm chủ quá trình bảo tồn và hội nhập. Suy nghĩ của tôi chỉ nằm trong mấy chữ: kiên trì bảo tồn và phát huy truyền thống, chủ động hội nhập với văn hóa nhân loại. Mọi sự kỳ diệu đều nằm ở đó”.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong nỗ lực xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ đất nước hội nhập, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn chỉ rõ:
 “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua tạo dựng, bồi đắp và gìn giữ hệ giá trị văn hóa đóng một vai trò quan trọng với bất cứ một dân tộc, đất nước nào. Đó chính là sự khác biệt, căn cước, bản lĩnh của xã hội mà hệ giá trị đó tồn tại. Từ nền tảng truyền thống, những giá trị văn hóa cổ truyền đã được bảo tồn và phát huy cho đến nay, đang tạo ra hệ giá trị văn hóa mới của thời hiện đại”.

Giữa những chuyển biến của đời sống xã hội, văn hóa Việt Nam như có thêm một luồng gió mới từ những yếu tố hội nhập, những tinh hoa của thế giới. Bên cạnh đó, những nét văn hóa truyền thống vốn có vẫn đang từng ngày, từng giờ được gìn giữ, bảo tồn và phát huy để văn hóa Việt luôn là niềm tự hào của mỗi người dân Việt./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu